English | Français   rss
Liên kết
Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Phát triển Công nghệ Nông lâm: Trồng thử nghiệm cây Vanilla ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới (23-01-2008 09:39)
Góp ý
Vanilla là một giống lan nhiệt đới thuộc họ Orchidaceae, sống bám vào thân cây khác như một loại dây leo, ra hoa, đậu quả và cho hương vani thiên nhiên. Cây Vanilla đã được Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Phát triển Công nghệ Nông lâm Trường ĐH Nồng lâm – Đại học Huế trồng thử nghiệm thành công ở Hồng Hạ, A Lưới, Thừa Thiên Huế. PV Bản tin Đại học Huế đã có trao đổi với TS. Lê Văn An, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế ĐHH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Phát triên công nghệ nông lâm, Trường ĐH Nông lâm về kết quả nghiên cứu này.
<body>

PV: Thưa Thầy, được biết, gần đây, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Phát triển Công nghệ Nông lâm, Dự án “Nâng cao năng lực thích ứng cộng đồng để đối phó với thảm họa tự nhiên ở Miền Trung Việt Nam" do tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ, hợp tác với Đại học Kyoto đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây Vanilla tại vùng núi xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, xin Thầy cho biết thêm về nguồn gốc, đặc điểm của loại cây này?

TS. Lê Văn An (TS. LVA): Vanilla là một loại cây cho hương tự nhiên để sử dụng trong thực phẩm. Theo xu hướng ngày nay thì tinh dầu vanilla công nghiệp không được ưa chuộng sử dụng trong thực phẩm. Tinh dầu từ cây vanilla rất có giá trị vì đó là xạ hương tự nhiên.

Cây vanilla trong chương trình nghiên cứu của Trường ĐH Nông lâm và Trường ĐH Kyoto Nhật Bản có nguồn gốc từ Indonesia. Các chuyên gia của Trường ĐH Kyoto đã tiến hành trồng thử nghiệm ở Tanzania và Indonesia và đã cho kết quả rất tốt.
Sau khi Trường ĐH Kyoto nghiên cứu và thử nghiệm thành công họ đã mở một cửa hàng để bán sản phẩm này cho nông dân ở Nhật bản. Cho đến nay sản phẩm này vẫn được bán ở Nhật với giá cao.

Từ giá trị lớn mà sản phẩm mang lại, ý tưởng đưa cây vanilla về trồng ở vùng núi Thừa Thiên Huế đã được các chuyên gia của Trường ĐH Kyoto đưa ra thử nghiệm. Tháng 8/2006, những cây vanilla đầu tiên đã được đưa về trồng ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cho đến nay đã được hơn 1 năm, các cây vanilla có kết quả sinh trưởng khá tốt. Với tốc độ này, hy vọng có thể 2 năm nữa cây có thể cho hoa và kết hạt.

PV: Cách trồng và chăm sóc như thế nào? Có những khó khăn và thuận lợi gì trong quá trình nghiên cứu loại cây này ở vùng núi Thừa Thiên Huế? (Về mặt tự nhiên, đất đai, khí hậu...)

TS. Lê Văn An (TS. LVA): Qúa trình chăm sóc cây vanilla cần rất nhiều công lao động, đó cũng là một phần tạo nên giá trị lớn của sản phẩm. Vanilla là một cây dây leo, sống bám và sinh trưởng nhờ vào 1 thân cây gỗ khác làm choái, tương tự như cây hồ tiêu. Vì thế, nên trồng cây vanilla ở những vùng đã có sẵn cây thân gỗ. Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào nói rằng gốc cây nào là môi trường để cây vanilla bám tốt nhất. Trong quá trình theo dõi, chúng tôi sẽ tìm hiểu vấn đề này. Vanilla thuộc họ phong lan (Orchidaceae), có đặc điểm là sống một phần dinh dưỡng trong đất và một phần quan trọng là độ ẩm của môi trường không khí. Nếu trong mùa hè môi trường thiếu độ ẩm thì ta có thể tạo cây bóng mát và tưới nước thường xuyên.

Cây vanilla được trồng bằng hom từ các đoạn thân cây. Những thân ban đầu được đưa từ Indonesia về, mỗi một thân dài khoảng 50 – 60cm được cắt đôi và mỗi hom đem trồng dài 25 – 30cm, có từ 3 đến 4 đốt. Chỉ lấp đất 1/3 chiều dài đoạn thân cây, còn 2/3 để trên mặt đất để cho cây có thể quang hợp.

Cây cần được trồng ở những mô đất không đọng nước, nếu để ứ nước, cây sẽ chết. Trước khi trồng, dùng phân hữu cơ hoai mục trộn với vôi để khử độ chua của đất, cho xuống hố, sau đó lấp đất lại rồi mới trồng thân cây lên, không trồng trực tiếp lên hỗn hợp phân và vôi đó. Thời gian đầu lấy lá cây phủ lên một ít đế tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây.

Việc chăm sóc cây ở vùng núi Thừa Thiên Huế cũng có một số khó khăn. Khó khăn nhất là ở chỗ, khí hậu của ta có 2 mùa quá khác nhau. Mùa hè thì quá nóng, gió lào khô, rất không thích hợp với những cây ưa ẩm, quá trình sinh trưởng không cần phân bón nhưng sử dụng chất dinh dưỡng chủ yếu từ không khí, vì vậy làm thế nào để cây có nước cũng là một vấn đề. Việc tưới cũng tuỳ thuộc vào điều kiện của nông dân. Mùa mưa thì kéo dài. Mưa nhiều nhưng lại thiếu ánh sáng mặt trời làm cho cây quang hợp yếu nên sinh trưởng chậm mặc dù độ ẩm cao và nhiệt độ thích hợp. Vì vậy thời gian từ tháng 3, tháng 4 là thích hợp nhất cho sự phát triển của cây vanilla ở vùng núi Thừa Thiên Huế.

