English | Français   rss
Liên kết
“Chợ Khoa học công nghệ ảo” - Nơi gặp gỡ của ba nhà: Nhà Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà quản lý (01-11-2007 09:59)
Góp ý
Nói đến “Chợ”, ta hiểu ngay đó là nơi mua bán hàng hoá. “Chợ khoa học công nghệ” cũng sẽ như tên gọi của nó, nơi mua bán các sản phẩm khoa học công nghệ. Với tư cách là những “người mua hàng”, các Doanh nghiệp tham gia vào “Chợ” để tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khoa học công nghệ phục vụ cho sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Thông qua “Ban quản lý chợ” các doanh nghiệp có thể đề xuất các yêu cầu cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ (KHCN), hỗ trợ, tư vấn khoa học, tiến hành các thương thảo trực tiếp với các nhà khoa học. Bản tin ĐHH đã có cuộc trao đổi với ThS. Võ Xuân Ninh, Phó Trưởng Ban KHCN, tác giả của ý tưởng này để hiểu thêm về “E-techmart”.
<body>

PV: Thưa Thầy, khái niệm “Chợ khoa học công nghệ ảo” có thể là còn mới mẻ đối với độc giả. Xin Thầy có thể giới thiệu một đôi nét về tên gọi này? Ý tưởng xây dựng “Chợ khoa học công nghệ ảo” xuất phát từ đâu?

Hiểu theo nghĩa thông thường thì chợ là nơi trao đổi, mua bán hàng hoá, có người mua kẻ bán. Ngày nay, ứng dụng CNTT vào cuộc sống, con người có thể ngồi ở nhà và chỉ cần kích chuột thì đã mua được hàng hoá. Mọi người chắc hẳn cũng đã quen thuộc hoặc đã biết đến các trang web bán hàng trên thế giới, www.ebay.com là một ví dụ. “Chợ khoa học công nghệ ảo” sẽ là nơi trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ của các nhà khoa học Đại học Huế. Sản phẩm của Chợ không phải là thứ “xài được ngay” như các trang web thương mại khác. Sản phẩm được trưng bày ở Chợ là các kết quả nghiên cứu, các đề tài KHCN cấp Bộ của các nhà khoa học của Đại học Huế. Đó là các quy trình công nghệ, các sản phẩm khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau. Trong tương lai, Chợ sẽ kết nối với các CSDL khác để tạo nên một thư viện hỗ trợ cho công tác nghiên cứu của cán bộ và sinh viên.

Thực tế là hiện nay, Đại học Huế không nắm hết được nhu cầu của doanh nghiệp nên có tình trạng giữa doanh nghiệp và nhà khoa học chưa gặp nhau. Khi có nhu cầu, doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế lại tìm đến các thị trường khác như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đặt hàng trong khi đội ngũ khoa học ở Đại học Huế hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu đó. Trang thiết bị của Đại học Huế khá hiện đại, đủ sức đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu trên địa bàn, nhưng CSVC kỹ thuật  này cũng chưa được giới thiệu rộng rãi cho các đối tượng có nhu cầu. Chợ còn là nơi giới thiệu năng lực KHCN của Đại học Huế.

          Hiện nay, Nhà nước và Bộ Giáo dục Đào tạo đã có những chính sách cụ thể, những định hướng cho KHCN, khuyến khích việc xây dựng mô hình liên kết nhà khoa học, nhà quản lý với doanh nghiệp, gắn kết nghiên cứu khoa học với phục vụ sản xuất.

“Chợ khoa học công nghệ ảo” được xây dựng dựa trên những cơ sở đó và nhằm các mục tiêu sau:

-         Nâng cao chất lượng hiệu quả của các nguồn đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật.

-         Khai thác có hiệu quả các phòng thí nghiệm mà nhà nước đầu tư.

-         Tạo cơ chế thông thoáng để liên kết Nhà doanh nghiệp với Nhà khoa học.

-         Tìm đầu vào cho các chương trình dự án. Điều đó cũng có nghĩa là tìm được đầu ra cho sản phẩm.

-         Chợ cũng là một mô hình tìm kiếm giải pháp công nghệ thông tin để phục vụ cho KHCN.

PV: Xin Thầy có thể giới thiệu một vài chức năng chính của “Chợ”? Quy trình để một “người bán hàng” – có thể có được một gian hàng ở trên “chợ” và quy trình mua hàng dành cho khách hàng ?

“Chợ khoa học công nghệ ảo” có các gian hàng về các lĩnh vực khác nhau như: khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn, nông lâm, y dược... của các cá nhân Nhà khoa học hay của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu (các trường thành viên, các Trung tâm nghiên cứu) để giới thiệu năng lực khoa học và các sản phẩm của mình.

Có 3 đối tượng chính tham gia vào Chợ:

-         Các trường thành viên, các Trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các nhà khoa học. Họ tham gia với vai trò là người chủ gian hàng, là người chào hàng. Tại các gian hàng của mình họ có thể giới thiệu một cách đầy đủ nhất các thành tựu, kết quả nghiên cứu, các sản phẩm khoa học công nghệ dưới dạng tài liệu, hình ảnh, video...

