Tin tức - Sự kiện
|
Định hướng Đại học Huế trở thành Trung tâm chuyển giao công nghệ mạnh ở Khu vực miền Trung – Tây Nguyên từ thực tiễn tại Thừa Thiên Huế
(18-01-2022 17:34)
Góp ý
Cổng thông tin điện tử Đại học Huế xin giới thiệu toàn văn báo cáo của PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế trình bày báo cáo tại Hội nghị "Triển khai Kế hoạch phát triển ngành KHCN năm 2022 tỉnh Thừa Thiên Huế" ngày 18/1/2022.
Đại học Huế, tiền thân là Viện Đại học Huế, thành lập vào năm 1957. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; luôn xếp trong năm cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam, Top 401 - 450 các đại học hàng đầu châu Á. Đại học Huế luôn tự hào về truyền thống, vị thế và vai trò, tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia, mang trong mình những đặc sắc và tinh hoa trong giáo dục và đào tạo. Đại học Huế hội đủ các điều kiện phát triển và cơ sở pháp lý để được xem xét trở thành Đại học Quốc gia; cùng với Thừa Thiên Huế và các địa phương miền Trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ. Chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 tiếp tục phát huy những thành tựu, chủ động tích cực ứng phó với các cơ hội và thách thức; tiếp tục thực hiện vai trò tiên phong, nòng cốt nhằm góp phần xây dựng các định hướng, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và quốc gia; đề xuất và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia và đóng góp cho ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia. Trong các hoạt động khoa học và công nghệ, Đại học Huế định hướng trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ mạnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên từ thực tiễn tại Thừa Thiên Huế.
- Thành tích nổi bật về hoạt động khoa học và công nghệ
Từ năm 1994 đến nay, Đại học Huế đã chủ trì thực hiện hơn 300 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Nhà nước, bao gồm các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài độc lập, nhiệm vụ Nghị định thư,nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; gần 1.000 đề tài, nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp Tỉnh. Bên cạnh đó, từ năm 2011, hàng năm còn có các đề tài KH&CN cấp Đại học Huế từ nguồn kinh phí cân đối của Đại học Huế (từ năm 2014 được Chính phủ quy định chính thức tại Nghị định số 99/2014/NĐ-CP về đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học) với số lượng 70 -80 đề tài trong các năm đầu và gần đây tăng lên 100 -140 đề tài mỗi năm. Trong năm 2021, Đại học Huế và các đơn vị thành viên, trực thuộc được phê duyệt và phê duyệt thực hiện 506 đề tài/nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó: 03 đề tài/nhiệm vụ cấp quốc gia (chưa bao gồm đề tài Nafosted), 01 chương trình KH&CN cấp Bộ, 22 đề tài KH&CN cấp Bộ, 07 đề tài/nhiệm vụ cấp Tỉnh, 116 đề tài/nhiệm vụ cấp Đại học Huế và 363 đề tài cấp cơ sở. Đại học Huế đang thực hiện 32 chương trình và dự án hợp tác quốc tế do các trường đại học và tổ chức quốc tế tài trợ như: Hội đồng Liên Đại học vùng Flanders (VLIR-UOS) (Bỉ); Cộng đồng Châu Âu; Erasmus+; Đại sứ quán Ireland; Đại học Alicante (Tây Ban Nha); Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children International); Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Đức (WVD); Tổ chức KOICA và Bộ Giáo dục Hàn Quốc; Cơ quan Phát triển hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID)... Trong năm 2021, dù bối cảnh hợp tác quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 Đại học Huế cũng đã có 7 dự án hợp tác quốc tế mới.
Số lượng công bố khoa học của cán bộ giảng viên Đại học Huế trên các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI (hay WoS) và danh mục Scopus tăng nhanh và đều trong vòng 6 năm qua. Năm 2021, Đại học Huế đã có 402 công bố thuộc danh mục WoS và 468 công bố thuộc danh mục Scopus. Tốc độ gia tăng số công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín giai đoạn 2015-2020 ước khoảng 25-30 %/năm.
