English | Français   rss
Liên kết
Tâm niệm thủ khoa: Trẻ không học, sau không có cơ hội (06-09-2004 00:00)
Góp ý
Giới thiệu chân dung các thủ khoa: Lê Quang Bách tỏ ra "nhút nhát" và không muốn "điều khiển" người khác. Nhưng nữ thủ khoa Phan Thị Mỹ Hạnh thì quả quyết: "Em là người có ý thức học từ nhỏ!"
Không làm bác sĩ thì... chẳng làm được gì

Phải mất gần 1 giờ đồng hồ lòng vòng ở ngõ 179, phố Đội Cấn, Hà Nội, chúng tôi mới tìm được nhà tân thủ khoa ĐH Y Hà Nội - Lê Quang Bách, với số điểm tuyển đạt tuyệt đối 30/30 (chưa cộng 2 điểm thưởng). Chỉ một số thanh niên biết Bách, khi hay tin Bách đạt thủ khoa của mùa tuyển sinh năm nay. Còn những người dân cư trú ở ngõ này ít ai biết Bách, vì có lẽ Bách ít... lộ diện.

Bách tâm sự: Em rất ít ra đường và không thích đi chơi. Ngoài thời gian học (trường Amsterdam), em thích giúp cha mẹ việc gia đình. Em có thể nấu cơm và nấu món sở trường là... đậu rim.

"Con đường dẫn đến thủ khoa của em không gian nan chút nào." - Bách tự tin cho biết - "Thực ra, hai năm lớp 10-11, em ôn khối A và có ý định theo nghề kỹ sư của bố. Nhưng sang lớp 12, em chuyển sang ôn khối B bởi em thích học môn Sinh. Quan trọng hơn, em thích làm bác sĩ để chữa trị cho mọi người và có thời gian nghiên cứu. Mà em nghĩ, nếu không làm bác sĩ thì mình chẳng làm được gì khác, vì tính em hơi nhát và không có... cá tính!".

Hỏi quan niệm của Bách về cá tính, anh chàng giải thích cá tính là... phải biết "điều khiển" người khác, mà Bách thì không có khả năng đó. Ngoài ra, anh chàng còn bộc bạch có một sở trường là rất thích học vẽ. Nhưng một năm nay, Bách phải "gác" bút và cọ để phấn đấu lọt qua cánh cửa đào tạo thành một bác sĩ...

Bách cho biết chỉ đăng ký dự thi duy nhất trường ĐH Y và đầu tư thời gian một năm để ôn luyện môn Sinh. "Điều em có thể khẳng định ngay sau khi thi là chắc chắn đậu, với mức điểm từ 28 trở lên. Chuyện đạt điểm tuyệt đối thì chắc là em gặp may." - Bách khiêm tốn - "Có lẽ em gặp may nhiều hơn khi được thầy Tạ Đức Hiền (dạy chuyên Sinh trường Amsterdam) dạy thêm môn Sinh trong suốt năm lớp 12. Thầy thường sưu tầm những tài liệu liên quan (rất nhiều tài liệu) để phát cho học sinh về nghiên cứu mỗi hôm, nếu có điều gì không hiểu thì hôm sau lên lớp hỏi, thầy sẽ giải đáp. Điều đặc biệt mà nhiều phụ huynh và học sinh thừa nhận là thầy rất nhiệt tình. Mặc dù tuổi đã 60 nhưng, khi lên lớp nếu phát hiện có học sinh nghỉ học hôm đó, thầy tìm cách gặp bằng được để đưa những tài liệu mới. Khi giảng bài, thầy luôn sẵn sàng giảng đi giảng lại nhiều lần nếu có học sinh chưa hiểu bài. Em học được rất nhiều kiến thức và những kinh nghiệm từ thầy...".

