English | Français   rss
Liên kết
Đại học Huế sẽ tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Trần Phạm Chí (14-06-2014 08:10)
Góp ý

- Tên đề tài:  Nghiên cứu hiệu quả thắt giãn tĩnh mạch thực quản kết hợp Propranolol trong dự phòng xuất huyết tái phát và tác động lên bệnh dạ dày tăng áp cửa do xơ gan

- Chuyên ngành: Nội tiêu hoá

- Thời gian: 14 giờ 00 ngày 24 tháng 6 năm 2014

- Địa điểm: Hội trường Đại học Huế, số 03 Lê Lợi, TP. Huế

 

Những đóng góp mới của luận án:

Phương pháp điều trị phòng ngừa xuất huyết tái phát do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản bằng thắt giãn tĩnh mạch thực quản kết hợp propranolol đã được ứng dụng khá rộng rãi ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Một số nghiên cứu chứng tỏ ưu điểm của phương pháp điều trị này so với phương pháp thắt giãn tĩnh mạch thực quản đơn thuần. Tuy nhiên, còn ít nghiên cứu so sánh hiệu quả của phương pháp điều trị kết hợp so với thuốc ức chế bêta không chọn lọc. Luận án nghiên cứu này là một trong số ít đề cập đến vấn đề này, qua đó có thể cung cấp cái nhìn toàn diện về hiệu quả của phương pháp.

Nghiên cứu đã cung cấp kiến thức tổng quan về tăng áp cửa, sự hình thành giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày cũng như bệnh dạ dày tăng áp cửa. Đặc biệt, nghiên cứu cũng đi sâu vào cơ chế sinh bệnh, giãi phẫu bệnh, tiến triển của các tổn thương này. Ngoài ra, đặc điểm giải phẫu học của vùng tĩnh mạch cửa cũng như mạch máu dạ dày thực quản vốn có liên quan trực tiếp đến sự hình thành giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày và bệnh dạ dày tăng áp cửa đã được đề cập đến chi tiết.   

Nghiên cứu này cho phép đánh giá dịch tễ học nguyên nhân gây bệnh xơ gan trong nhóm nghiên cứu và bước đầu cho thấy đa số là xơ gan do rượu. Đây là một cảnh báo mới về sự thay đổi dịch tễ học về nguyên nhân gây bệnh xơ gan ở Việt Nam. 

Nghiên cứu đưa ra được tỉ lệ khá cao bệnh dạ dày tăng áp cửa ở bệnh nhân xơ gan có xuất huyết giãn tĩnh mạch thực quản. Đây là một đặc điểm mới ít nghiên cứu đề cập đến nhất là ở Việt Nam.  Tác giả cũng đã đề cập đến phương pháp phân loại bệnh dạ dày tăng áp cửa và đã ứng dụng trong nghiên cứu của mình.

Nghiên cứu cũng đưa ra được liều trung bình của propranolol trong điều trị phòng ngừa xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản kèm tác dụng phụ của propranolol. Liều propranolol trong nghiên cứu không cao, tác dụng phụ của propranolol cũng không nhiều  như một số nghiên cứu ở nước ngoài khác. Biến chứng của phương pháp thắt giãn tĩnh mạch thực quản trong nghiên cứu cũng ít và không nặng. Điều này cho phép ứng dụng điều trị propranolol và thắt giãn tĩnh mạch thực quản rộng rãi mà không quá quan ngại về tác dụng phụ cũng như biến chứng của phương pháp điều trị kết hợp.

Ngoài mục tiêu tác dụng phòng chống chảy máu tái phát do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản như một số nghiên cứu trước đây đã đề cập, nghiên cứu đã chú ý đến tác động của phương pháp điều trị kết hợp lên bệnh dạ dày tăng áp cửa và sự hình thành giãn tĩnh mạch dạ dày vốn hay xảy ra ở bệnh nhân điều trị thắt giãn tĩnh mạch thực quản đơn thuần. Propranolol đã chứng tỏ được vai trò của mình trong việc giảm tỉ lệ xuất hiện giãn tĩnh mạch dạ dày cũng như làm nặng bệnh dạ dày tăng áp cửa sau thắt giãn tĩnh mạch thực quản, bằng chứng là không có sự khác biệt về hình ảnh nội soi và giải phẫu bệnh giữa nhóm điều trị kết hợp và nhóm điều trị propranolol vào cuối quá trình theo dõi.

Như vậy, nghiên cứu đã góp phần đánh giá hiệu quả toàn diện của phương pháp điều trị kết hợp thắt giãn tĩnh mạch thực quản và propranolol. Qua đó, nghiên cứu đã có những đóng góp mới về mặt lý thuyết cũng như thực hành trong nghiên cứu phương pháp điều trị kết hợp này ở trong và ngoài nước.

 

Liên kết
×