English | Français   rss
Liên kết
Huế là kho báu của ngành Truyền thông (19-04-2021 10:36)
Góp ý

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã có buổi chia sẻ với cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên nhân sự kiện ra mắt ngành Truyền thông Đa phương tiện do Khoa Quốc tế - Đại học Huế tổ chức chiều 18/4/2021. 

 

 

Theo Chủ tịch Phan Ngọc Thọ, Huế là kho báu của ngành Truyền thông chính là hệ thống di sản đồ sộ. Với truyền thống của vùng đất lịch sử, nét đẹp văn hóa và con người, đặc điểm địa lý… Huế giàu tư liệu để làm truyền thông, quan trọng là phải làm thế nào để phát huy giá trị đó. Vì vậy, người làm truyền thông cần làm như thế nào để giá trị Huế được nổi bật hơn, phát triển hơn. Đã qua rồi thời kỳ hữu xạ tự nhiên hương, đã đến lúc truyền thông phải làm cho Huế nội trội, làm cho mọi người trong và ngoài nước yêu Huế hơn, đồng thời truyền thông sẽ giúp Huế phát triển trong thời đại hiện nay.

 

 

Tại buổi nói chuyện, các chuyên gia truyền thông đánh giá việc ra đời ngành Truyền thông đa phương tiện của Khoa Quốc tế - Đại học Huế vào thời điểm này đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Trong thời đại công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện, sự chia sẻ và chuyển tải thông tin đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển đời sống kinh tế xã hội, ổn định đời sống chính trị, tư tưởng của nhân dân. Trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, truyền thông góp phần cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp.

 

Việt Nam đã và đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu về Truyền thông đa phương tiện, nhất là nhân lực chất lượng cao, nắm vững về các kỹ năng về truyền thông đa phương tiện. Có thể nói, trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội, từ công tác chính trị tư tưởng, góp phần thay đổi nhận thức tích cực trong công chúng, thay đổi thái độ, hành vi cá nhân/ nhóm xã hội … đều rất cần đến những người có trình độ chuyên sâu về truyền thông đa phương tiện. Hơn nữa, các cơ quan quản lý nhà nước đang rất cần một đội ngũ vững vàng về tư tưởng, tinh thông về Truyền thông đa phương tiện, đặc biệt trong các lĩnh vực như báo chí, quan hệ công chúng…

 

Việc đào tạo đội ngũ Truyền thông đa phương tiện không chỉ dừng lại ở số lượng mà còn phải có chất lượng, phải đảm bảo vững về mặt chuyên môn và vững vàng về bản lĩnh chính trị, nắm vững thực tiễn trong đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước.

 

Tuy nhiên vùng đào tạo chỉ tập trung ở khu vực phía Bắc và phía Nam. Đối với vùng miền Trung và Tây nguyên hiện nay có ít cơ sở đào tạo chương trình đào tạo bậc đại học ngành Truyền thông đa phương tiện, đây là một lợi thế so sánh rất lớn khi mở chương trình này tại Khoa Quốc tế - Đại học Huế.

 

Các giảng viên được lựa chọn đảm nhận các môn học là những cán bộ giảng dạy được đào tạo bài bản tại các trường đại học trong và nước ngoài, có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có khả năng sử dụng tốt tiếng Anh, có năng lực chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học, được đào tạo ở các nước như Úc, New Zeland, Singapore, Nhật, Na Uy, Canada, Pháp, Thái Lan, Hungary, Đức... Đội ngũ cán bộ trợ giảng, bao gồm các cán bộ trẻ, có tâm huyết và năng lực chuyên môn, có khả năng sử dụng tốt tiếng Anh và các công cụ hiện đại phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

 

Bên cạnh đó, Khoa Quốc tế đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án liên kết về lĩnh vực đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước: Đại học Northern Kentucky, Mỹ; Đại học Khoa học ứng dụng, IMC Krems, Áo; Đại học Pitzer, Hoa Kỳ; đại học Po Lille, Pháp; hàng năm có chuyên gia sang tham gia giảng dạy, nghiên cứu trao đổi tại Khoa. Đây là đội ngũ quan trọng có thể giúp sinh viên học hỏi, trao đổi kiến thức tiên tiến, kinh nghiệm quý báu góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa.

 

PV

 

Các tin mới hơn
Liên kết
×