English | Français   rss
Liên kết
Thủ khoa Phan Ngọc Cảnh và niềm vui ở Huế (17-09-2008 16:22)
Góp ý
Có lẽ còn ít người biết đến tân thủ khoa năm nay của Đại học Huế, đó là Phan Ngọc Cảnh, cựu học sinh trường THPT ĐăkTô, tỉnh KonTum. 29,5 là số điểm mà em đã đạt được khi thi vào khối B Trường ĐH Y Dược - Đại học Huế năm nay. Ngoài ra, Cảnh còn đạt 27,5 điểm khối A ngành Dược cũng của Trường ĐH Y Dược - Đại học Huế.
<body>

Cậu thủ khoa mồ côi

Phan Ngọc Cảnh mồ côi cha từ khi 4 tuổi. Năm học lớp 9 thì mẹ cũng mất. Từ Quảng Trị, Cảnh được những người chú bác ruột đi làm ăn kinh tế mới ở KonTum đón vào thay nhau nuôi cho ăn học. Lần đầu tiên một cậu học trò huyện vùng núi Đăk Tô đỗ thủ khoa đại học với số điểm cao 29,5. Nhưng với Cảnh thì đó lại là một nỗi lo. Ai sẽ tiếp tục cưu mang cho em ăn học khi mà những người thân đều gặp hoàn cảnh khó khăn?...Một bài báo đã đưa thông tin về thủ khoa Đại học Huế năm nay như vậy. Đó cũng là điều đã thôi thúc chúng tôi tìm gặp Phan Ngọc Cảnh. Liệu em có đến Huế để thực hiện ước mơ của mình?

Và Cảnh đã đến Huế…

Nhờ thầy Nguyễn Duy Chinh - Trưởng Ban công tác chính trị sinh viên Đại học Huế giúp đỡ, chúng tôi đã gặp Phan Ngọc Cảnh khi em đang làm thủ tục nhập học ở giảng đường I Trường ĐH Sư Phạm. Cảnh đi có một mình, ngơ ngác giữa một rừng tân sinh viên với rất nhiều phụ huynh đi kèm. Vẫn còn bỡ ngỡ, nhưng với nụ cười rất tươi, Cảnh cho biết, em đã yên tâm nhập học, vì có một gia đình trí thức trẻ ở Huế đã gọi điện vào tận KonTum, nhận đón em về nhà mình cho ăn học. Cảnh khoe: “Đó là vợ chồng cô Hồng Lê. Chú bác em góp lại cho em được 1 triệu đồng để nhập học. Hôm qua chú và 2 bác dẫn em ra tận nhà cô Lê. Mọi người đã yên tâm ra về rồi”.

Ngôi nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Lê, nơi đã mở rộng cửa đón cậu sinh viên nghèo Phan Ngọc Cảnh nằm trong con hẻm số 280 đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Chị Lê là cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thành uỷ Huế. Chồng chị là cán bộ Công ty xây lắp TT Huế. Hai người đang phụng dưỡng một người mẹ già và có 2 con nhỏ đang đi học. Một lần gặp Cảnh trên báo Tiền Phong, hoàn cảnh và nghị lực của cậu học trò nghèo đã khiến chị Lê không an lòng. Chị đã gọi điện vào tận Sở Giáo dục KonTum, trực tiếp gặp giám đốc Sở để nhận giúp đỡ Cảnh ra Huế học đại học. “Cả nhà đều ủng hộ mình ngay. Đó là một tình cảm tự nhiên thôi. Lúc đầu cũng băn khoăn vì mình còn có 2 con nhỏ, còn rất nhiều chuyện phải lo. Nhưng rồi nghĩ nhiều người có 3, 4 đứa con vẫn nuôi cho ăn học được thì sao? Cứ xem như mình có thêm một đứa con đi, rồi đâu cũng vào đấy. Và mọi người đã rất vui mừng đón Cảnh về nhà”. Chị Lê năm nay mới 38 tuổi. Chồng chị cũng vậy.

Quyết tâm trở thành bác sỹ

Tốt nghiệp lớp 9 loại giỏi ở Quảng Trị, Cảnh đã từng thi đỗ vào trường chất lượng cao Quốc Học, song hoàn cảnh lúc bấy giờ khiến em chẳng dám mơ được học ở Huế. Còn bây giờ, ở nhà cô Lê, Cảnh được tạo điều kiện học tập và sinh hoạt như một người con trong nhà. Tại đây, Cảnh có một phòng riêng dành cho việc học tập và những sinh hoạt cá nhân. Trong một không khí gia đình ấm cúng, cậu sinh viên trường Y cũng nhanh chóng hoà đồng với mọi người, trở thành một thành viên chính thức của gia đình thân thiện này.

Cảnh cũng đã chính thức trở thành sinh viên Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế sau ngày nhập học. Lãnh đạo Ban công tác chính trị sinh viên Đại học Huế cho biết, sẽ tạo mọi điều kiện miễn giảm học phí và giới thiệu Cảnh với các chương trình hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo để em có thêm điều kiện đến trường. Bởi vì hiện nay, mọi khoản chi phí cho việc học tập Cảnh vẫn phải phụ thuộc vào chú bác ở Kon Tum. Chưa có phương tiện đi lại, Cảnh sẽ đi học bằng một chiếc xe đạp cũ của nhà cô Lê. Chàng thủ khoa cho biết: “Em vui lắm. Dù có khó khăn đến mấy, em tin rằng mình sẽ vượt qua được. Ổn định việc ăn ở và học tập rồi, em sẽ kiếm việc làm thêm để có thể bám trụ 6 năm ở trường Y.”

6 năm học ở Trường ĐH Y Dược - Đại học Huế. Cánh cửa đại học đã mở ra với Phan Ngọc Cảnh, nhưng con đường phía trước của em chắc chắn vẫn còn rất nhiều chông gai.

Thu Nguyên

 

</body>
Liên kết
×