English | Français   rss
Liên kết
Chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ về các vấn đề quốc tế - Cách tiếp cận liên ngành (22-05-2020 07:46)
Góp ý

Năm 2020, Đại học Huế tuyển sinh các ngành liên quan đến mục tiêu trang bị cho sinh viên có đầy đủ kiến thức và kỹ năng trong bối cảnh ngày càng gia tăng các mối quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa trên bình diện quốc tế. Bên cạnh các ngành đã có như Quốc tế học (Trường ĐH Ngoại ngữ), Đông phương học (Trường ĐH Khoa học), Đại học Huế mở thêm các ngành: Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế.

 

Quốc tế học – trọng tâm nghiên cứu là các vấn đề toàn cầu

 

Có thể hình dung, Quốc tế học (hay còn gọi là Nghiên cứu quốc tế/ tiếng Anh là International Studies) là những lĩnh vực nghiên cứu liên ngành có khuynh hướng dựa trên các ngành khoa học xã hội (khoa học chính trị, kinh tế học, xã hội học, luật học và truyền thông) và nhân văn (lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ). Trọng tâm của nghiên cứu quốc tế là các vấn đề toàn cầu trong quá khứ và hiện tại bao gồm vấn đề hoà bình và xung đột giữa các quốc gia, kinh tế chính trị quốc tế và phát triển, so sánh các hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị, nghiên cứu các tổ chức và các vấn đề quốc tế và xuyên quốc gia (theo Phạm Quang Minh, Trường ĐHKHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội).

 

Giảng viên và sinh viên Khoa Quốc tế học - Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Huế

 

Tại Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Huế, ngành Quốc tế học được ra đời từ năm 2006 với đội ngũ giảng viên được đào tạo từ nước ngoài như Hoa Kỳ, Anh, Úc, cung cấp cho sinh viên hệ thống kiến thức cơ bản và hệ thống về khoa học xã hội nhân văn, về Quốc tế học và chuyên ngành; sinh viên có thể vận dụng vào nghiên cứu những quốc gia, khu vực châu Âu, châu Mỹ và những vấn đề quốc tế.

 

Đông phương học – nghiên cứu xã hội phương Đông truyền thống và hiện đại

 

Nếu trọng tâm của Quốc tế học là các vấn đề toàn cầu và xuyên quốc gia thì Đông phương học tập trung cung cấp cho sinh viên có kỹ năng phân tích, tổng hợp và đánh giá vấn đề thuộc về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng... của xã hội phương Đông truyền thống và hiện đại, trong cách nhìn đối sánh với các khu vực phát triển của thế giới như Tây Âu, Bắc Mỹ... cũng như ngay trong khu vực phương Đông giữa Đông Nam Á với Đông Bắc Á, đặc biệt là giữa Việt Nam với Đông Á ...

 

Được mở ngành đào tạo vào năm 2007, ngành Đông phương học, Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế chính thức ra đời, khởi đầu cho sự nghiệp đào tạo của một ngành học mới ở miền Trung. Tại ngành Đông phương học, sinh viên sẽ được học các khối kiến thức chuyên ngành: Đông Nam Á học, Nhật bản học, Trung Quốc học, Hàn Quốc học. Với việc mở ra các chuyên ngành mới, người học được cung cấp những kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa, chính trị, đối ngoại, tôn giáo….của các nước ở khu vực phương Đông, đồng thời được đào tạo thêm các ngôn ngữ tương ứng (Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Hàn và Tiếng Nhật).

 

Quan hệ quốc tế - đi sâu nghiên cứu về các mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới

 

Nếu như Quốc tế học cung cấp cho người học một cái nhìn tổng quan, hướng đến đào tạo các nhà nghiên cứu quốc tế thì Quan hệ quốc tế (International Relations) hướng đến đào tạo cán bộ nghiệp vụ ngoại giao, đi sâu vào các khía cạnh của các vấn đề toàn cầu giữa các nước thông qua hệ thống quốc tế, bao gồm các quốc gia, tổ chức đa chính phủ (IGO), tổ chức phi chính phủ (NGO) và các công ty đa quốc gia (MNC). Bên cạnh đó, quan hệ quốc tế còn quan tâm đến những lĩnh vực khác nhau như kinh tế, lịch sử, luật, triết học,… Ngành Quan hệ Quốc tế liên quan đến những vấn đề đa dạng như toàn cầu hóa và những tác động đến xã hội và chủ quyền của các quốc gia, bảo vệ sinh thái, tăng trưởng hạt nhân, chủ nghĩa dân tộc, phát triển kinh tế và nhân quyền.

