English | Français   rss
Liên kết
Phát triển Viện Công nghệ sinh học thuộc Đại học Huế thành Trung tâm quốc gia về Công nghệ sinh học miền Trung (26-10-2015 02:27)
Góp ý

Theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về Công nghệ sinh học đến năm 2025, Việt Nam xây dựng và phát triển 3 trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam có đủ năng lực tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ nền của công nghệ sinh học, bao gồm: Trung tâm quốc gia về Công nghệ sinh học miền Bắc phát triển từ Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm quốc gia về Công nghệ sinh học miền Nam, phát triển từ Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực kết hợp với Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm quốc gia về Công nghệ sinh học Miền Trung được phát triển từ Viện Công nghệ sinh học thuộc Đại học Huế. 

 

Trung tâm quốc gia về Công nghệ sinh học Miền Trung có nhiệm vụ: Nghiên cứu cơ bản về khoa học sự sống; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nền về CNSH trong y dược, sinh học biển, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến và môi trường; Phân tích, thử nghiệm và đánh giá an toàn sinh học về GMO, sản phẩm hàng hóa từ GMO; Tham gia đào tạo cán bộ khoa học công nghệ (đại học, sau đại học, đào tạo lại về CNSH).

 

Thực hiện chủ trương đó, ngày 24/10/2015, Đại học Huế đã tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học tại miền Trung với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho đề án xây dựng Trung tâm quốc gia về Công nghệ sinh học miền Trung.

 

Trung tâm quốc gia về Công nghệ sinh học miền Trung phát triển từ Viện Công nghệ Sinh học Đại học Huế là nơi hội tụ đủ bề dày nghiên cứu công nghệ sinh học, có đội ngũ mạnh về lĩnh vực này. Đến nay có 53 GS, PGS và hàng trăm Thạc sĩ và Tiến sĩ tham gia nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ sinh học và có chương trình đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ  nhiều ngành liên quan đến Công nghệ Sinh học.

 

Trước đây, từ năm 1999, Bộ môn Công nghệ sinh học thuộc Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học được thành lập, mở đầu cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học ở Đại học Huế.

 

Từ năm 2003, Đại học Huế thành lập Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học phân tử thuộc Trung tâm Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học, đầu tư các thiết bị nghiên cứu thuộc dự án Giáo dục đại học (khoảng 12 tỷ). Năm 2006, PTN Công nghệ sinh học phân tử được đầu tư thêm một phòng Tin sinh học thuộc dự án Giáo dục đại học (mức C). Từ 2006-2009, PTN này được tiếp tục đầu tư dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học ở Đại học Huế”. Tháng 12/2007, Trung tâm Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học được tổ chức lại thành Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học, trong đó PTN Công nghệ sinh học phân tử được phát triển thành Bộ phận Công nghệ sinh học với 2 bộ môn và 8 phòng thí nghiệm chuyên ngành khác nhau, gồm có: Bộ môn Công nghệ DNA ứng dụng (có 4 phòng thí nghiệm là Công nghệ gen, Công nghệ protein, Công nghệ tế bào thực vật và Di truyền học); Bộ môn Công nghệ hoạt chất sinh học: có 4 phòng thí nghiệm là Hợp chất thứ cấp, Miễn dịch học, Công nghệ vi sinh và Công nghệ tế bào động vật.

 

Tháng 4/2013, Bộ phận Công nghệ sinh học được tách khỏi Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học để sáp nhập vào Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ. Tháng 5/2014, Đại học Huế đã thành lập Viện Công nghệ Sinh học, có trụ sở đặt tại Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Đại học Huế đã đầu tư 15 tỷ để xây dựng tòa nhà Công nghệ Sinh học với diện tích sử dụng  2300 m2.

 

Mặc dù trải qua nhiều tên gọi khác nhau, nhưng kể từ khi thành lập đến nay, Bộ phận Công nghệ sinh học vẫn duy trì hoạt động thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, đã tham gia đào tạo cho các trường thành viên của Đại học Huế 10 tiến sĩ (4 đã bảo vệ thành công), 66 thạc sĩ và hàng trăm cử nhân hoặc kỹ sư; công bố 92 bài báo khoa học, với 30 bài báo quốc tế thuộc SCI, SCIE và ISI; đăng ký 18 trình tự gen trên cơ sở dữ liệu Genbank (Mỹ); nhận được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ, nhiều bằng lao động sáng tạo.

 

So với cả nước, miền Trung và Tây Nguyên là khu vực đặc thù về sinh cảnh và tài nguyên thiên nhiên. Vùng duyên hải, có thế mạnh về công nghiệp, khai khoáng, nuôi trồng thủy sản, khai thác và chế biến hải sản, có đường bờ biển dài với một ngư trường lớn. Tây Nguyên là vùng có thế mạnh về trồng và chế biến các loại cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi đại gia súc và chế biến lâm sản. Tuy nhiên, miền Trung và Tây Nguyên là vùng đất có nhiều khó khăn và bất lợi về điều kiện tự nhiên; phải đối mặt với nhiều vấn đề như hạn hán về mùa khô, lũ lụt về mùa mưa, sự tác động mãnh liệt của tự nhiên và sự phá hoại của con người đã làm cho tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, nhiều nơi môi trường bị ô nhiễm nặng. Đây cũng là nơi đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế. Vì thế, việc ra đời một Trung tâm nghiên cứu như Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia Miền Trung tại Huế là hết sức cần thiết.

 

Hội nghị triển khai Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học tại miền Trung là một bước đi kịp thời của Đại học Huế. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định Công nghệ sinh học là một trong 4 lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Xác định đây là cơ hội để phát triển, lãnh đạo tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện trong việc xây dựng Trung tâm Công nghệ Sinh học quốc gia miền Trung tại Huế. Kết thúc hội nghị, một số vấn đề đã được Đại học Huế tiếp thu, trong đó: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, trực tiếp là Đại học Huế phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng đề án tổng thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ. Nội dung đề án làm rõ vấn đề chuyên môn, về thủ tục đầu tư, hành chính và quản lý; chức năng, nhiệm vụ; lộ trình phát triển theo phương thức vừa đầu tư, vừa khai thác có hiệu quả trong giai đoạn 20 năm sắp đến.  

AH 

Các tin mới hơn
Liên kết
×