Bắt đầu từ năm 2018, Đại học Huế chủ trương thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh. Trong 4 đợt xét chọn năm 2018, 2019, 2020 và 2021 đã có 44 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận, trong đó tính đến 2021 Đại học Huế đã ký hợp đồng đặt hàng với 30 nhóm, hỗ trợ kinh phí và điều kiện để thúc đẩy công bố quốc tế, đào tạo nghiên cứu sinh và phát triển các chương trình, dự án chuyên ngành và liên ngành. Đại học Huế đang xây dựng 02 nhóm nghiên cứu để đăng ký nhóm nghiên cứu mạnh quốc gia.
Trong vòng 6 năm (2016 - 2021), Đại học Huế có 16 sản phẩm KH&CN được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp, tiêu biểu là Quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Bokashi Trầu chuyển giao cho Công ty TNHH Happy Food Đồng Nai, trị giá 600 triệu năm 2018; 5 sản phẩm được thương mại hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội với trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Hiện đang có 195 sản phẩm công nghệ, trong đó 35 sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa cao. Các giải pháp thăm, khám và chăm sóc sức khỏe được ứng dụng trực tiếp thông qua Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế, bệnh viện hạng I với 700 giường bệnh. Trong giai đoạn 2016-2021, Đại học Huế có 17 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; trong đó 8 đã được cấp bằng/giấy chứng nhận.
Trên cơ sở những nền tảng vững chắc về đào tạo, khoa học và công nghệ đạt được trong 65 năm phát triển, Đại học Huế định hướng xây dựng trở thành Đại học Quốc gia, định hướng đại học nghiên cứu, đại học thông minh; trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm kỹ thuật - công nghệ cao góp phần xây dựng trung tâm công nghệ cao của Tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung; huy động và tập trung nguồn lực tạo ra các sản phẩm KHCN mũi nhọn, đặc trưng dựa vào thế mạnh riêng có để tạo dựng thương hiệu của Đại học Huế.
- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với doanh nghiệp
Đối với mỗi quốc gia, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng chi phối các nguồn lực khác; đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay càng trở nên cấp thiết. Hiện nay, Đại học Huế có 147 ngành đào tạo đại học, 104 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng 4.0 tỉnh cần tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa quá trình đào tạo với bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tận dụng hiệu quả các cơ hội, nỗ lực đổi mới hệ thống giáo dục Việt Nam; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, các trường đại học quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công – tư; xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế 4.0. Chính vì vậy cần thúc đẩy và tạo điều kiện để Đại học Huế thành lập trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao kết hợp giữa đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp và viện đào tạo nhân lực uy tín trên thế giới. Hiện nay, Đại học Huế đang xúc tiến xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực HueIT-HubEducation với sự kết hợp giữa HueUni, LogiGear và NIIT.
- Định hướng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Bản chất của Cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... Nó bao gồm các hệ thống không gian mạng, Internet vạn vật và điện toán đám mây. Qua đó, người ta tạo ra những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc tự kết nối với nhau, tự tổ chức và quản lí. Đây còn được gọi là cuộc cách mạng số, vì chúng ta sẽ được chứng kiến công cuộc “số hóa” thế giới thực thành thế giới ảo.
Những năm gần đây, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của xã hội. Trong đó, công nghệ thông tin ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong phát triển các ngành kinh tế. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bước đi đúng trong phát triển công nghệ thông tin, dành sự quan tâm rất lớn đến lĩnh vực này. Từ năm 2000 đến nay, Thừa Thiên Huế xác định, phát triển công nghệ thông tin là ngành kinh tế mũi nhọn và đã đạt được những thành quả đặc biệt: Là một trong những địa phương của cả nước đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, Thừa Thiên Huế nhiều năm liền đứng trong top đầu về chỉ số ICT Index - mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin…Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh theo cơ chế thị trường; hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao và các tổ chức nghiên cứu đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ của vùng và quốc gia, trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ. Đây là định hướng rất rõ ràng, song muốn hình thành một nền khoa học công nghệ đủ mạnh, ngoài cơ sở vật chất, con người là yếu tố then chốt.
Tại Huế hiện nay có nhiều đơn vị đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin như Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Bên cạnh đó, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, năm 2019 Đại học Huế đã thành lập Khoa Kỹ thuật và Công nghệ với sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thực tế về đào tạo khoa học công nghệ, phục vụ cộng đồng, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực số. Bên cạnh đó Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế còn có sứ mạng là cầu nối và địa chỉ tiếp nhận các công nghệ tiên tiến trên thế giới đến với Huế.
