English | Français   rss
Liên kết
Vườn âm nhạc Trịnh Công Sơn (24-06-2013 03:15)
Góp ý

Tác phẩm "Vườn âm nhạc Trịnh Công Sơn" của Nhóm sinh viên lớp Kiến trúc khoá 34-B, Khoa Kiến trúc Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế đã đoạt đồng giải Nhì, giải cao nhất của Cuộc thi Kiến trúc Quy hoạch với chủ đề “Ý tưởng sáng tạo vì Huế - Thành phố di sản, sinh thái và hiện đại” do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Thừa Thiên Huế, Hội Kiến trúc sư Thừa Thiên Huế, UBND thành phố Huế và Khoa Kiến trúc Đại học Khoa học Huế tổ chức.

 

Lúc sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những người bạn yêu nhạc của ông đã ấp ủ xây dựng "Nhà nguyện tình yêu" với thông điệp: Nơi thề hẹn, nơi làm chứng, nơi gửi lại ngàn sau từng thời khắc rung động của cõi tình... Yêu nói không nên lời nhưng có cỏ, có hoa, có lời ca tiếng hát, có gió mát, trăng trong, có tia nắng vô tư là người làm chứng...Không tuyên ngôn, không ồn ào quảng cáo. Những gì có được ở nơi đây mới chỉ là phần khởi đầu của một khúc nguyện cầu. Một công trình dang dở, như dòng nhạc đã được khơi lên và những người đi sau tự chép thêm phần nhạc của mình trong bản tình ca bất tận cõi nhân sinh. Năm 2000, lần cuối cùng Trịnh Công Sơn về Huế, ông đã nói lên mơ ước thiết lập ngôi nhà ấy...

Bắt đầu từ chính ước nguyện của nhạc sĩ họ Trịnh, 4 chàng trai trẻ sinh viên Khoa Kiến trúc- Đại học Khoa học - Đại học Huế là Nguyễn Sinh Hòa, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Đình Phương, Huỳnh Minh Tân đã tìm được ý tưởng và cùng nhau phác thảo nên  đồ án  “Vườn âm nhạc Trịnh Công Sơn”.  Ước mong của những người làm đề tài là cải tạo khu công viên đầu đường Trịnh Công Sơn bên cạnh dòng sông Hương và các địa danh nổi tiếng của Huế như chợ Đông Ba, cầu Gia Hội, Cồn Hến... trở thành một khu vườn âm nhạc đậm nét Trịnh Công Sơn. Để nơi đây là quán hội ngộ giữa người thưởng thức và nghệ sỹ âm nhạc, là nơi gặp gỡ giao lưu diễn tập của các nhóm nhạc ... là nơi khơi nguồn cho những sáng tác, là nơi tổ chức các sự kiện âm nhạc ngoài trời phục vụ người dân và khách du lịch, là nơi trở về với cội nguồn với dòng sông Mẹ, nơi để mọi người tìm lại chính mình trong cõi nhân sinh, nơi hẹn thề của đôi lứa và là nơi để tận hưởng sự ngọt ngào, sâu lắng khi nghe một bản nhạc Trịnh. 

Sinh viên Nguyễn Đình Phương cho biết: “Ban đầu nhóm em định làm đề tài về cải tạo Đập Đá nhưng khi đến Đập Đá thực tế nhìn sang khu công viên đang xây dựng gần đường Trịnh Công Sơn thì một người trong nhóm đã nẩy ra ý tưởng làm một cái gì đó để tạo điểm nhấn cho con đường này...

