English | Français   rss
Liên kết
Báo cáo của Thứ trưởng Bành Tiến Long tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2005 (17-02-2005 07:44)
Góp ý
Báo cáo của GS.TSKH Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Tại Hội nghị về thi và tuyển sinh năm 2005 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức qua cầu truyền hình tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ ngày 02/02/2005.

Kính thưa các vị quý khách
Thưa các đồng chí

Được sự uỷ nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, tôi xin báo cáo về tình hình thi tốt nghiệp THPT, THBT, thi học sinh giỏi và thi tuyển sinh ĐH, CĐ, THCN năm 2004; phương hướng nhiệm vụ công tác tuyển sinh năm 2005 và các năm tiếp theo.

Toàn bộ dự thảo các văn bản báo cáo đã được đưa lên mạng internet từ ngày 20/1/2005 và đã gửi qua bưu điện để các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường và các vị đại biểu có điều kiện nghiên cứu trước. Vì vậy, tôi chỉ tóm tắt một số nội dung chính.

A. Về công tác thi và tuyển sinh năm 2004.

Nhìn chung, các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh ĐH, CĐ và THCN năm 2004 đã được tiến hành đúng quy chế, trật tự, an toàn, được cải tiến gọn nhẹ hơn, giảm bớt sự căng thẳng tốn kém, bảo đảm tốt hơn sự công bằng và kỷ cương thi cử. Cụ thể là:

I. Thi tốt nghiệp THCS, THPT, Bổ túc THPT, bổ túc THCS

Năm 2004, các kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT được tổ chức trong 3 ngày với 6 môn thi, các kỳ thi tốt nghiệp THCS và Bổ túc THCS được tổ chức trong 2 ngày với 4 môn thi.

Để tiến hành tốt các kỳ thi này theo đúng quy chế, ngay từ đầu năm học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, các trường xúc tiến công tác chuẩn bị, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi, chuẩn bị hồ sơ, cơ sở vật chất cần thiết cho kỳ thi.

Bộ đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành hữu quan đảm bảo các điều kiện thuận lợi để tổ chức các kỳ thi.

Điểm mới trong các kỳ thi tốt nghiệp năm 2004 là đã huy động nhiều giáo viên THPT tham gia biên soạn và phản biện đề thi, bảo đảm đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa, có khả năng phân loại học sinh, góp phần đổi mới cách dạy và học ở bậc THPT, không có sai sót đáng kể, ngoài việc phải điều chỉnh hướng dẫn chấm môn địa lý THPT (câu 1) và môn Lịch sử Bổ túc THPT (câu 3 đề I và câu 3 đề II).

Trong công tác coi thi, Hội đồng thi các địa phương đã chủ động tăng cường kỷ luật đối với cán bộ coi thi và học sinh, vì vậy không khí trường thi nghiêm túc hơn, có tiến bộ hơn. Trong kỳ thi tốt nghiệp THCS, có 24 học sinh vi phạm quy chế. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT, có 406 thí sinh, 12 cán bộ coi thi bị kỷ luật và 10 trường hợp thi hộ đã bị xử lý. Đáng tiếc là tại một vài Hội đồng thi còn xảy ra tình trạng cướp đề thi hoặc hành hung cán bộ coi thi.

Công tác chấm thi được thực hiện theo quy trình 2 vòng độc lập, nhìn chung không có sai phạm đáng kể, tuy nhiên một vài địa phương có biểu hiện chấm rộng so với đáp án.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 64 đoàn thanh tra tại 64 tỉnh, thành phố, ngoài ra, các địa phương còn bố trí thanh tra cắm chốt tại các địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý mọi hành vi tiêu cực, vi phạm quy chế.

Kết quả là:

- Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có 684.625 học sinh tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 92,88%, trong đó loại giỏi chiếm 0,87%; loại khá chiếm 14,1%.

Có 30 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%; 7 tỉnh, thành phố đạt trên 99%, cao nhất là Hà Tây. Các tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp giảm nhiều so với năm 2003 là Hà Giang, Quảng Nam, Cà Mau, Tây Ninh.

- Trong kỳ thi tốt nghiệp  bổ túc THPT, có 152.528 học sinh dự thi, số tốt nghiệp đạt tỷ lệ 91,4%, trong đó có 48 đơn vị tốt nghiệp trên 90%, 16 đơn vị tốt nghiệp trên 99%, 5 đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 70%.

- Trong kỳ thi tốt nghiệp THCS, số thí sinh tốt nghiệp là 1.340.799, đạt tỷ lệ 96,19%, trong đó loại giỏi chiếm 10,1%, loại khá 26,9%.