- Định hướng phát triển nghiên cứu và chuyển giao công nghệ "lõi"
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các sản phẩm công nghệ cao, chú trọng phát triển các hướng công nghệ ưu tiên: công nghệ về vật liệu bán dẫn và vi mạch; công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ nano và vật liệu mới; công nghệ sinh học; tế bào gốc; công nghệ năng lượng; môi trường và biến đổi khí hậu; công nghệ trong quản lý tài nguyên và di sản.
- Định hướng phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến
Phát triển và triển khai các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh cho phép khách hàng có thể khai thác thông tin, thực hiện các thao tác giao dịch và tích hợp nhiều tiện ích khác; ứng dụng Chatbot để trả lời nhiều loại yêu cầu khác nhau như xử lý một yêu cầu đặt phòng, thông báo tình hình thời tiết, cho biết vị trí của các ATM… của người dùng ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào và sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào; ứng dụng thiết bị được kết nối với IoT giúp các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác để giúp việc phục vụ khách hàng một cách hiệu quả hơn; xây dựng tour ảo hay tour tương tác để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, trải nghiệm địa điểm du lịch trên internet của du khách, trước và trong chuyến đi; chuyển đổi số trong vận hành của doanh nghiệp du lịch mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp du lịch như cắt giảm chi phí vận hành, tăng tính liên kết toàn hệ thống, ổn định và kiểm soát chất lượng dịch vụ, tăng lượng khách hàng tiếp cận. Đặc biệt cần xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, tối ưu hóa dịch vụ và sáng tạo hóa sản phẩm phục vụ du khách và người dân địa phương trên nền tảng dữ liệu lớn (bigdata) và công nghệ khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI) trước mắt tập trung cho phát triển Hue-CITIDEL.
Xây dựng các hệ thống nhúng, AI, IOT, khoa học dữ liệu nhằm giải quyết các bài toán thực tế như xây dựng chuỗi cung ứng (logistic) trong nông nghiệp, sản xuất hàng hóa; các qui trình tự động trong các nhà máy; cảnh báo giao thông; các hệ thống trả lời tự động cho khách hàng ở các cơ quan...
- Đẩy mạnh phát triển DigiNet cho lĩnh vực Metaverse
Thực tế phát triển cho thấy rằng, Metaverse (vũ trụ thực tế ảo) sẽ được ứng dụng một ngày gần đây trên thế giới, và thực tế hiện nay đã có nhiều trung tâm công nghệ ứng dụng vũ trụ thực tế ảo trong việc tổ chức đào tạo từ xa các lĩnh vực thể thao, nghệ thuật, giải trí hay gần nhất là trong phát triển các trò chơi, phim trường và một lĩnh vực rất quan trọng đó là chăm sóc sức khỏe. Với đặc thù của Huế có thể là một tiềm năng rất lớn trong việc phát triển công nghệ vũ trụ ảo với bắt đầu bằng các dự án về chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe, du lịch, bảo tồn và trong việc đào tạo nhân lực để đón đầu công nghệ cho lĩnh vực tiềm năng mà được đánh giá sẽ thay thế internet trong tương lai. Trên cơ sở chuyển đổi số Huế xác định việc xây dựng các công nghệ cho metaverse và 3D ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và du lịch trải nghiệm trên cơ sở smart-city (dựa trên nền tảng số hóa của Hue-S) đã có để phát triển và nâng cấp hệ thống cũng như ứng dụng của hệ thống phát huy tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế của thành phố thông minh và có sự kết nối với các thành phố khác tạo thành mạng lưới thành phố thông minh ở trong khu vực và trên thế giới với sự hỗ trợ của blockchain, đồ họa đa chiều, AI và sức mạnh điện toán để tạo nên một Meta trong tương lai và ngay tại Huế.
- Phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học
Thực hiện Quyết định 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Đại học Huế đã ban hành Quyết định số 939/QĐ-ĐHH ngày 16 tháng 7 năm 2018 về việc tổ chức lại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế đưa Viện từ đơn vị trực thuộc trở thành đơn vị thành viên của Đại học Huế; Đồng thời phê duyệt Quy chế tổ chức hoạt động của Viện Công nghệ sinh học có đầy đủ tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng với mục tiêu định hướng Viện trở thành Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại miền trungcó sự gắn kết của các trường Đại học thành viên của Đại học Huế và các trường Đại học; Viện nghiên cứu; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học của các tỉnh Miền trung và Tây Nguyên. Nhằm thực hiện thành công Đề án phát triển mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Đại học Huế đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triền Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế giai đoạn 2021-2025 với các nhiệm vụ trung tâm sau:
*Nghiên cứu cơ bản về khoa học sự sống
Nghiên cứu xây dựng các chu trình chuyển hóa thứ cấp trong sinh tổng hợp các hoạt chất sinh học dựa trên hệ gen phiên mã của các loài dược liệu quý; Sinh học phân tử của chức năng gen. Đối tượng nghiên cứu và chuyển giao tập trung vào các loài dược liệu quý hiếm phân bố tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Miền Trung - Tây Nguyên bao gồm: Nghiên cứu xác định và độ biểu hiện của các gen tham gia sinh tổng hợp gypenoside ở cây giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino) và ứng dụng trong sản xuất dược liệu; Nghiên cứu hệ gen phiên mã và dự đoán chu trình chuyển hóa các dẫn xuất scutellarein ở cây đẳng sâm (Codonopsis pilosula (Franch) Nannf); Nghiên cứu xây dựng thư viện gen liên quan đến điều hòa biểu hiện các hợp chất có tác dụng chữa trị bệnh tiểu đường ở miền Trung Việt Nam; Xây dựng và sàng lọc thư viện chủng vi khuẩn Ralstoria solanacearum đột biến gen ngẫu nhiên ảnh hưởng đến khả năng gây bệnh héo xanh gây ra trên cây cà chua; Nghiên cứu vai trò các chất cảm ứng có bản chất thuốc nhuộm tổng hợp lên sự biểu hiện các gen mã hóa hệ enzyme oxi-hóa khử của Fusarium oxysporum...
* Nghiên cứu nguồn tài nguyên sinh vật để nghiên cứu trong y dược, sinh học biển, nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp chế biến và môi trường + Sản xuất các hoạt chất sinh học giá trị có nguồn gốc thực vật bằng kỹ thuật tái tổ hợp DNA trong các vật chủ vi sinh vật thích hợp và thử nghiệm ứng dụng trong dược phẩm; Sản xuất các hoạt chất sinh học từ nuôi cấy sinh khối tế bào của các loài dược liệu quý và thử nghiệm ứng dụng trong mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng; Phát triển vaccine công nghệ sinh học (tái tổ hợp, thực vật) cho một số bệnh phổ biến; Sản xuất các kháng nguyên và kháng thể tái tổ hợp dùng trong điều trị và chẩn đoán bệnh; Phân lập và tuyển chọn các lợi khuẩn sinh kháng sinh tự nhiên bacteriocin ứng dụng trong phòng trừ một số bệnh nhiễm trùng. Các nghiên cứu và triển khai ứng dụng theo hướng này: Nghiên cứu sàng lọc các hợp chất có hoạt tính sinh học từ một số loài thực vật đặc hữu ở Miền Trung, Tây Nguyên theo định hướng tác dụng kháng ung thư, kháng viêm và kháng virút; Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn giống, sản xuất thương phẩm mang thương hiệu Sâm cau (Curculigo orchioides) Huế; Phát triển nấm men (Saccharomyces cerevisiae) chuyển gen sản xuất hợp chất curcumin của nghệ đen (Curcuma zedoariae)... + Nhân giống in vitro và chuyển giao quy trình sản xuất một số loại cây hoa cảnh, cây dược liệu và cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế; Xây dựng các bộ chỉ thị phân tử để tuyển chọn và sản xuất các nguồn gen cây ăn quả và dược liệu quý; Sản xuất cây trồng biến đổi gen có khả năng chống chịu các yếu tố bất lợi của ngoại cảnh; Phát triển các bộ kit chẩn đoán bệnh ở cây trồng; Phân lập và tuyển chọn các vi sinh vật đối kháng ứng dụng trong phòng trừ một số bệnh hại ở các cây trồng có giá trị kinh tế; Phân lập và tuyển chọn các vi sinh vật vùng rễ có khả năng thúc đẩy sinh trưởng của cây trồng và tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp; Sản xuất phytoncide (kháng sinh thực vật) để điều trị bệnh ở vật nuôi; Sản xuất thương mại chế phẩm probiotic và prebiotic bổ sung vào thức ăn chăn nuôi và thủy sản; Sản xuất chế phẩm sinh học phòng trị bệnh ở gia súc; Nghiên cứu các biện pháp phòng trị bệnh cho một số loài cá có giá trị kinh tế cao; Ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi thủy sản; Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng thức ăn thủy sản từ nguồn rong biển địa phương. Các đề tài triển khai ứng dụng theo hướng này: Nghiên cứu và chế tạo chế phẩm từ vi sinh vật đặc hữu phòng trừ bệnh do vi nấm, vi khuẩn, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; Nghiên cứu sản xuất keo chiết từ một số loại cây thảo dược bản địa sẵn có để phòng trị bệnh cho vật nuôi và nuôi trồng thủy sản; Nghiên cứu và ứng dụng biofloc từ các vi sinh phân lập ở ruột tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) trong nuôi thủy sản; Nghiên cứu tuyển chọn các chủng vi sinh vật sản xuất agarase ứng dụng trong xử lý, chế biến nguyên liệu địa phương giàu agar nâng cao chất lượng thức ăn cá... + Phân lập và tuyển chọn các chủng vi sinh vật có hoạt tính agarase cao để ứng dụng trong xử lý và chế biến các nguyên liệu giàu agar; Phân lập và tuyển chọn các lợi khuẩn để ứng dụng trong chế biến thực phẩm probiotic; Nghiên cứu sản xuất các chất màu thực phẩm từ vi sinh vật; Phân lập và tuyển chọn các chủng nấm men và nấm mốc có hoạt tính amylase cao từ các nguyên liệu địa phương để ứng dụng trong công nghệ lên men thực phẩm và đồ uống; Sản xuất các enzyme vi sinh vật có giá trị để ứng dụng trong chế biến thực phẩm. + Phân lập và tuyển chọn các chủng vi sinh vật có khả năng phân hủy rác thải nhựa; Nghiên cứu ứng dụng laccase trong xử lý một số hợp chất hữu cơ gây ô nhiễm môi trường; Nghiên cứu phân lập, tuyển chọn VSV sinh tổng hợp enzyme phân giải chất chất hữu cơ, cellulose, VSV đối kháng, VSV tăng hệ miễn dịch cây trồng, vật nuôi. + Xây dựng các quy trình tiêu chuẩn để phát hiện và nhận dạng các loại sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đối gen; Xây dựng các qui trình tiêu chuẩn để đánh giá an toàn sinh học của sinh vật biến đổi gen, các mẫu vật di truyền và sản phẩm có sự tái tổ hợp gen.
* Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen quý hiếm động và thực vật + Nghiên cứu thực trạng khai thác nguồn gen quý hiếm động vật và thực vật đặc hữu ở miền Trung Việt Nam; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục tráng và phát triển nguồn giống động thực vật; Bảo tồn các khu rừng đặc dụng ở Miền Trung và Tây nguyên, các loài động vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Bảo tồn và khai thác nguồn gen quý hiếm động và thực vật ở phá Tam Giang, vùng biển gần bờ ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Miển Trung; Bảo tồn và khai thác nguồn gen cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh kế cao; Chọn tạo và nhân giống cây trồng bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào và chỉnh sửa gen. Các hướng nghiên cứu và chuyển giao tập trung vào: Nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gen, xây dựng mô hình trồng và chế biến các loại thảo dược quý tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên (thổ phục linh, thiên niên kiện, hà thủ ô, sâm bố chính, lá khôi tía, cây họ gừng); Nghiên cứu phân tích hệ gen phiên mã cây Bình Vôi (Stephania glabra (Roxb.) Miers ) ở Bạch mã và sản xuất dược chất của chúng bằng công nghệ tế bào huyền phù; Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các loài thủy sản (Sá Sùng, Thân mềm Hai mảnh vỏ…) phân bố ở vùng ven biển Miền trung Việt Nam; Nghiên cứu nhân giống, bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài lan quý hiếm của khu vực miền Trung, Tây nguyên (giả hạc, trầm, kiều vàng…); Nghiên cứu đa dạng di truyền, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây tràm (Melaleuca spp.) tại các tỉnh Bắc Trung Bộ hướng đến thương mại hóa sản phẩm tinh dầu tràm; Ứng dụng công nghệ sinh học phục tráng, phát triển và xây dựng chuỗi giá trị cây măng tre A Hum ở Thừa Thiên Huế; Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn lợi Rong biển ở khu vực ven biển miền Trung...
* Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu sinh học mới Nghiên cứu sản xuất các hoạt chất sinh học giá trị ; Phát triển vaccine tái tổ hợp; Sản xuất các kháng nguyên và kháng thể tái tổ hợp dùng trong điều trị và chẩn đoán bệnh; Sản xuất các vật liệu nano sinh học trong các ứng dụng hạt nano để dẫn truyền thuốc (drug delivery) ứng dụng trong Y học, nông nghiệp; Nghiên cứu xử lý hợp chất có hoạt tính sinh học bảo quản sau thu hoạch; Sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng trừ bệnh do vi nấm, vi khuẩn, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; Ứng dụng VSV trong chế tạo nano bạc; Ứng dụng công nghệ CRISPR trong tạo vi sinh vật chỉ thị và xử lý ô nhiễm môi trường. Các đề tài khoa học công nghệ dự kiến nghiên cứu và chuyển giao bao gồm: Nghiên cứu chế tạo vật liệu nano sinh học ứng dụng kiểm soát vi sinh vật gây bệnh trên cây trồng và xử lý một số hợp chất hữu cơ gây ô nhiễm; Sản xuất kháng thể đơn dòng và nanobody phục vụ điều trị và chẩn đoán bệnh do Flavivirus gây ra; Nghiên cứu tạo kháng sinh thực vật từ cây sơn tiền (Cleome viscosa) để phòng trị bệnh cho vật nuôi (gà, thỏ..)...
- Phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Y - Dược
Hoạt động phát triển khoa học, công nghệ và chuyển giao trong lĩnh vực Y – Dược tập trung vào các hướng nghiên cứu trọng điểm: + Tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu vốn là thế mạnh về tim mạch, nội tiết - đái tháo đường, nội soi tiêu hoá, thận – tiết niệu, sức khoẻ sinh sản. Đầu tư cho các nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới và công nghệ cao trong phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khoẻ. Phát triển các nghiên cứu mũi nhọn về chẩn đoán hình ảnh và can thiệp xâm nhập tối thiểu. + Nghiên cứu phát triển các nguồn dược liệu ở miền Trung và Tây Nguyên, nghiên cứu phân lập các hợp chất chống ung thư từ các dược liệu có trong tự nhiên. Quy hoạch phát triển các loài dược liệu là thế mạnh của vùng sinh thái Bắc Trung Bộ, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây thuốc như: tràm, sả, hương nhu trắng, nghệ... Tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong địa bàn tỉnh. Phát triển các nội dung nghiên cứu y học cổ truyền theo hướng ứng dụng kết hợp các phương pháp điều trị cổ truyền với y học hiện đại. + Xây dựng trung tâm sản xuất thử nghiệm thuốc, vaccine, và các chế phẩm sinh học. Phát triển lĩnh vực y học tái tạo, hỗ trợ sinh sản, chẩn đoán và điều trị chấn thương chỉnh hình. + Phát triển các nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào các mô hình kết hợp dạy học, lượng giá, mô phỏng ứng dụng trong đào tạo và đánh giá năng lực nghề nghiệp y khoa. Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), big data trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị các bệnh mạn tính và ung thư.