PV: Theo dự kiến đến khi nào có thể thu hoạch được? Xin Thầy có thể cho biết thêm về quy trình chế biến, tiêu thụ?

TS. Lê Văn An (TS. LVA): Sau khi cây ra hoa, chuyên gia sẽ hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật thụ phấn để cho ra quả. Khi ra quả thì sẽ hướng dẫn kỹ thuật phơi và ủ quả để cho ra hương vị vanilla. Quy trình sẽ rất dài và tốn rất nhiều sức lao động.

Trong thời gian 3 năm đầu công chăm sóc chưa cần nhiều, chỉ xem cây sinh trưởng cao lên thì hạ thấp chiều cao, quay vòng để mỗi cây trụ trở nên sum suê. Cây choái cũng phải được tỉa bớt lá để mùa mưa không quá tối và mùa hè thì không quá bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Các kỹ thuật này nông dân sẽ được các chuyên gia hướng dẫn. Công chăm sóc lớn nhất là việc thụ phấn cho hoa để có quả, và công việc này hoàn toàn nhờ vào lao động chứ không dựa vào các loại côn trùng thụ phận tự nhiên như các loại cây khác. Việc thụ phấn rất mất thời gian và chỉ có thể thực hiện vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Vì vậy, làm thế nào để nông dân có thể thụ phấn tất cả hoa vào một thời điểm nhất định chứ không phải lúc nào làm cũng được. Các chuyên gia sẽ tập huấn rất kỹ cho nông dân về kỹ thuật này.

Vấn đề khó khăn thứ hai là sau khi ra quả, làm thế nào để ủ quả cho ra hương vị vani. Quy trình sẽ là: hái quả, phơi khô trong điều kiện không có ánh nắng mặt trời và phải phơi mất 3 tháng thì mới ra được hương vị đó.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu gồm giáo viên và các sinh viên, cứ mỗi tháng họ sẽ theo dõi và đo tốc độ sinh trưởng của từng cây, chiều cao, số lá, các vấn đề phát sinh và tốc độ sinh trưởng qua các năm.

PV: Tại sao Trung tâm chọn loại cây này để trồng thử nghiệm? Nó có giá trị về mặt kinh tế, xã hội, môi trường... như thế nào? có thể nhân rộng được không? Có giải quyết được công ăn việc làm cho đồng bào vùng núi nếu phát triển đại trà?

TS. Lê Văn An (TS. LVA): Nếu công trình nghiên cứu thành công thì sẽ đem lại lợi ích đáng kể bởi vì đây là một loại cây trồng có giá trị hàng hoá lớn, làm tăng giá trị ngày công của nông dân. Gía trị lớn với số lượng sản phẩm nhỏ thì rất có ý nghĩa trong vấn đề vận chuyển và bảo quản. Một cây vanilla có thể cho khoảng 2 – 3kg quả và 1kg có thể bán được từ 180 – 200USD. Trước mắt, nếu có sản phẩm, nhóm chuyên gia của Trường ĐH Kyoto sẵn sàng bán giúp và việc đóng gói vận chuyển sang Nhật là một điều dễ dàng.

Triển vọng thứ hai là nếu thành công, sản phẩm này sẽ làm đa dạng nguồn thu của người dân địa phương ở vùng núi Thừa Thiên Huế. Bởi vì, hiện nay, ngoài lúa, sắn những cây nông nghiệp ngắn ngày, có giá trị kinh tế thấp chỉ có thể giúp người nông dân sống qua ngày.

Để giúp đỡ người nông dân ở vùng núi khó khăn hiện nay, nhóm nghiên cứu dự án “Nâng cao năng lực thích ứng cộng đồng để đối phó với thảm họa tự nhiên ở Miền Trung Việt Nam" đã triển khai nhiều hoạt động khác như hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thỏ, dê, gà, lợn, trâu bò, trồng lúa, trồng màu, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, phòng chống thảm họa và phục hồi, phát triển nghề dệt dzèng đã bị lãng quên lâu nay. Việc trồng cây vanilla này là một yếu tố để xem xét, tạo ra đa dạng nguồn thu nhập cho nông dân.

Đây là một loại cây lâu năm nên khi biết kết hợp nông - lâm thì sẽ rất tốt cho môi trường. Tuy nhiên, ở vùng Hồng Hạ, độ cao 150 – 200m so với mực nước biển là chưa cao lắm. Nếu đưa lên trồng ở vùng A Lưới với độ cao 500 – 600m thì cây có thể phù hợp hơn vì nhiệt độ phần nào giống cao nguyên. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các bước tiếp theo ở vùng núi Thừa Thiên Huế và nếu thích hợp thì việc nhân rộng không phải là vấn đề lớn.

Tuy nhiên còn 2-3 năm phía trước, nên chưa có thể đi đến kết luận nhưng dẫu sao đây cũng là một ý tưởng rất cần được thử nghiệm.

PV: Xin chân thành cảm ơn Thầy. Hy vọng đây sẽ là một công trình đem lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế cũng như môi trường như mục tiêu của dự án.

Ái Hữu thực hiện
 

</body>
Liên kết
×