 

Sinh viên theo học ngành Quan hệ Quốc tế sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về lịch sử - chính trị thế giới hiện đại; kiến thức về khoa học chính trị; những lý thuyết, trường phái cơ bản trong quan hệ quốc tế; kiến thức cơ bản về luật quốc tế; nắm vững chính sách đối ngoại của Việt Nam; hiểu biết về chính sách đối ngoại các nước lớn trên thế giới; kiến thức nền tảng về văn hóa-tôn giáo thế giới; kiến thức cơ bản về tổ chức và hoạt động của các tổ chức quốc tế. 

 

Là một ngành mới mở tại Khoa Quốc tế - Đại học Huế, sinh viên sẽ được thụ hưởng cơ sở vật chất khang trang hiện đại; đội ngũ giảng viên cơ hữu có kinh nghiệm từ các trường thành viên của Đại học Huế (Khoa học, Kinh tế, Luật, Ngoại ngữ…) ở đầy đủ các chuyên ngành như: Lịch sử, luật quốc tế, báo chí truyền thông, kinh tế quốc tế, …). Ngoài ra, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng được mời từ các trường đại học hàng đầu như ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu Châu Á…

 

Kinh tế quốc tế - giải quyết tốt các vấn đề có liên quan đến hoạt động kinh tế quốc tế

 

Trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.

 

Các chính sách và hành động tích cực của Việt Nam trong quá trình tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế đã gặt hái nhiều kết quả và thành công. Hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng hấp dẫn thông qua số lượng nước và vùng lãnh thổ tham gia.   Những nguồn vốn đầu tư này đã góp phần mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng quan hệ đối tác, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa; nâng cao trình độ khoa học công nghệ; tạo công ăn việc làm và từng bước góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

 

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có vấn đề về bộ máy quản lý kinh tế, nguồn nhân lực có chất lượng cao về kinh tế quốc tế và năng lực thực thi cho các bộ phận cũng như toàn bộ nền kinh tế. Điều này hàm ý, Việt Nam cần phải tiếp tục xây dựng một bộ máy quản lý có hiệu quả, đào tạo và cung ứng một số lượng lớn nguồn lực có chuyên môn sâu để giải quyết tốt các vấn đề có liên quan đến hoạt động kinh tế quốc tế.

 

Tại Trường ĐH Kinh tế, Đại học Huế, để đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, chương trình Kinh tế quốc tế  được xây dựng bởi đội ngũ cán bộ giảng viên đầy đủ kinh nghiệm trên cơ sở những thành công từ hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các tổ chức trên thế giới.

 

 

 

Về cơ hội việc làm, tất cả các ngành đào tạo trên đều có thể giúp người học có được việc làm ở cơ quan quốc tế. Các chương trình giúp người học có cơ hội tiếp xúc với các hoạt động mang tính quốc tế: như trở thành những nhà ngoại giao làm việc cho Chính phủ, hoặc làm công tác quan hệ quốc tế trong các tập đoàn kinh tế, dịch vụ, văn hóa và du lịch, lữ hành quốc tế, khách sạn; nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề về quốc tế tại các trường đại học, các viện, các cơ quan ngoại giao ở trung ương và địa phương; nghiên cứu các vấn đề quốc tế và làm công tác đối ngoại tại các cơ quan an ninh, quốc phòng, truyền thông, ngoại vụ; làm việc trong các cơ quan đại diện của người Việt Nam và người nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

 

Tuy nhiên, trên hết vẫn là nỗ lực của sinh viên trong quá trình học, phải có đam mê và biết hoạt động tích cực, tiếp xúc nhiều, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, người học sẽ nắm bắt được cơ hội và lựa chọn được công việc mình thích. 

 

Đại học Huế là một Đại học vùng, với lợi thế sở hữu đội ngũ cán bộ, giảng viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ các cơ sở đào tạo thành viên : Luật, Khoa học, Ngoại ngữ, Kinh tế. Việc mở các ngành mới đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực  có đủ kiến thức và trình độ để hội nhập quốc tế là điều cần thiết, trên cơ sở kế thừa, phát huy, bỗ trợ cho nhau về mặt nội dung chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, giáo trình, đội ngũ giảng viên.

 

AH

Liên kết
×