English | Français   rss
Liên kết
Phát triển tài sản trí tuệ, từ nghiên cứu đến thương mại hóa sản phẩm (29-11-2019 11:05)
Góp ý

 

Ngày 29/11/2019, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Phát triển tài sản trí tuệ, từ nghiên cứu đến thương mại hóa sản phẩm". Tham dự có đồng chí Nguyễn Thái Sơn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; đồng chí Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Hội thảo Phát triển tài sản trí tuệ, từ nghiên cứu đến thương mại hóa sản phẩm

 

Trong thời gian qua, Đại học Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên nhiều lĩnh vực để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội. Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, các nhiệm vụ khoa học công nghệ trên địa bàn Tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, từng bước nâng cao giá trị đóng góp của khoa học công nghệ vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của Tỉnh, từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm của Tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trên lĩnh vực khoa học công nghệ thì công tác sở hữu trí tuệ, chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức về sở hữu trí tuệ của cộng đồng còn hạn chế; doanh nghiệp, nhà nghiên cứu chưa quan tâm đến hoạt động tạo lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương còn chậm, thiếu các giải pháp đồng bộ; tính chủ động của doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu còn hạn chế...

 

Đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá Đại học Huế là một trong những đơn vị đi đầu trên địa bàn Tỉnh về công tác nghiên cứu khoa học, với hàm lượng, chất lượng và số lượng các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học hàng đầu; cũng là đơn vị có nhiều đề tài, sáng kiến được đưa vào thực tế sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai thương mại hóa và đăng ký sở hữu trí tuệ của các nhà nghiên cứu Đại học Huế nói riêng và của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh nói chung vẫn chưa được chú trọng. Do đó, việc tổ chức Hội thảo này sẽ nhằm mục đích hỗ trợ thiết thực cho các nhà khoa học trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền sản phẩm, ý tưởng cũng như chuyển giao công nghệ, góp phần đưa các sản phẩm nghiên cứu triển khai vào thực tế sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương, đất nước.

 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế nhận định, đối với nhà khoa học, một lúc vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học, vừa phải thực hiện các khâu trong đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn cũng như tổ chức, doanh nghiệp trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là rất cần thiết. Giám đốc Đại học Huế cho biết thêm, hiện nay Đại học Huế có trên 200 sản phẩm có thể chuyển giao, phát triển kết quả nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm trên thị trường và nếu được hỗ trợ tốt để đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao thì sẽ đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước. Giám đốc Đại học Huế mong muốn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian đến sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu Đại học Huế trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ cũng như chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu, từ đó góp phần vào sự phát triển của địa phương; rất mong các nhà nghiên cứu trong toàn Đại học Huế có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ với địa phương để đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ của mình.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai của các trường đại học: Thực trạng và những giải pháp nhằm hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xác lập quyền đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển trí tuệ; Tổng quan về phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam và một số định hướng trong thời gian tới; Một số giải pháp thúc đẩy đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại các trường đại học thuộc Đại học Huế; Thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ tại Đại học Huế - Thực trạng và giải pháp; Những khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu tại các trường đại học; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng hướng đến thương mại hóa sản phẩm tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế....

 

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ cụ thể về việc triển khai đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ như: Quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nghiên cứu; sự phân chia lợi nhuận trong chuyển giao công nghệ; nguồn kinh phí để thực hiện đăng ký sáng chế, sở hữu trí tuệ; vấn đề bảo mật thông tin trong đăng ký sở hữu trí tuệ; sự bảo hộ sản phẩm sở hữu trí tuệ; việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp; thành lập doanh nghiệp khoa học trong trường đại học...

 

Đồng chí Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày báo cáo tại Hộ thảo

 

 

Các đại biểu tham gia các ý kiến tại Hội thảo

 

Trần Đức

 

 

Liên kết
×