Bên cạnh những mặt được, các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cũng còn những khiếm khuyết tồn tại như:

- Việc kiểm tra hồ sơ và điều kiện dự thi có nơi còn sai sót

- Việc chuyển đề thi đến một vài địa phương còn chậm so với kế hoạch làm cho khâu sao in phải thực hiện gấp

- Tại một vài hội đồng thi, công tác bảo vệ chưa chặt chẽ để xảy ra tình trạng cướp đề thi, hành hung giám thị, một số giám thị không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, có thái độ nể nang.

- Có tình trạng chấm bài thi không sát thang điểm hoặc chấm rộng; có nơi xử lý hồ sơ đặc cách THPT không đúng tiêu chuẩn.

II. Thi học sinh giỏi và tuyển sinh đầu cấp.

- Năm 2004, có 4937 thí sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia ở 11 môn thi theo chương trình lớp 12, trong đó có 2194 thí sinh thi ở bảng A và 2743 thí sinh thi ở bảng B. Số thí sinh đạt giải ở bảng A chiếm tỷ lệ 50,45%, bảng B chiếm tỷ lệ 41,7%.

- Năm 2004, có 8 học sinh dự thi Olympic Vật lý Châu á, đoạt 1 huy chương bạc, 4 huy chương đồng và 3 bằng khen. Có 30 học sinh dự thi Olympic quốc tế, trong đó có 26 học sinh đoạt giải bao gồm 10 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 6 huy chương đồng.

- Công tác tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 THPT và bổ túc THPT, lớp 10 THPT chuyên được các đơn vị thực hiện theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ.

III. Thi tuyển sinh THCN

Năm 2004, chỉ tiêu tuyển sinh vào THCN là: 225.690 chỉ tiêu (tăng lên 5,7% so với năm 2003), bao gồm: hệ chính quy là 170.300 chỉ tiêu (tăng 9,8% so với  năm 2003), hệ không chính quy là 55.390 chỉ tiêu và cử tuyển là 2000 chỉ tiêu giành cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Về cơ bản, công tác tuyển sinh vào THCN năm 2004 được thực hiện tương tự như năm 2003. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo có điều chỉnh, sửa đổi Quy chế tuyển sinh THCN ở một số nội dung liên quan đến chế độ ưu tiên theo đối tượng và khu vực.

Nhìn chung, công tác tuyển sinh THCN năm 2004 đã diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế trong tất cả các khâu, từ công tác chuẩn bị, tiếp nhận hồ sơ ĐKDT, ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi đến khâu xét tuyển và gọi thí sinh nhập học. Đặc biệt là trật tự, kỷ cương thi cử được xiết chặt hơn, tiến bộ hơn so với năm trước. Hội đồng tuyển sinh các trường đã kiên quyết xử lý các hiện tượng vi phạm quy chế, được dư luận xã hội hoan nghênh và đồng tình ủng hộ. Số lượng thí sinh bị xử lý kỷ luật là 1205 người, trong đó 222 người bị khiển trách, 181 bị cảnh cáo và 802 bị đình chỉ thi.

Kết quả, năm 2004 có 174.696 học sinh được xét tuyển đang học năm thứ nhất (hệ THCN) tại các trường THCN, trường ĐH, CĐ và các cơ sở khác có đào tạo THCN (thống kê từ báo cáo của 256 trường THCN, 126 trường ĐH, CĐ và các cơ sở khác có đào tạo THCN) trên tổng chỉ tiêu được giao cho các trường nói trên là 173.244.

Bên cạnh những mặt đã đạt được kể trên, công tác tuyển sinh vào THCN năm 2004 vẫn còn những tồn tại, đó là : Sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc in ấn và vận chuyển hồ sơ ĐKDT để phát hành chưa thật tốt, ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ chung; công tác thông tin liên lạc có nơi chưa thật thông suốt. Một số trường mặc dù số thí sinh ĐKDT không vượt quá 150% so với chỉ tiêu nhưng vẫn tổ chức thi tuyển, gây tốn kém, phiền hà không cần thiết; cán bộ coi thi ở một số hội đồng chưa thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh, né tránh xử lý hoặc xử lý chưa đúng mức các vi phạm của thí sinh.

IV. Thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thưa các đồng chí!

Năm 2004 là năm thứ 3 thực hiện Đề án cải tiến tuyển sinh theo giải pháp 3 chung. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ban Khoa giao Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành hữu quan và sự cố gắng của toàn ngành, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2004 đã có nhiều tiến bộ hơn các năm trước, được dư luận đánh giá tốt. Trong ba đợt thi (hai đợt thi đại học và một đợt thi cao đẳng) vào tháng 7/2004, đã có 1.300.943 thí sinh dự thi (đạt 77,3% so với số lượt đăng ký dự thi). Qua 3 đợt xét tuyển kéo dài từ 20/8 đến 30/9/2004 đã có 142.392 thí sinh trúng tuyển vào 136 trường đại học, học viện (đạt 101,84% chỉ tiêu) và 94.887 thí sinh trúng tuyển vào 126 trường cao đẳng (đạt 103,85%).

