English | Français   rss
Liên kết
57.244 hồ sơ đăng ký dự thi đại học tại Đại học Huế (18-05-2007 06:45)
Góp ý
Đó là con số được Ban Đào tạo Đại học Huế cung cấp sau khi đã hoàn thành việc nhận dữ liệu và hồ sơ đăng ký dự thi từ Ban tuyển sinh của các Sở Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, một số khâu trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học cơ bản hoàn thành theo yêu cầu và đúng tiến độ. Phóng viên Bản tin Đại học Huế đã gặp gỡ và trao đổi với Thầy Lê Tài Thuận (LTT), Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Đại học Huế xung quanh công tác này.

PV: Tổng số hồ sơ năm này có phần thấp hơn năm trước. Xin Thầy có thể cho một vài nhận xét và một số thông tin về tình hình hồ sơ đăng ký dự thi vào các Trường thuộc Đại học Huế ?

Thầy Lê Tài Thuận (LTT): So với năm ngoái (61.216 hồ sơ) thì tổng số hồ sơ năm nay có giảm. Tuy nhiên mức giảm không lớn (khoảng 6%). Đáng quan tâm là sự chênh lệch giữa 2 đợt thi là rất lớn. Đợt 1 (thi Khối A, V) số lượng là 15.492 hồ sơ. Đợt 2 (thi các khối : B, C, D, H, M, N, T) số lượng là 41.752 hồ sơ. Điều đó có nghĩa là Đại học Huế phải tổ chức đợt 2 với quy mô lớn, theo đó là những khó khăn trong công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, phòng thi, điều động nhân lực phục vụ kỳ thi.

Như những năm trước, năm nay, thí sinh từ 40 tỉnh thành trong cả nước đã đăng ký thi vào Đại học Huế, kể cả những thí sinh ở các tỉnh xa phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái… Nhưng tập trung chủ yếu là các tỉnh ở khu vực miền Trung từ Quảng Nam đến Thanh Hoá. Đông nhất vẫn là Thừa Thiên Huế có 17.459 hồ sơ.

Năm nay, hồ sơ đăng ký thi khối B tăng hơn năm trước (18.948 hồ sơ). Đó là tín hiệu các ngành thuộc nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ, Y-Dược được thí sinh quan tâm lựa chọn.

PV: Thầy có thể cho biết thêm thông tin về hồ sơ đăng ký dự thi qua việc tổ chức kiểm dò?

LTT: Trước hết phải nói rằng đây là một việc làm rất cần thiết mà trong công tác tuyển sinh không phải trường đại học nào cũng đều quan tâm thực hiện. Mục đích của việc làm này là xử lý sớm phần lớn những sai sót trong việc đăng ký dự thi và trong việc nhập, truyền dữ liệu cũng như gửi hồ sơ đăng ký dự thi về trường, tạo thuận lợi và đảm bảo thông tin chính xác cho việc tổ chức thi và xét tuyển.

Nhìn chung hồ sơ năm nay ít sai sót ở khâu đăng ký của thí sinh. Nhiều trường hợp sai sót chủ yếu từ khâu nhập dữ liệu của các đơn vị tuyển sinh của các tỉnh, qua kiểm dò đã được phát hiện để điều chỉnh kịp thời. Cho đến nay, Đại học Huế đã hoàn chỉnh các khâu: kiểm dò hồ sơ, hoàn chỉnh dữ liệu đăng ký dự thi, hoàn chỉnh việc ký hợp đồng thuê, mượn phòng thi và đang xây dựng phương án bố trí các điểm thi và sắp xếp phòng thi. Tiếp đến sẽ tiến hành in giấy báo thi, thẻ dự thi, gởi giấy báo thi đến thí sinh đúng thời gian quy định.

PV: Tình hình về hồ sơ đăng ký vào các ngành mới mở như Việt Nam học, Quốc tế học …?

LTT: Đối với những ngành học mới mở từ năm 2006, có một nhận xét là: các ngành thuộc nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ, Y Dược có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi nhiều hơn các ngành Khoa học xã hội. Tỷ lệ chọi của ngành Việt Nam học là 2,46, Quốc tế học là 1,98, Ngôn ngữ học là 0,55.

PV: Năm nay, có bao nhiêu thí sinh khiếm thị đăng ký thi vào Đại học Huế? Công tác chuẩn bị cho thí sinh khiếm thị dự thi như thế nào?

LTT: Từ năm 2006, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng cho phép các trường tuyển và đào tạo những người khuyết tật. Năm 2006 có 5 thí sinh khiếm thị đăng ký dự thi vào Đại học Huế. Kết quả có 1 thí sinh là Nguyễn Văn Duy thi đỗ và đang theo học ngành Luật tại Trường Đại học Khoa học với kết quả học tập năm thứ nhất rất tốt. Đại học Huế đã bước đầu xây dựng được quy trình tuyển sinh và tổ chức đào tạo đối với những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt đồng thời làm rõ một điều là những thí sinh khuyết tật như khiếm thị nếu được tạo điều kiện thì họ hoàn toàn có thể sống hoà nhập với cộng đồng, bình đẳng về nhu cầu học tập như những người bình thường khác.

Năm nay, Đại học Huế tiếp nhận 5 hồ sơ của thí sinh khiếm thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đăng ký thi vào các ngành như Văn, Xã hội học, Tâm lý…Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế đang cân nhắc để chọn lựa giữa 2 phương án là cho thi tuyển hoặc xét tuyển và sẽ đưa ra quyết định tại phiên họp Hội đồng tuyển sinh vào cuối tháng 5/2007.

PV: Về các địa điểm thi, phòng thi năm nay sẽ được bố trí ở địa bàn nào? Có thể mở rộng đến các huyện không? Điều kiện chỗ ngồi, ánh sáng và các cơ sở vật chất được chuẩn bị như thế nào?

LTT: Để khắc phục những hạn chế như địa điểm thi có ít phòng thi, bàn ghế thấp, phòng thi sát nhà dân…,năm nay, ngoài địa bàn Thành phố Huế, Đại học Huế mở rộng địa bàn đặt các điểm thi ở các huyện, có thể đặt thêm một số điểm thi ở Thị trấn Phú Bài ở phía Nam và đến Tứ Hạ về phía Bắc.

PV: Xin chân thành cảm ơn Thầy.

Hồng Sam thực hiện



 

Liên kết
×