English | Français   rss
Liên kết
Đại học Huế thăm và làm việc với các trường đại học ở Lào (12-09-2011 00:44)
Góp ý
Theo kế hoạch tìm hiểu và hợp tác với các đại học ở Lào, từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9 vừa qua, Đoàn Đại học Huế gồm có đại diện lãnh đạo Văn phòng, các Ban Đào tạo đại học, Sau đại học, Hợp tác quốc tế, các Trường đại học Khoa học và Sư phạm, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, do PGS. TS Lê Mạnh Thạnh, Phó Giám đốc Đại học Huế (ĐHH) làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với 2 trường đại học: Đại học quốc gia Lào tại thủ đô Viêng Chăn và Trường đại học Savannakhet, tỉnh Savannakhet. Hai đại học này đã cùng ĐHH ký văn bản hợp tác giữa một số trường đại học của 3 nước Việt, Lào, Campuchia tại Tp. Hồ Chí Minh năm 2009.

Đại học quốc gia Lào, viết tắt là NUOL (National University of Laos), là đại học lớn nhất của Lào, được thành lập năm 1996 trên cơ sở hợp nhất các trường đại học, cao đẳng ở Viêng Chăn. Hiện nay, NUOL có 11 khoa (Faculty), một trường dành cho học sinh tài năng và dân tộc thiểu số và 7 Trung tâm, Viện trực thuộc đăt tại nhiều khuôn viên đại học (campus) khác nhau, trong đó tòa nhà hành chính đặt tại Dong Dok. NUOL có nhiều mối hợp tác quốc tế, chẳng hạn đã ký kết Bản Ghi nhớ (MOU) với 110 đại học trên thế giới; hội viên của nhiều tổ chức như AUN, AUF,... Là một đại học đa ngành, NUOL có 77 ngành đào tạo bậc đại học, 34 chuyên ngành Thạc sĩ trong các lĩnh vực Nông Lâm, Kiến trúc, Khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, Giáo dục, Môi trường,.... Hiện nay trường có trên 700 sinh viên quốc tế.

Từ năm học 2010-2011 ở đây bắt đầu đào tạo bậc tiến sĩ với hai chuyên ngành Kinh tế và Quản trị Kinh doanh. Lực lượng giảng viên gồm 1219 người, gồm 69 có trình độ Tiến sĩ và 531 là Thạc sĩ. Tuy nhiên về phía chức danh thì trường có đến 7 GS và 150 PGS.

Đoàn ĐHH đã được PGS.TS Phetsamone Khounsavath, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo và nghiên cứu cùng với Trưởng ban Kế hoạch và Hợp tác của NUOL tiếp. Lãnh đạo NUOL đã trình bày khái quát về sứ mạng, tầm nhìn của đại học, cơ cấu ngành nghề, đội ngũ giảng viên và các hoạt động hợp tác quốc tế của đơn vị mình. Đại diện Đoàn ĐHH, PGS.TS Lê Mạnh Thạnh đã giới thiệu vắn tắt lịch sử hình thành ĐHH, số lượng ngành nghề các bậc đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ, số lượng sinh viên, đội ngũ giảng viên,... Đoàn ĐHH đã giới thiệu những ngành, chuyên ngành bậc đại học và sau đại học có truyền thống và thế mạnh như Cơ bản, Y Dược, Ngoại ngữ, Nông Lâm,... các chương trình tiên tiến, liên kết đào tạo với nước ngoài.

Lãnh đạo hai đại học bàn bạc những nội dung hợp tác cụ thể, cùng đề xuất cách thức tìm ngân sách, tài chính để cấp học bổng cho giảng viên, sinh viên Lào đến nghiên cứu, học tập ở Huế từ các nguồn tài trợ quốc gia, quốc tế.

Sau khi nhấn mạnh sự cần thiết của việc trao đổi, bồi dưỡng đào tạo giảng viên, sinh viên, hai bên nhất trí sẽ bàn bạc thật cụ thể những ngành và lĩnh vực có khả năng hợp tác tốt nhất và giao cho các ban Hợp tác quốc tế soạn thảo các văn bản hợp tác cụ thể các lĩnh vực cả hai cùng quan tâm, trình lãnh đạo 2 đại học phê duyệt để thực hiện kế hoạch cho những công việc tiếp theo. Hai bên bày tỏ sự hài lòng của buổi làm việc thân tình, hiệu quả.

