English | Français   rss
Liên kết
Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Huế đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba (29-08-2014 09:45)
Góp ý

 

Sáng 29/8/2014, Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba. Đến dự lễ, về phía Tỉnh Thừa Thiên Huế có Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Về phía Đại học Huế có PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế; PGS. TS. Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế; GS.TSKH. Nguyễn Viễn Thọ, nguyên Giám đốc Đại học Huế; PGS.TS. Nguyễn Đức Hưng và PGS.TS. Lê Thanh Sơn, nguyên Phó Giám đốc Đại học Huế. Về phía Trường ĐH Ngoại ngữ có PGS. TS. Trần Văn Phước, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cùng đông đảo giảng viên, cựu giảng viên và sinh viên của Nhà trường. Thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn đã trao Huân chương Lao động Hạng ba cho Nhà trường. 

 

 

Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế (Trường ĐHNN) được thành lập ngày 13/7/2004 theo Quyết định số 126/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập các khoa, các bộ môn ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung từ các trường đại học thành viên của Đại học Huế.

 

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, song hành với lịch sử gần 60 năm xây dựng và phát triển của Đại học Huế, đến nay Trường ĐHNN đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, trở thành một địa chỉ đào tạo ngoại ngữ có uy tín, chất lượng trong khu vực và cả nước. 

 

Có thể nói Trường ĐHNN là một trường đi đầu ở Đại học Huế trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ kể từ năm học 2008 - 2009. Về chiến lược phát triển ngành nghề đào tạo, nhiều năm qua, ngoài các ngành đào tạo truyền thống, trường tiếp tục xây dựng các ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong 10 năm qua, Trường đã xây dựng thêm 4 ngành đào tạo mới: Việt Nam học, Quốc tế học, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra còn nhà trường còn đào tạo cử nhân Tiếng Việt dành cho người nước ngoài. Các ngành này đã góp phần tạo ra không khí đa màu sắc, đa ngôn ngữ cho nhà trường.

 

Về đào tạo sau đại học, từ chỗ chỉ có một chuyên ngành đào tạo thạc sĩ tiếng Anh, đến nay trường đã mở thêm các chuyên ngành tiếng Pháp, tiếng Nga, Ngôn ngữ so sánh đối chiếu. Trong 2 năm vừa qua, trường được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và đã thu hút 8 nghiên cứu sinh.

 

Nhờ hợp tác quốc tế, trong 10 năm qua trường có gần 900.000 USD hỗ trợ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ngắn hạn, hỗ trợ máy móc thiết bị xây dựng nhà trường, trong đó có 10 tiến sĩ được thụ hưởng các học bổng này. Bên cạnh đó, các chuyên viên về Công nghệ thông tin cũng có điều kiện đi học tiếng Anh ngắn hạn ở nước ngoài, khi về nước họ có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh để ứng dụng CNTT vào các hoạt động của nhà trường. Các giảng viên không chuyên được đi thực tế; nhiều hoạt động giao lưu khoa học mang tính quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập, thực tế tại trường.

 

Trên cơ sở năng lực, nội lực lớn đó, Bộ GD&ĐT đã chọn Trường ĐHNN cùng với 4 trường Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh vào tốp 5 trung tâm ngoại ngữ khu vực để thực hiện giai đoạn đầu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Riêng Trường ĐHNN được lựa chọn là trung tâm chuyên về đào tạo phương pháp giảng dạy ngoại ngữ và năng lực ngôn ngữ.

 

Từ những thành tích đó, Trường ĐH Ngoại ngữ đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Cũng nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân của Trường đã được nhận bằng khen của Tỉnh Thừa Thiên Huế, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Huế.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao bằng khen của Tỉnh Thừa Thiên Huế cho Trường ĐH Ngoại ngữ

 

PGS.TS. Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế trao bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Gi áo dục và Đào tạo cho các cá nhân và tập thể của Trường ĐH Ngoại ngữ

 

PGS.TS. Trần Văn Phước, Hiệu trưởng Trường ĐHNN giới thiêu với đại biểu tham quan phòng truyền thống của Trường. Với những nỗ lực trong 10 năm qua, Trường ĐHNN hiện nay có khu Hiệu bộ với 6 phòng hội bao gồm phòng truyền thống; phòng giáo sư, phó giáo sư; phòng sinh hoạt cho sinh viên; trung tâm thư viện; phòng máy tính dành cho sinh viên truy cập Internet miễn phí; 3 tòa nhà giảng đường với 100 phòng học được thiết kế tiên tiến, hiện đại. Mỗi phòng học là một phòng đa chức năng, hỗ trợ đầy đủ thiết bị giảng dạy, học tập. 

 

GS.TSKH. Nguyễn Viễn Thọ, nguyên Giám đốc Đại học Huế ghi lưu bút Nhà trường

 

Nhiều thế hệ thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng trong ngày kỷ niệm.

 

AH

Liên kết
×