English | Français   rss
Liên kết
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thương binh, liệt sĩ (26-07-2022 09:52)
Góp ý

Trong lịch sử kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu và giành những chiến thắng vẻ vang. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lớp lớp quân nhân, thanh niên xung phong và nhiều người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh cả tuổi xuân, hoặc một phần thân thể cho sự nghiệp ấy. Khắc ghi công ơn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”[i].

  1. Ghi nhận công ơn của những thương binh, liệt sĩ

Là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện hai cuộc kháng chiến trường chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ sự hy sinh lớn lao của các thương binh, liệt sĩ cho đất nước, “máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”[i]. Từ đó, Người nhắc nhở bổn phận của chúng ta là phải “đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ, để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”[ii].

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Mai Dịch (năm 1960)

 

Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến họ. Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở trung ương, khối và tỉnh đã họp ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) thảo luận và nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày Thương binh liệt sĩ” đầu tiên trong cả nước. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở thành “Ngày Thương binh liệt sĩ”, là dịp để tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, yêu mến thương binh liệt sĩ.

 

 

 

Ghi nhận công ơn của những người thương binh liệt sĩ, trong Thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt”[iii]. Họ “là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước”, là người đứng lên “khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập”[iv]. “Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ. Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào”[v].

 

Ngày 31-12-1954, tại lễ viếng các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc tại Đài liệt sĩ Hà Nội, đồng chí Phạm Văn Đồng đại điện đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đọc diễn từ: “Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên quyết đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”[vi].

 

Trước sự hy sinh to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy vì lòng bác ái của đồng bào cũng không có hạn.

 

  1. Động viên, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ trở thành những chiến sĩ, gia đình kiểu mẫu

Bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, động viên và giúp đỡ những thương binh, liệt sĩ. Để khích lệ những người thương binh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, Người viết: “Từ ngày hòa bình lập lại, anh em đã cố gắng nhiều và có nhiều thành tích trong học tập và tăng gia sản xuất. Đã có người được bầu làm chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc, cán bộ gương mẫu… Tất cả anh em thương binh, bệnh binh đã đem hết khả năng của mình để tăng gia sản xuất và góp phần xây dựng đất nước. Tôi hoan nghênh tinh thần hăng hái lao động của anh em và mong anh em càng cố gắng, càng tiến bộ nữa[vii]… Nhiều gia đình liệt sĩ đã hăng hái tham gia tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp và đã đạt được thành tích khá trong công việc sản xuất và tiết kiệm. Tôi chúc các gia đình ấy trở thành những gia đình cách mạng gương mẫu. 

 

Từ những tấm gương điển hình của các thương binh và gia đình liệt sĩ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các thương binh “một mặt nuôi lại sức khoẻ, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”[viii].

 

Sau cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu toàn thể đồng bào “càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc... Tôi mong rằng các đoàn thể văn hóa, công nhân, nông dân, phụ nữ, nhi đồng, và các bộ đội hoặc đến an ủi thương binh và gia đình tử sĩ, hoặc viết thư hỏi thăm, ai sẵn quà gì thì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến”[ix].

 

  1. Chính sách đối với người thương binh, liệt sĩ

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, quân dân ta lại phải bước vào một cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đời sống nhân dân, nhất là bộ đội, chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh và gia đình liệt sĩ.

 

Trong Chương trình Việt Minh, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Hậu đãi binh lính có công giữ gìn Tổ quốc và phụ cấp gia đình binh lính được đầy đủ”[x], bản thân Người ra thông báo nhận con các liệt sĩ làm con nuôi: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc là trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”[xi]. Người kêu gọi: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương. Đó là một việc nghĩa, mọi người tự động làm, tuyệt đối không cưỡng bức. Các tổ chức đều hăng hái tham gia, đặc biệt là đoàn thể phụ nữ, thanh niên và nhi đồng cần phải ra sức tuyên truyền, giải thích và giúp việc”[xii].

 

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Đây là văn bản đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Tiếp đó, ngày 19-7-1947, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Thương binh, cựu binh (nay là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Ngày 3-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 101 về thành lập Sở, Ty thương binh, cựu binh ở khu, tỉnh.

 

Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất với Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành lập các “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh”. Hoạt động của hội rất thiết thực, gắn bó tình quân dân thắm thiết, hết lòng chăm sóc giúp đỡ bộ đội, thương binh bằng tấm lòng cao cả nhân ái của các mẹ, các chị. Với các cháu thiếu niên nhi đồng, Người gợi ý thành lập những “Đội Trần Quốc Toản” không phải để đi đánh giặc và lập được nhiều chiến công, mà cốt để tham gia kháng chiến bằng cách: trong nhóm giúp đỡ nhau học tập khi rảnh thì giúp đồng bào, chăm nom gia đình thương binh, liệt sĩ.

 

Riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tri ân những thương binh, liệt sĩ, bản thân Người đã ba lần tặng “một tháng lương” để góp vào quỹ tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Lần thứ nhất, Người “xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (7/1947)”; lần thứ hai, “tôi xin gửi một tháng lương để góp vào quỹ tổ chức. Và tôi trân trọng gửi các anh em thương binh và gia đình các tử sĩ lời chào thân ái và quyết thắng”; lần thứ 3, Người gửi “một tháng lương là 45.000 đồng để làm quà cho anh em”.

 

  1. Phát huy vai trò của chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với công tác thương binh, liệt sĩ

Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Để báo đáp công ơn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”[xiii].

 

Trước hết, Chính phủ tìm mọi cách để giúp đỡ thương binh và gia đình tử sĩ, phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các đoàn thể, chính quyền địa phương cần hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã, giúp đỡ anh em làm ăn và đã chiếu cố chu đáo các gia đình liệt sĩ. Người nhắc nhở các cơ quan, đoàn thể “chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và liệt sĩ, để anh em thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và trong đời sống[xiv]. Người kêu gọi: “Chính quyền và các đoàn thể nhân dân phải tùy theo sự cố gắng và khả năng mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian”[xv].

 

Trong Di chúc, Người nhắc nhở: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”[xvi].

 

Tuổi trẻ Đại học Huế ghi nhớ công ơn của các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc

 

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ nói riêng và công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung thể hiện lòng thương yêu con người sâu sắc của Hồ Chí Minh đối với những người đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, thể hiện rõ tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Quan điểm của Hồ Chí Minh là những chỉ dẫn quan trọng để Đảng và Nhà nước ta xây dựng đường lối, chính sách đối với người có công trong thời kỳ đổi mới. Quán triệt quan điểm của Người, hơn 70 năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công, góp phần đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.

 

TS. Nguyễn Văn Quang,

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Huế; 

Giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

 

[i] Những lời kêu gọi của Hồ chủ tịch, NXb Sự thật, H.1962, tr.7

[ii] Sđd, tập 5, tr.401

[iii] Sđd, tập 5, tr.204

[iv] Sđd, tập 5, tr.204

[v] Sđd, tập 5, tr.579

[vi] Sđd, tập 9, tr.223

[vii] Sđd, tập 12, tr.260

[viii] Sđd, tập 5, tr.584.

[ix] Sđd, tập 6, tr.415

[x] Sđd, tập 3, tr.631

[xi] Sđd, tập 4, tr.486

[xii] Sđd, tập 5, tr.204

[xiii] Sđd, tập 10, tr.372

[xiv] Sđd, tập 12, tr.260.

[xv] Sđd, tập 7, tr.135-136

[xvi] Sđd, tập 15, tr.616

 

[i] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.401

Các tin đã đăng
Liên kết
×