Làm việc với Trường đại học Savannnakhet (SKU), đoàn ĐHH được Ban Giám hiệu trường SKU, Trưởng các khoa và trung tâm của trường đón tiếp. Trường đại học Savannakhet viết tắt là SKU là một trường đại học rất trẻ của Lào, được thành lập từ tháng 3 năm 2009. Do nhu cầu đào tạo nhân lực để phát triển kinh tế xã hội cho 3 tỉnh Trung Lào, nơi có Hành lang Kinh tế Đông Tây với đường xuyên Á, chính phủ Lào quyết tâm xây dựng một trường đại học đa ngành để đảm đương nhiệm vụ quan trọng này. Trường mới có 3 khoa là Nông nghiệp và Môi trường, Quản trị kinh doanh, Ngoại ngữ và Nhân văn. Lực lượng giảng viên là 175 người, trong đó có 4 TS, 21 Thạc sĩ và 3 PGS.

PGS.TS Bounpong Keorodom, Hiệu trưởng của SKU phát biểu chào mừng Đoàn và giới thiệu quá trình đang xây dựng và phát triển của trường. PGS.TS Lê Mạnh Thạnh giới thiệu quy mô, ngành nghề, thế mạnh của ĐHH, nhấn mạnh sự hợp tác song phương và đa phương của hai đơn vị trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, nêu lên những điểm thuận lợi, đó là khoảng cách địa lý không xa giữa ĐHH và SKU; số lượng giảng viên của SKU tốt nghiệp đại học tại Việt Nam tương đối nhiều; các ngành nghề của SKU đều có mặt trong chương trình đào tạo của ĐHH nên việc ĐHH hỗ trợ cho SKU trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ của SKU là rất khả thi.

Để hoạt động hợp tác có hiệu quả, thực chất, PGS Lê Mạnh Thạnh đề nghị lãnh đạo SKU nghiên cứu, bàn bạc cụ thể, đưa ra những nội dung hợp tác khả thi nhất, chẳng hạn chọn một vài ngành để đào tạo, nâng cấp giảng viên của SKU; tìm nguồn tài trợ cấp học bổng, tạo điều kiện nhằm SKU khuyến khích người học đạt được trình độ cao trong chuyên môn, giảng dạy và nghiên cứu; thành lập văn phòng đại diện ĐHH tại SKU; xây dựng các chương trình liên kết đào tạo tại Savannakhet. Ban lãnh đạo SKU tán thành với những đề nghị đó. Sau khi thảo luận, trao đổi tại chỗ, phía SKU yêu cầu ĐHH hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng để giảng viên có trình độ Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ các ngành về môi trường, kế toán, chăn nuôi, thú y,... Lãnh đạo Đoàn ĐHH đồng ý và giao cho Ban Hợp tác quốc tế soạn văn bản với những nội dung chi tiết và kế hoạch cụ thể, gửi SKU trao đổi thống nhất và sau đó ký kết hợp tác để thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Ban lãnh đạo của SKU chân thành cám ơn sự quan tâm, hỗ trợ của ĐHH. Cuộc họp kết thúc trong sự đồng thuận, thân tình của 2 bên.

Sau chuyến đi này, ĐHH sẽ lên kế hoạch cụ thể để việc hợp tác với các ĐH của Lào có hiệu quả nhằm quảng bá hình ảnh, học hiệu của ĐHH. Trước mắt, ĐHH sẽ có kế hoạch hỗ trợ đào tạo giảng viên Lào ở những ngành họ cần và ĐHH có thế mạnh để ĐHH trở thành điểm hấp dẫn sinh viên và cán bộ của Lào đến học tập, bồi dưỡng và nghiên cứu trong tương lai gần, nhằm bắc một nhịp cầu thu hút sinh viên của các nước khác trong vùng đến với ĐHH.

Nguyễn Hoàng
Liên kết
×