English | Français   rss
Liên kết
Cơ hội mở thêm ngành mới và chuẩn hoá nhóm ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội (06-11-2017 08:36)
Góp ý

Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ Đại học (ĐH) và Sau Đại học (SĐH) vừa được ban hành, kèm theo Thông tư số 24 (cho ĐH) và 25 (cho SĐH) ngày 10-10-2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thay thế Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo Thông tư 14/2010 và Thông tư 32/2013 đối với ĐH, Thông tư 04/2012 và Thông tư 33/2013 đối với SĐH. Hai Thông tư mới vừa ban hành cho thấy, ngoài sự thay đổi hoàn toàn về số mã ngành dựa theo Quyết định số 1982/QĐ – TTg về khung trình độ quốc gia Viêt Nam ban hành năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ còn có sự thay đổi về thành phần trong một số nhóm ngành, nhiều ngành mới cấp mã cấp III và IV xuất hiện, một số ngành được sắp xếp lại ở các nhóm ngành mới để phù hợp với thực tế công việc ngoài xã hội. Cả hai thông tư này có hiệu lực vào ngày 25 tháng 11 năm 2017. Điều đó có nghĩa là mùa tuyển sinh năm 2018, các ngành nghề của Đại học Huế (ĐHH) cũng cần được rà soát, điều chỉnh, mở mới để phù hợp với qui định này.

 

Đại học Huế có quy mô đào tạo lớn nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên với 8 trường ĐH thành viên, 02 Khoa trực thuộc và 1 phân hiệu tại Quảng Trị

 

Một số thay đổi mà các đơn vị thành viên của ĐHH cần biết và kịp thời rà soát điểu chỉnh các ngành đào tạo hiện có cũng như mở thêm ngành nghề mới như sau:

 

Một là: Theo các Thông tư cũ, mã ngành cấp IV có 8 chữ số. Theo danh mục đào tạo mới, mã ngành vừa ban hành cả ĐH và SĐH là 7 chữ số liên tục. Theo đó mã trình độ đào tạo ĐH bắt đầu bằng số 7, Thạc sĩ bắt đầu bằng số 8 và Tiến sĩ bắt đầu bằng số 9. Chữ số thứ hai và thứ ba quy định mã lĩnh vực đào tạo; chữ số thứ tư và thứ năm quy định mã nhóm ngành đào tạo; hai chữ số cuối quy định mã ngành đào tạo. Thí sinh, sinh viên, người làm công tác quản lý giáo dục trong toàn ĐHH cần lưu ý điều này để thực hiện đúng trong công tác tuyển sinh, khoá luận, luận văn, luận án, cấp bằng tốt nghiệp và các văn bản qui định về đào tạo khác.

 

Hai là: Một số ngành thuộc mã cấp IV mà ĐHH đang đào tạo đã được thay đổi nhóm ngành mã cấp III, ví dụ ngành Khoa học đất trước đây thuộc nhóm ngành Môi trường thì nay thuộc nhóm ngành Nông nghiệp; Kinh doanh nông nghiệp, Kinh tế nông nghiệp thuộc nhóm ngành thuộc nhóm ngành Nông nghiệp; các ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Kinh tế tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai trước đây thuộc nhóm ngành Kiểm soát và Bảo vệ môi trường nay thuộc nhóm ngành Quản lý tài nguyên và môi trường. Tương tự một số thuộc nhóm ngành Dinh dưỡng, Du lịch, Khoa học sự sống, Sinh học,…

 

Ba là: Những ngành mới, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chính thức có tên trong danh mục của hai Thông tư mới, ví dụ đối với đào tạo Tiến sĩ ngành Phát triển nông thôn trước đây chỉ là thí điểm thì nay đã có mã số cấp IV trong danh mục. Các ngành du lịch thuộc Khoa Du lịch – ĐHH hiện đã được chuẩn hoá ngành nghề và cho phép mở các ngành mới như Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin được đào tạo tại Trường ĐH Khoa học và Trường ĐH Sư phạm của ĐHH theo các Thông tư mới cũng được sắp xếp lại cho phù hợp với xu thế phát triển ngành nghề hiện nay. Cụ thể, nhóm ngành Máy tính có các ngành Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ kỹ thuật máy tính; nhóm ngành Công nghệ thông tin có ngành Công nghệ thông tin và ngành An toàn thông tin; trong đó ngành An toàn thông tin là ngành học khá mới, là cơ hội cho ĐHH tiếp tục xem xét mở mới để đáp ứng nhu cầu xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Nhóm ngành Chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống có ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm là ngành mới mà ĐHH chưa có. Ở lĩnh vực sức khỏe có đào tạo tại Trường ĐH Y Dược, ĐHH có thêm nhóm ngành mới về Dinh dưỡng trong đó có ngành Dinh dưỡng có thể mở mới ở Trường ĐH Y Dược, ĐHH và có thể sử dụng nguồn lực chung vì rất gần với các ngành như Sinh học, Công nghệ sinh học, an toàn thực phẩm; Có nhóm ngành mới về Kỹ thuật y học bao gồm có các ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, trong đó nhiều ngành trước đây thuộc nhóm ngành Dịch vụ y tế...

 

Có thể nói danh mục mã ngành giáo dục và đào tạo mới theo Thông tư 24 và Thông tư 25 ban hành tháng 10 năm 2017 của Bộ GD&ĐT về trình độ ĐH và SĐH có nhiều thay đổi trên cơ sở sắp xếp lại hợp lý hơn các ngành đã có trước đây và bổ sung những ngành nghề theo nhu cầu xã hội. Danh mục mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội để ĐHH và các đơn vị đào tạo thành viên có thể xem xét, lựa chọn mở thêm ngành học phù hợp hơn cả trình độ ĐH và SĐH.

 

Tuy nhiên, căn cứ vào 02 Thông tư mới, Đại học Huế cần tập trung chỉ đạo để vừa đáp ứng thực hiện đúng về mặt quản lý nhà nước đồng thời tăng thêm cơ hội để các trường mở mới, rà soát, chuẩn hoá các ngành theo các giải pháp sau:

-          Ban Đào tạo cần nghiên cứu kỹ 02 thông tư để có các văn bản hướng dẫn thực hiện đúng và kịp thời.

-          Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lương giáo dục căn cứ Thông tư 24 về danh mục mã ngành cấp IV Đại học để rà soát và đưa vào đề án tuyển sinh ĐH năm 2018.

-          Các Trường, Khoa, Phân hiêu thuộc ĐHH cần nghiên cứu kỹ 02 Thông tư và phối hợp với Ban Đào tạo – ĐHH và các Ban liên quan để rà soát lại các mã ngành cấp IV hiện có phù hợp với 02 Thông tư mới, đồng thời xem xét để có thể mở thêm các ngành đào tạo mới mà 02 Thông tư mới đã có qui định mã ngành, nhất là nhóm ngành Du lịch, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Dinh dưỡng,…

-          ĐHH cần nghiên cứu tạo điều kiện để có thể mở mới được các ngành nhằm tăng tính cạnh tranh trong tuyển sinh chung nhưng đồng thời cần có chỉ đạo để làm sao phối hợp được nguồn lực liên ngành, liên khoa giữa các đơn vị thành viên trong ĐHH trong mở ngành mới cả ĐH và SĐH.

 

 

 

PGS.TS Huỳnh Văn Chương

Liên kết
×