English | Français   rss
Liên kết
Xây dựng mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh và lợn hướng nạc nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nông dân ở Huyện Quảng Trạch - t& (27-05-2009 16:44)
Góp ý
Ngày 23/5/2009, Đại học Huế đã tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN trọng điểm cấp Bộ về "Xây dựng mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh và lợn hướng nạc nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nông dân ở Huyện Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình". Đề tài do PGS.TS. Hoàng Mạnh Quân - Trường ĐH Nông lâm chủ trì cùng nhóm thực hiện: PGS. TS. Phùng Thăng Long, TS. Nguyễn Xuân Bả, TS. Lê Đình Phùng, ThS. Hồ Tấn Đức, KS. Võ Chí Tiến, KS. Ngô Mậu Dũng, KS. Nguyễn Minh Đức, KS. Hoàng Anh Tuấn phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Bình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình, Trung tâm giống vật nuôi Quảng Bình.
Trong những năm qua, ở nước ta có nhiều nghiên cứu về quy trình chăn nuôi bò bán thâm canh và lợn hướng nạc. Có 4 hướng nghiên cứu đã được tập trung : Công tác cải tạo giống bò và nạc hoá giống lợn nhằm cải tạo các giống địa phương để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi; Các nghiên cứu dinh dưỡng và thức ăn nhằm thay đổi quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và tận dụng tối ưu các phế phụ phẩm nông nghiệp cũng như các thức ăn sẵn có ở địa phương để phát triển chăn nuôi; Các nghiên cứu về khả năng thích nghi của các tổ hợp lai mới (bê lai hướng thịt và lợn hướng nạc); Các nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp kinh tế - kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò và lợn.

Tuy nhiên, rất ít các nghiên cứu được tiến hành ở Quảng Bình, nơi có diện tích đồi núi chiếm phần lớn tổng diện tích đất tự nhiên và có các hệ thống sản xuất nông nghiệp khá phong phú với nhiều phụ phẩm có thể làm thức ăn cho gia súc, nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi bò và lợn. Thực tế cho thấy ngành sản xuất này những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Chăn nuôi bò và lợn của các hộ nông dân ở nhiều nơi còn mang tính chất tận dụng, quảng canh, trình độ sản xuất thấp nên năng suất và chất lượng chưa cao.

Từ thực tế đó, đề tài này nhằm nghiên cứu hoàn thiện một số quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò bán thâm canh và lợn hướng nạc để chuyển giao vào sản xuất; nâng cao hiệu quả của sản xuất chăn nuôi bò và lớn hướng nạc dựa trên nguồn thức ăn sẵn có của nông hộ; nghiên cứu xây dựng một số mô hình sản xuất để nhân rộng; nâng cao năng lực tiếp cận với thực tiễn sản xuất của một số cán bộ trường ĐHNL, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Sản phẩm của đề tài là 2 quy trình hoàn thiện và 12 mô hình về nuôi bò bán thâm canh và nuôi lợn thịt hướng nạc ở quy mô nông hộ, nhiều bài báo và báo cáo khoa học đã được công bố.

Điểm mới của kỹ thuật trong các mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh và lợn hướng nạc là cải thiện chất lượng thức ăn tinh, tăng hàm lượng CP và tăng lượng protein động vật (bột cá); lượng thức ăn cho tăng dần theo khối lượng và tuỳ thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng; cho lượng thức ăn tinh cao trong giai đoạn vỗ béo và rút ngắn thời gian nuôi; sử dụng Urea trong thức ăn tinh nhằm thoả mãn nhu cầu VSV dạ cỏ để giảm giá thành; không nấu chín và chia nhỏ nhiều bữa cho gia súc ăn; cải thiện chế độ chăm sóc, phòng bệnh và quản lý.

Việc áp dụng các quy trình kỹ thuật mới hoàn thiện vào sản xuất đã nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế chăn nuôi, được người dân địa phương rất quan tâm.

  Mô hình lợn F2 của anh Công (xã Quảng Phương) khi đưa vào thí nghiệm
  Bò của anh Hải (xã Quảng Thạch) sau 2 tháng vỗ béo
Hồng Sam
Liên kết
×