Bách là con cả trong gia đình có hai anh em (em gái Bách đang học lớp 3, trường Tiểu học Thăng Long). Bố Bách là kỹ sư, đang làm việc ở UBND quận Hoàn Kiếm. Mẹ là nhân viên Văn phòng CIDSE (một tổ chức phi chính phủ). Cả gia đình Bách đang sống trong "căn hộ" với tổng diện tích gần 14m2. Ngoài việc học, Bách còn đảm đương trách nhiệm của người anh cả. Khi bố mẹ vắng nhà, Bách còn phải chăm cô em gái Lê Diệu Linh vốn không được khoẻ, phải điều trị lâu dài mới khỏi bệnh...

Đến đây, mới biết trọng trách của tân thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội tự đặt ra cho mình không chỉ là mong được chữa trị cho mọi người mà còn muốn làm một điều gì đó giúp ích cho người thân!

Trẻ không học, sau không có cơ hội

Đó là bộc bạch của nữ thủ khoa duy nhất (trong tổng số 14 tân thủ khoa của trường ĐH Bách khoa Hà Nội) mùa tuyển sinh 2004 với điểm đạt 30/30, chưa có 2 điểm thưởng. Không giống như Bách, Phan Thị Mỹ Hạnh tỏ ra cứng rắn và mạnh mẽ hơn...

Hạnh là con duy nhất trong gia đình (ở phố Phan Bội Châu, Hà Nội), bố mẹ thường xuyên đi công tác xa nhà. Hạnh kể: Hồi tiểu học, thời gian biểu sinh hoạt của em đều chịu sự quản lý của bà ngoại. Lên Trung học, nhận thức của em cũng "lớn" hơn một chút, nên em tự điều chỉnh "quỹ" thời gian của mình. Đúng hơn, Hạnh có ý thức học từ nhỏ, vì nghĩ rằng nếu không học thì sẽ chẳng làm được việc gì.

"Trong suốt 12 năm học phổ thông, em không gặp may trên "trường" thi cử, mặc dù sức học tương đối khá. Em cũng tham gia dự thi học sinh giỏi cấp quận và thành phố nhưng không mấy khi được giải." - Hạnh cho biết - "Dù sao, em là một người có ý thức học tốt và nhận thấy học là một việc hay. Thấy sức mình có thể thi đậu vào trường ĐH Bách khoa nên em chỉ đăng ký dự thi duy nhất một trường".

Hạnh cho biết: Nhận được tin đỗ thủ khoa, em không thấy bất ngờ nhiều. Bởi lúc đối chiếu đáp án mỗi môn sau khi thi, Hạnh đã tự chấm cho mình khoảng 28-29 điểm (ba môn). Khi báo cho thầy Hoàng Hùng, giáo viên chủ nhiệm dạy môn Hoá. thầy cũng không ngạc nhiên bởi rất tin vào khả năng của Hạnh và một số học sinh trong lớp.

Việc thi đậu và đạt điểm thủ khoa trường ĐH Bách khoa Hà Nội, theo Hạnh kể, chủ yếu là nhờ những kiến thức học được ở các thầy, cô trong suốt ba năm THPT. Hạnh không tham gia học thêm ở bất cứ "lò luyện" nào. Phương châm của Hạnh: Học cũng phải thoải mái thì mới tiếp thu được kiến thức. Vì vậy, thời gian học của Hạnh không khi nào lên cao quá (học dồn một lúc) và cũng không khi nào chùn xuống...

Thử cố gắng hỏi một chút riêng tư của cô thủ khoa có cuộc sống "tự lập" từ nhỏ, không thường xuyên chịu sự giám sát của cha mẹ, như có ham...chơi không. Hạnh tỏ ra cứng rắn và tự tin: "Em tự xác định là phải học. Nếu trẻ không học, sau này sẽ không có cơ hội để học, đặc biệt là với phái nữ".

Nguyên tắc ấy, nỗ lực học và sống theo nguyên tắc ấy chắc chắn là điều đã giúp Phan Thị Mỹ Hạnh đi... tới "đỉnh vinh quang": Đại diện phái nữ duy nhất là thủ khoa của trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo VietNamnet
Liên kết
×