English | Français   rss
Liên kết
15 điểm mới được xét tuyển ĐH? (23-12-2004 07:49)
Góp ý
Sáng 22-12, lần đầu tiên phiên họp ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT tổ chức họp qua mạng và qua cầu truyền hình từ ba địa điểm Hà Nội, Huế và TP.HCM.

Và tại phiên họp này, ngoài quyết định chính thức sẽ sử dụng phương pháp thi trắc nghiệm đối với môn ngoại ngữ, ban chỉ đạo tuyển sinh cũng dự kiến triển khai một số điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh năm 2005 bao gồm: sửa đổi một số qui định trong qui chế tuyển sinh, tất cả các trường CĐ không tổ chức thi, chỉ xét tuyển bằng kết quả thi ĐH theo đề chung, công bố điểm sàn trước kỳ thi...

Sàn 15 điểm, công bố trước kỳ thi?

Năm 2005, học sinh các trường, lớp chuyên sẽ không được hưởng ưu tiên khu vực tại nơi học và tốt nghiệp THPT. Theo ban chỉ đạo tuyển sinh, sửa đổi này nhằm thực hiện nhất quán qui định chung là lấy điều kiện hưởng thụ giáo dục làm căn cứ xác định ưu tiên khu vực.
Ngoài ra, do bộ chưa đề cập nên nhiều ý kiến đề nghị, qui chế cần bổ sung qui định “đối với các thành phố mới được chia tách, nâng cấp, được áp dụng tiêu chuẩn ưu tiên khu vực như cũ cho thí sinh (TS) thêm ba năm”.

Đáng lưu ý là theo dự thảo phương hướng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005, bộ khẳng định TS chỉ được tham gia xét tuyển khi có tổng điểm ba môn thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn qui định. Và mức sàn được dự kiến là 15 điểm ba môn (đối với HSPT-KV3, các đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1 điểm, khu vực giảm 0,5 điểm) đồng thời ban chỉ đạo tuyển sinh cũng lấy ý kiến về việc có nên công bố mức sàn này trước kỳ thi hay chờ có kết quả thi mới xác định điểm sàn như đã thực hiện ở kỳ thi năm 2004.

Ông Nguyễn Đức Hưng (phó giám đốc ĐH Huế) khẳng định công bố sàn trước hay sau không có vấn đề gì nếu làm tốt công tác ra đề, đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn, phân loại TS. Giám đốc ĐH Đà Nẵng Phạm Quang Xưng khẳng định “sàn phải ở mức 15 điểm/ba môn. Đó là mốc tối thiểu để được tuyển chọn vào ĐH”. Ông còn kiến nghị: “Không nên gọi là điểm sàn và hằng năm cứ phải tranh luận nên qui định là bao nhiêu, công bố khi nào. Nhà nước, Bộ GD-ĐT nên qui định cố định thống nhất mức 15 điểm/ba môn là điểm tối thiểu để xét tuyển vào ĐH”.

Các trường CĐ không tổ chức thi?

Khi nêu lên các phương hướng của kỳ thi năm 2005, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết Bộ GD-ĐT dự kiến “tất cả các trường CĐ trung ương và địa phương đều không thi tuyển sinh mà căn cứ vào kết quả thi ĐH theo đề chung để xét tuyển”.

Tuy nhiên trong trường hợp toàn bộ các trường CĐ xét tuyển, mức sàn chung sẽ là bao nhiều cho hợp lý? Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng thừa nhận nếu áp dụng chung mức sàn CĐ giảm 3 điểm so với ĐH như năm 2004, tức là ở mức 12 điểm, nhiều trường CĐ sẽ rất khó khăn trong tuyển sinh.

Chủ trương “tất cả các trường CĐ không tổ chức thi” sẽ làm gia tăng đáng kể số TS có nguyện vọng đăng ký xét tuyển ngay từ NV1 vào các trường không tổ chức thi. Thực tế này khiến nhiều ý kiến đề nghị bộ phải qui định thật rõ, chặt chẽ qui trình nộp hồ sơ đăng ký và dự thi của những TS này.

Phương án được bộ đưa ra là những TS có NV1 học tại các trường không tổ chức thi sẽ nộp hồ sơ trực tiếp cho các trường này, các trường có nhiệm vụ gửi TS dự thi ở một trường ĐH cùng khối thi và gần nơi ở của TS. Sau đó, các trường không tổ chức thi sẽ lấy kết quả thi xét tuyển những TS này bằng NV1.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, đề xuất bộ nên qui định chọn một trong hai phương án: một là như cách bộ đưa ra nhưng các trường không tổ chức thi phải sớm thỏa thuận với các trường có tổ chức thi để còn chủ động thuê phòng, tách số báo danh riêng...; phương án hai là bộ nên chỉ định trường không tổ chức thi này ghép thi chung với trường tổ chức thi kia ngay từ đầu và công bố sớm trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh” để TS nắm được sớm trước khi chọn trường và nộp hồ sơ.

Theo Tuổi trẻ

Liên kết
×