English | Français   rss
Liên kết
Tọa đàm kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-05-2017 03:07)
Góp ý

Ngày 17/5, Đại học Huế tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam với chủ đề: Cách mạng công nghiệp 4.0 với hoạt động khoa học và công nghệ ở Đại học Huế. Tham dự và chủ trì buổi tọa đàm có PGS.TS. Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng ban KHCN Đại học Huế. 

 

Cách mạng công nghiệp được hiểu là sự thay đổi lớn, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Động cơ hơi nước được đưa vào ôtô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ 1870) đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng là từ cuộc cách mạng này.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Năm 2013, một từ khóa mới là "Công nghiệp 4.0" (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên nhằm đề cập đến chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Tại buổi tọa đàm, đại biểu đã nghe các nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Huế báo cáo kết quả nghiên cứu trong thời gian qua như: Giải pháp dịch vụ IoT cho các vấn đề quan trọng của Việt Nam và định hướng nghiên cứu của PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế ĐHH và nhóm nghiên cứu; Triển khai bệnh án điện tử và chatbot tại Trung tâm Y học gia đình Trường ĐH Y Dược, Đại học Huế của PGS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược; Phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam của TS. Nguyễn Quang Lịch, Giảng viên Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế; Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề thách thức trong nghiên cứu phát triển kinh tế Việt Nam của PGS.TS. Bùi Đức Tính, Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế, Đại học Huế. Các báo cáo có tính định hướng theo Công nghiệp 4.0. Đại biểu cũng đã thảo luận và đưa ra những ý kiến đề xuất các hướng phát triển nghiên cứu trong thời gian tới tại Đại học Huế. 

 

PV

Liên kết
×