English | Français   rss
Liên kết
Đại sứ CHLB Đức thăm và làm việc tại Đại học Huế (02-10-2017 04:34)
Góp ý

 

Sáng 01/10, PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế đã chủ trì buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam Christian Berger, phu nhân và ông Stefan Hase Bergen – Trưởng Văn phòng đại diện Cơ quan trao đổi hàn lầm Đức - DAAD tại Hà Nội. Đây là chuyến thăm và làm việc lần thứ hai của Đại sứ và đoàn công tác trong năm 2017 tại Đại học Huế sau lần làm việc đầu tiên vào tháng 2. 

 

 

Tại buổi tiếp, Đại sứ vui mừng nhận định rằng chỉ sau hơn nửa năm kể từ chuyến làm việc đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế vào tháng 2 cùng đại diện các cơ quan Lãnh sự, tổ chức, doanh nghiệp có quan hệ hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, hai bên không chỉ phát triển nhanh mối quan hệ mà còn thắt chặt hơn mạng lưới Việt – Đức tại Huế. Cụ thể là sáng 29/9, Đại sứ đã tham dự lễ khởi công dự án “Bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại Điện Phụng Tiên, Đại nội Huế” do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Bảo tồn Di sản Văn hoá Đức (GEKE) tổ chức dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao CHLB Đức thông qua Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là tôn tạo cảnh quan sân vườn, công trình kiến trúc và đẩy lùi không gian hoang phế trong Quần thể Di tích Huế, hướng đến việc bảo tồn và phục hồi tổng thể công trình Điện Phụng Tiên. Bên cạnh đó, sẽ có đào tạo kỹ thuật chuyên sâu và cấp chứng chỉ đào tạo nghề về bảo tồn và phục hồi công trình di tích cho các thợ thủ công có tay nghề không chính quy nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh trong lĩnh vực bảo tồn, phục hồi di sản Huế. Đây là dự án thứ 5 được Chương trình bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Đức hỗ trợ tại Quần thể Di tích Cố đô Huế.

 

Vấn đề thứ hai mà Đại sứ quan tâm là khả năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng việc giảng dạy tiếng Đức tại Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Huế, tạo cơ hội cho các giảng viên, sinh viên đủ điều kiện về ngôn ngữ trước khi sang học tập và nghiên cứu tại Đức thông qua các chương trình hợp tác.

 

 

 

 

Tại buổi tiếp, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế khẳng định mối quan hệ giữa Đại học Huế và các tổ chức, trường đại học ở Đức đã được xây dựng từ lâu. Thông qua các chương trình học bổng của Chính phủ Việt Nam, DAAD nhiều cán bộ, giảng viên của Đại học Huế đã tham gia nghiên cứu, học tập tại Đức và trở về công tác tốt, được đánh giá cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực y dược, nông lâm, khoa học tự nhiên…Hiện tại, Đại học Huế đang tham gia nhiều chương trình, dự án nâng cao năng lực trong khuôn khổ các chương trình Erasmus do Cộng đồng châu Âu tài trợ trong đó có hợp tác với nhiều trường đại học Đức trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, trao đổi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh… giữa các nước Đông Nam Á và Châu Âu… Trong tương lại, Đại học Huế mong muốn Đại sứ hỗ trợ trong việc xây dựng các chương trình hợp tác chung, các hoạt động trao đổi, nghiên cứu trong các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, chăm sóc sức khoẻ, tái tạo năng lượng với mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar…

 

Ông Stefan Hase Bergen – Trưởng Văn phòng đại diện DAAD tại Hà Nội khẳng định nhiều tiềm năng hợp tác giữa DAAD và Đại học Huế. Hai bên sẽ tiếp tục tìm hiểu và xây dựng kế hoạch hợp tác bền vững, ý tưởng cho việc xây dựng các chương trình đào tạo quốc tế, nghiên cứu, trao đổi giảng viên và sinh viên.

 

 

Cùng ngày, Đại sứ và đoàn công tác đã tham dự buổi gặp gỡ, trò chuyện Việt – Đức Alumni Talk đầu tiên tại Huế với chủ đề “Quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong điều kiện biến đổi khí hậu, bài học từ thực tiễn”. Hoạt động trong khuôn khổ chuỗi hội thảo quốc tế “Quản lý lớp phủ/ sử dụng đất theo hướng dịch vụ hệ sinh thái” do Trường ĐH Nông Lâm - Đại học Huế phối hợp với Cơ quan trao đổi hàn lâm (DAAD), Đại sứ quán Cộng Hòa Liên Bang Đức tổ chức.

 

 


Buổi nói chuyện có sự tham gia của các giáo sư nông học, địa lý của Trường Đại học Goettingen, Đức; các thành viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Thái Lan, Nê-pal, Campuchia, Băng-la-đét, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam.

 

 

Đây là chủ đề trọng tâm trong hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức trong nhiều năm qua, cũng như hợp tác giữa Trường Đại học Nông Lâm và Đại học Göttingen, Đức. Những kinh nghiệm về giải quyết các thách thức trong quản lý tài nguyên bền vững theo các quan điểm khác nhau được các diễn giả Đức và Việt Nam chia sẻ, trao đổi.

 

Đại sứ và đoàn công tác trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Trường ĐH Nông Lâm

PV

Liên kết
×