-         Các doanh nghiệp, địa phương, tổ chức có nhu cầu tham gia với vai trò là “người mua hàng” tìm kiếm các sản phẩm khoa học đáp ứng được những nhu cầu của mình. Ở đây các doanh nghiệp có thể đề xuất các nhu cầu của mình, có thể tiến hành thương thảo với các nhà khoa học, các đơn vị, có thể đặt ra các yêu cầu, thắc mắc, đề nghị tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ KHCN... Hệ thống thiết lập những kênh giao tiếp giữa người mua và người bán được đảm bảo tính bảo mật ở mức cần thiết.

-         Các nhà quản lý: với tư cách là  người “quản lý chợ”, đưa ra những quy định, điều lệ mà các đối tượng tham gia chợ phải tuân thủ. Hệ thống cho phép người quản lý chợ thực hiện các chức năng như: quản lý thông tin thành viên, quản lý các giao dịch trên chợ, quản lý các banner quảng cáo, quản lý sản phẩm và hồ sơ năng lực của thành viên hệ thống. Người quản lý chợ là đội ngũ có nghiệp vụ bảo mật về CNTT và nghiệp vụ xác nhận khách hàng đầy đủ tư cách pháp nhân để cho trở thành thành viên của hệ thống.

Quy trình giao dịch tại “Chợ khoa học công nghệ ảo” sẽ được kết thúc bằng một đơn đặt hàng của doanh nghiệp cho nhà khoa học. Ngoài ra, các giao dịch, tư vấn giữa doanh nghiệp và nhà khoa học sẽ được thực hiện độc lập, người quản trị không can thiệp.

Sinh viên, cán bộ giáo viên có thể vào đây để xem các kết quả nghiên cứu, tìm kiếm thông tin các sản phẩm, hồ sơ năng lực của các thành viên của hệ thông.

PV: Tham gia “chợ khoa học công nghệ ảo” thì người bán và người mua sẽ được những lợi gì so với hình thức truyền thống?

Theo hình thức truyền thống thì khi cần tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, ĐHH thành lập những đoàn thực hiện việc điều tra trên phiếu điều tra. Như vậy là rất lãng phí về thời gian và giấy tờ cho các cuộc gặp gỡ, họp hành trao đổi. Nhưng kết quả cho được có đúng hay không, doanh nghiệp đó có nhu cầu thực sự hay không thì cũng chưa nắm được. Với hệ thống chợ này, doanh nghiệp có thể chủ động thể hiện nhu cầu thực sự của mình, và cả nhà khoa học cũng vậy, họ chủ động quảng bá năng lực bản thân. Có vậy, nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ dễ dàng gặp nhau.

Tương lai, “Chợ khoa học công nghệ ảo” sẽ có sự liên thông với các chợ trong các trường đại học trong nước. Như vậy, phạm vi quảng bá sản phẩm sẽ được mở rộng, đồng thời có thể giao lưu, trao đổi thông tin khoa học công nghệ với nhiều trường đại học trong cả nước. Những nhu cầu nào của doanh nghiệp mà Đại học Huế chưa đáp ứng được thì doanh nghiệp sẽ liên hệ tìm kiếm thông tin từ các chợ khác và ngược lại, khách hàng trong cả nước hoàn toàn có thể đặt hàng, gởi những yêu cầu tư vấn đến nhà khoa học của Đại học Huế một cách dễ dàng và thuân tiện.

PV: Hiện nay, “Ban quản lý chợ” đã có kế hoạch gì cho việc đầu tư “hàng hoá”  và thu hút khách hàng?

Linh hồn của chợ là sự tấp nập người bán và người mua. Hiện nay, nếu tính trong Đại học Huế thì “người bán” rất đông, sản phẩm rất phong phú. Vấn đề còn lại là vận động họ tham gia vào chợ. Đại học Huế, các trường, các Trung tâm nghiên cứu sẽ có những giới thiệu hồ sơ năng lực, kể cả năng lực đào tạo. Đại học Huế sẽ vận động, giới thiệu, quảng bá để thấy ích lợi của chợ, mời các nhà khoa học tham gia vào chợ, đăng ký năng lực, tự chào bán sản phẩm của họ. Đại học Huế sẽ kết hợp với Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật TTH, Hội doanh nghiệp và Hội doanh nghiệp Trẻ Thừa Thiên Huế trong việc giới thiệu, quảng bá “Chợ khoa học công nghê”.  

PV: Bao giờ có thể khai trương “Chợ” để đi vào hoạt động?

Cuối tháng 10 có thể cơ bản hoàn thành các chức năng chính và đi vào hoạt động bước đầu tiên. Tiếp theo đó sẽ là giai đoạn hoàn thiện, mở rộng nâng cấp, vì qua quá trình sử dụng, sẽ tìm ra những khiếm khuyết và sẽ hoàn chỉnh trong phiên bản 2.

PV: Xin chân thành cảm ơn Thầy và chúc cho ý tưởng “Chợ khoa học công nghệ” được thực hiện thành công.

 

Ái Hữu thực hiện

</body>
Các tin đã đăng
Liên kết
×