Qua kết quả kỳ thi tuyển sinh năm 2004 và 3 năm thực hiện giải pháp 3 chung, chúng ta thấy rõ những mặt được và chưa được của công tác tuyển sinh, đồng thời rút ra nhiều bài học quý báu.

Mặt được chủ yếu là các kỳ thi đã phát huy tác dụng tích cực của giải pháp 3 chung như: giảm bớt căng thẳng, tốn kém; giảm số thí sinh tập trung về Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Kỷ cương và công bằng trong thi cử được bảo đảm tốt hơn. Đề thi bám sát chương trình và sách giáo khoa THPT có tác dụng điều chỉnh cách dạy và học ở bậc THPT, khắc phục một bước nạn học thêm, dạy thêm, luyện thi, học tủ, học lệch và tình trạng quay cóp trong thi cử. Kỷ luật khu vực thi nghiêm túc hơn. Công tác chấm thi 2 vòng độc lập được thực hiện tốt hơn đặc biệt là việc quy định chấm vòng 1 và vòng 2 tại 2 phòng độc lập. Các trường tiến hành xét tuyển nhanh gọn và chủ động hơn. Giải pháp 3 chung và đặc biệt là việc quy định điểm sàn đã góp phần nâng cao chất lượng tuyển chọn của các trường.

Tuy nhiên, do mâu thuẫn giữa nhu cầu học tập với khả năng đào tạo, do hai kỳ thi quốc gia cùng dựa trên nền học vấn phổ thông là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra cách nhau một tháng nên công tác tuyển sinh vẫn phải chịu áp lực lớn. Một số trường còn gặp khó khăn trong việc xét tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Các trường chưa được chủ động hoàn toàn trong công tác tuyển sinh vì phải tuân thủ những quy định chung của cả hệ thống tuyển sinh như phải chờ công bố điểm sàn, phải thực hiện đúng thời hạn và quy trình xét tuyển….

B. Phương hướng nhiệm vụ công tác thi và tuyển sinh năm 2005 và các năm tiếp theo.

I.Thi tốt nghiệp các cấp và thi học sinh giỏi.

1.Phương hướng chung

Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thi năm 2004, đánh giá thực trạng tình hình dạy và học năm 2005 và căn cứ Nghị quyết số 37  của Quốc hội về giáo dục, toàn ngành thống nhất ý chí và hành động, tìm biện pháp khắc phục các thiếu sót, thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định để tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, đánh giá đúng chất lượng giáo dục, giảm bớt sự nặng nề và tốn kém cho xã hội.

Về cơ bản, tiếp tục duy trì sự ổn định trong việc tổ chức các kỳ thi, tránh các thay đổi lớn không cần thiết. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2005 vẫn ra theo phương pháp tự luận như năm 2004.

2. Các giải pháp cụ thể.

a. Bộ chỉ đạo các địa phương tiến hành tổng kết đánh giá các kỳ thi, thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, hạn chế và xác định rõ nguyên nhân. Trên cơ sở đó, lập phương án tổ chức thi năm 2005 phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo được yêu cầu của các kỳ thi.

b. Làm tốt công tác chuẩn bị thi. Tăng cường thông tin tuyên truyền về thi. Tích cực giáo dục cho học sinh có thái độ đúng đắn trong thi và kiểm tra.

c. Tiếp tục cải tiến khâu ra đề thi theo hướng kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, phân hoá được các đối tượng học sinh theo yêu cầu riêng của mỗi kỳ thi.

d. Tập trung chỉ đạo coi thi nghiêm túc. Các cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần nhận thức công tác coi thi đang là khâu yếu nhất trong kỳ thi để tập trung chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, thanh tra.

e. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chấm thi, thực hiện chặt chẽ và chính xác hơn nữa quy trình chấm, phát hiện và sửa chữa kịp thời những sai sót, uốn nắn những biểu hiện dễ dãi, tuỳ tiện trong chấm thi.

f. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra thi trong tất cả các khâu, giải quyết dứt điểm mọi khiếu nại, tố cáo để chấn chỉnh công tác quản lý, góp phần tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các kỳ thi.