Giải pháp Quy hoạch tổng thể của đồ án kiến trúc “Vườn âm nhạc Trịnh Công Sơn” gồm ba khu chức năng chính: Khu sân khấu biểu diễn ngoài trời; Khu giao lưu âm nhạc; Khu vườn âm nhạc Trịnh Công Sơn cùng với Nhà nguyện tình yêu; hệ thống giao thông theo hình xoắn ốc để cảm nhận không gian tốt hơn.Giải pháp kiến trúc bao gồm khu sân khấu biểu diễn ngoài trời: Nâng cốt mặt bằng tạo độ dốc chia bậc thang theo độ dốc làm ghế ngồi. Vườn âm nhạc Trịnh Công Sơn: trồng cây xanh theo chủ đề, sử dụng các giải pháp về âm thanh (chuông gió, hệ thống khuếch tán âm, hệ thống cộng hưởng âm), giao thông theo tuyến cong, nâng cốt mặt bằng tạo nhịp điệu âm nhạc. Khu tổ chức giao lưu âm nhạc: giữ nguyên chòi nghỉ như hiện trạng và Nhà nguyện tình yêu được xây dựng trên hai hòn đảo nhỏ cách bờ sông khoảng 20m. Đồ án cũng đưa ra giải pháp kết cấu và vật liệu là sử dụng các vật liệu truyền thống rẻ tiền như tre, các bình gốm đất, đá tự nhiên, hệ thống giàn không gian bằng thép, tre...

Sinh viên Nguyễn Sinh Hòa cho biết thêm về tác phẩm của mình: “Theo kế hoạch, công viên này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011 với các hạng mục như: khu nhà lục giác (nơi trưng bày hiện vật và tổ chức các hoạt động tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), nhưng đã tới năm 2013 công viên vẫn là bãi đất trống với hai ngôi nhà lục giác trống trải.Và nơi đây bị người dân chiếm dụng để kinh doanh buôn bán nhậu nhẹt làm mất đi sự yên tĩnh và tính chất văn hóa của con đường mang tên người nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn. Chúng tôi muốn nâng tầm của con đường mang tên ông và quan trọng hơn biến công viên này thành một điểm đến du lịch văn hóa cho tất cả những ai yêu mến nhạc Trịnh...”. 

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ- Kiến trúc sư Trần Đình Hiếu – Phó trưởng Khoa Kiến trúc- Đại học Khoa học Huế nhận xét: “Đồ án của các em là rất thiết thực đối với một thành phố văn hóa du lịch như Huế. Hơn nữa, trên thành phố quê hương của chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến nay vẫn chưa có một công trình kiến trúc nào để tưởng nhớ và vinh danh ông. Nếu đồ án “ Vườn âm nhạc Trịnh Công Sơn” được thực thi ở một địa điểm lý tưởng như thế sẽ rất được nhiều người dân Huế cũng như những ai yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn đồng tình...

Trịnh Công Sơn đã gắn bó tâm hồn mình với Huế, nơi đây đã lưu giữ kí ức tuổi thơ, mối tình trong sáng  tuổi mới lớn của người nhạc sĩ thiên tài. Trong từng nốt nhạc, ca từ của ông luôn thể hiện một sự mượt mà, sang trọng, sâu lắng rất riêng biệt và rất Huế. Một khu vườn âm nhạc Trịnh Công Sơn trên chính quê hương của ông sẽ mang lại diện mạo mới cho con đường này và mang nhiều ý nghĩa  văn hóa cho Huế...

Cuộc thi Kiến trúc Quy hoạch với chủ đề “Ý tưởng sáng tạo vì Huế - Thành phố di sản, sinh thái và hiện đại”nhằm tăng cường nhận thức về trách nhiệm đối với đô thị Huế ; khuyến khích sự quan tâm, phát huy tính sáng tạo và hơn hết là tình yêu nghề và tăng thêm khả năng hoạt động thực tiễn trong sinh viên kiến trúc và kiến trúc sư trẻ. Các bài dự thi đã đưa ra những ý tưởng, sáng kiến, sáng tạo thiết thực, góp phần bảo tồn và tôn tạo di sản, xây dựng thành phố sinh thái và hiện đại. Với 3 tiêu chí: Thiết thực, Sáng tạo, Khả thi... 

Phi Tân (Theo TRT)

Liên kết
×