English | Français   rss
Liên kết
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức Hội nghị khoa học trẻ năm 2017 (07-11-2017 08:57)
Góp ý

 

Nhằm động viên, khuyến khích các nhà khoa học trẻ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, ngày 07/10/2017, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã tổ chức Hội nghị Khoa học trẻ năm 2017. Tham dự Hội nghị có TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế; TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm; đại diện lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc cùng sinh viên, học viên và cán bộ giảng viên trẻ của Nhà trường.

 

 

Giảng viên trẻ Mai Thế Hùng Anh trình bày báo cáo tại Hội nghị Khoa học trẻ

 

Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Sư phạm luôn có những ưu tiên dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tính riêng trong năm 2016, cán bộ viên chức, lao động và sinh viên Nhà trường đã thực hiện 8 đề tài cấp Nhà nước, 39 đề tài cấp Bộ, cấp Đại học Huế, 103 đề tài cấp Trường và hàng trăm bài báo, công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, Nhà trường đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích, đầu tư cho sinh viên, học viên, giảng viên trẻ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học giúp các nhà khoa học trẻ trang bị phương pháp nghiên cứu, nâng cao tư duy phân tích, tổng hợp, phát huy khả năng sáng tạo và định hướng nghiên cứu trong tương lai. Hội nghị khoa học trẻ năm 2017 tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ công bố các sản phẩm nghiên cứu, trao đổi các ý tưởng và thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong Nhà trường.

 

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế khẳng định hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Phó Giám đốc Đại học Huế đánh giá cao những thành công trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và những chính sách ưu đãi, khuyến khích, động viên các nhà khoa học trẻ nói riêng của Nhà trường; mong muốn thông qua Hội nghị lần này, Nhà trường sẽ nắm được những đề xuất, góp ý, trao đổi, chia sẻ của các nhà khoa học trẻ; từ đó có những chủ trương, định hướng phù hợp, hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ tham gia ngày càng sâu rộng hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường.

 

Hội nghị đã nhận được sự quan tâm từ các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, các giảng viên trẻ của Nhà trường. Có 61 bài viết được gửi đến thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Các bài viết trình bày những kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng trong khoa học giáo dục như: đề tài xây dựng quy trình thiết kế thí nghiệm hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; ứng dụng phương pháp Socrates trong các học phần liên quan đến pháp luật; phát triển năng lực đọc hiểu cho học sinh dân tộc thiểu số; phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh qua dạy học, đọc hiểu văn bản ở bậc trung học phổ thông bằng phương pháp wedquest… Các đề tài thuộc các chuyên ngành, lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu như: đề tài đối thoại văn hoá Đông – Tây trong sáng tác của Amélie Nothomb; hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ với Myanmar trong thập niên đầu thế kỷ XXI; nghiên cứu ảnh hưởng của việc bổ sung các loại phân hữu cơ trên nền đất cát đến khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và hàm lượng NO3; công suất hấp thụ và độ rộng phổ tuyến tính trong giếng lượng tử thế Hyperbol…

 

 

Trần Đức

 

 

Liên kết
×