3. Tổ chức thực hiện

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Cục KT&KĐCLGD chủ trì phối hợp với các Vụ bậc học chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện biên chế năm học, rà soát sửa đổi các văn bản pháp quy và văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ. Các địa phương cần hoàn thành biên chế năm học đúng thời hạn, đôn đốc việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học, có kế hoạch cụ thể triển khai công tác thi, chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, đặc biệt là kỷ luật thi cử và công nghệ thông tin, huy động cán bộ và hoàn thiện các điều kiện cần thiết phục vụ cho kỳ thi.

II. Thi tuyển sinh THCN

Để giảm bớt thi cử, tránh tốn kém, phiền hà cho gia đình và học sinh nhằm từng bước mở rộng quy mô, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ THCN cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương: Về lâu dài, việc tuyển sinh đào tạo THCN sẽ chỉ có một hình thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở phổ thông của thí sinh mà không tổ chức kỳ thi, nhưng phải thực hiện dần từng bước. Trước mắt, năm 2005 dự kiến như sau:

1. Đối với hệ tuyển sinh THCS: chỉ xét tuyển mà không thi tuyển.

2. Đối với hệ tuyển sinh THPT

Nhóm 1: Các trường có số học sinh đăng ký dự tuyển vào THCN năm 2004 không vượt quá 250% chỉ tiêu được giao chỉ được xét tuyển mà không tổ chức thi tuyển.

Nhóm 2: Các trường có số học sinh đăng ký dự tuyển vào THCN năm 2004 từ trên 250% đến 500% chỉ tiêu được giao được phép chọn một trong hai phương thức: xét tuyển hoặc thi tuyển và do Hiệu trưởng quyết định.

Nhóm 3: Các trường có số học sinh đăng ký dự tuyển vào THCN năm 2004 trên 500% chỉ tiêu được giao phải tổ chức thi tuyển.

Đề nghị các đồng chí đóng góp ý kiến về các dự kiến đã nêu trên

III. Thi tuyển sinh ĐH, CĐ

Năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tiến hành kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo giải pháp 3 chung như năm 2004. Để thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội về tổ chức tuyển sinh gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả. Sau cuộc họp Ban Chỉ đạo thi và căn cứ ý kiến đóng góp của phụ huynh, học sinh và những người quan tâm, Bộ GD&ĐT dự kiến đề xuất một số vấn đề như sau để xin ý kiến của Hội nghị:

- Tất cả các trường cao đẳng trung ương và địa phương đều không thi tuyển sinh mà căn cứ kết quả thi đại học theo đề thi chung để xét tuyển. Việc này có thuận lợi, khó khăn gì ?

- Có nên công bố điểm sàn trước kỳ thi để thí sinh chủ động tự phân luồng và các trường chủ động trong khâu xét tuyển hay không ?. Mức sàn là bao nhiêu để đảm bảo chất lượng tuyển chọn: hệ ĐH là 13, 14 hay 15 ?

- Để tiếp tục chuẩn bị kỹ hơn về mặt kỹ thuật, chuyên môn, đặc biệt là việc tập huấn cán bộ và hướng dẫn thí sinh làm quen với phương pháp thi trắc nghiệm nên năm 2005 chưa tổ chức thi trắc nghiệm các môn Ngoại ngữ như đã dự kiến. Từ năm 2006 sẽ thi trắc nghiệm các môn Ngoại ngữ, từ năm 2007 thi trắc nghiệm các môn Lý, Hoá, Sinh và từ năm 2008 thi trắc nghiệm các môn Toán, Sử, Địa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ (riêng môn Văn đề thi vẫn ra theo phương pháp tự luận). Lộ trình như vậy đã hợp lý chưa ?

- Từ năm 2008 sẽ kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thành một kỳ thi quốc gia để vừa công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ, THCN.

Ngoài ra, còn một số thay đổi có tính chất kỹ thuật như: Các trường tổ chức thi gửi kết quả thi cho trường không tổ chức thi để xét thuyển thí sinh diện này trong đợt 1. Học sinh các lớp chuyên sẽ hưởng ưu tiên khu vực theo nơi học và nơi tốt nghiệp THPT như các học sinh khác chứ không theo hộ khẩu thường trú. Điều chỉnh này có hợp lý không ?

Trên đây là một số vấn đề mà Bộ GD&ĐT đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến.

Thưa các đồng chí!

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao và chân thành cảm ơn những đóng góp quan trọng của Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Trường trong việc chỉ đạo, điều hành công tác thi và tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xin gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các Tỉnh, Thành phố, các Bộ, Ngành hữu quan và các cơ quan thông tấn báo chí đã phối hơp và hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác thi và tuyển sinh nói riêng và trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung.

Xin cảm ơn các đồng chí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Liên kết
×