Các giải pháp xây dựng Đại học Huế thành trung tâm chuyển giao công nghệ: - Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên dưới nhiều hình thức, chú trọng việc gửi viên chức, người lao động ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm; khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên, các nhà nghiên cứu tham gia hoạt động xây dựng, phản biện chính sách, hoạt động tư vấn và thực hành nghề nghiệp; đa dạng hóa hợp tác quốc tế nhằm phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ giảng viên; - Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng thí nghiệm, cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu và đào tạo có trọng điểm; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng giải quyết những nhiệm vụ trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế -xã hội; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc trên cơ sở hợp tác lâu dài giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học và đối tác nước ngoài; khai thác hiệu quả nguồn nhân lực dùng chung, tạo điều kiện liên kết các tổ chức khoa học và công nghệ cùng tính chất, cùng lĩnh vực hoặc liên ngành nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng đơn vị; - Tập trung nghiên cứu các lĩnh vực khoa học tự nhiên, nông nghiệp, y dược, khai thác tiềm năng của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm nâng cao trình độ, vị thế khoa học của Việt Nam trong khu vực và thế giới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Khuyến khích xây dựng và triển khai hợp tác nghiên cứu khoa học với các đối tác nước ngoài; thu hút nguồn kinh phí của nước ngoài thông qua các dự án nghiên cứu tại Việt Nam. - Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tăng cường công tác sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình phục vụ thiết thực sự phát triển bền vững của các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước; đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp - đại học trong nghiên cứu phát triển, xây dựng và phát triển mạng lưới các tổ chức chuyên nghiệp phục vụ quá trình chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ. - Thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp; có chính sách phát triển doanh nghiệp spin off; sớm thành lập Tổng công ty Cổ phần Đại học Huế (Đại học Huế Holdings).
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Kết luận số 48-KL/TW, Thông báo số 175-TB/TW, Nghị quyết số 54-NQ/TW và Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ, Đại học Huế đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng về nhiều mặt, là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lựợng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với sự đồng lòng, hợp sức của toàn thể cán bộ giảng viên, sự ủng hộ, tập trung nguồn lực và chỉ đạo của các cấp Trung ương và địa phương, Đại học Huế sẽ thành trung tâm chuyển giao công nghệ mạnh của cả nước.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế
Các tin mới hơn
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế khai giảng sau đại học khóa 30
(20-03-2022 21:34)
Khoa Kỹ thuật và Công nghệ: ra mắt ban cố vấn và hợp tác với nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới
(18-03-2022 22:35)
Thông báo về việc tuyển dụng lao động làm việc theo hình thức hợp đồng giao khoán công việc, sản phẩm tại Khoa Quốc tế - Đại học Huế
(10-03-2022 08:59)
Khởi công xây dựng công trình Trung tâm Sản - Nhi, thuộc dự án ODA Italia
(07-03-2022 14:40)
Thông báo tổ chức cuộc thi Hueuni Business Innovation Hackathon, Spring 2022
(16-02-2022 10:32)
Lãnh đạo Đại học Huế dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
(14-02-2022 10:04)
Các tin đã đăng
Sinh viên trở lại học trực tiếp từ ngày 21 tháng 2 năm 2022
(12-01-2022 10:51)
Thông báo kết quả tuyển dụng viên chức các đơn vị thuộc Đại học Huế năm 2021
(31-12-2021 08:03)
Đảng ủy Đại học Huế khai giảng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng và văn phòng cấp ủy năm 2021
(29-12-2021 09:41)
Sáng kiến mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Kết nối tri thức, chia sẻ nguồn lực, kiến tạo giá trị
(22-12-2021 21:57)
Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
(17-12-2021 13:44)
Thông báo thay đổi thời gian và triệu tập ứng viên tham dự Vòng 2 (phỏng vấn, thực hành) tuyển dụng viên chức các đơn vị thuộc Đại học Huế năm 2021
(10-12-2021 08:49)
Đại học Huế tham dự Diễn đàn Franconomics 2021
(26-11-2021 16:00)
|
Tin tức, sự kiện nổi bật
Thông báo số 01 viết bài tham dự Hội thảo “30 năm thực hiện Nghị định 30/CP của Chính phủ, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia”
(15-08-2024 09:31)
Thông báo tuyển sinh đại học bằng hai, liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế năm 2023 đợt 3
(19-10-2023 14:46)
Thông báo Danh sách tập thể và cá nhân được đề nghị công nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng năm học 2022 - 2023
(21-08-2023 10:27)
Tin tức, sự kiện mới nhất
Thông báo kết quả xét bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2024
(14-12-2024 06:58)
Trao học bổng Keidanren và JCCI, Nhật Bản năm 2024
(12-12-2024 14:35)
Khởi công nhà đại đoàn kết cho Đoàn viên sinh viên Đại học Huế
(12-12-2024 11:09)
Festival khoa học Huế lần thứ 7: Hợp tác quốc tế vì sức khoẻ cộng đồng
(06-12-2024 15:53)
Liên kết
|