English | Français   rss
Liên kết
"Tin tưởng vào một tương lai khoa học xán lạn của sinh viên Huế..." (24-07-2008 10:01)
Góp ý
Như tin đã đưa, ngày 22 tháng 7 Giáo sư Jerome Isaac Friedman, người đạt giải Nobel về Vật Lý năm 1990 đã đến thăm và làm việc tại Đại Học Huế. Sau khi viếng thăm một số danh lam thắng cảnh của Huế và thăm làng SOS Thủy Xuân, đoàn đã tham dự buổi tiệc chiêu đãi của Đại Học Huế dành cho đoàn tại Khách Sạn Hương Giang. Vào buổi chiều, GS Friedman và đoàn đã có cuộc gặp mặt thân mật với Ban Giám Đốc Đại Học Huế. Tại cuộc họp này, PGSTS Nguyễn Văn Toàn đã giới thiệu về Đại Học Huế, và bày tỏ niềm vinh hạnh của toàn thể cán bộ công chức và sinh viên Đại Học Huế được đón tiếp GS. GS cũng bày tỏ sự vui mừng được đến thăm và làm việc tại ĐHH, đặc biệt là có cơ hội phát biểu và chia sẻ niềm say mê khoa học với cán bộ và sinh viên, cũng như những ai có quan tâm, về kinh nghiệm và các yếu tố quyết định đã dẫn GS đến việc đạt giải Nobel danh giá.
<body>

Buổi thuyết trình của GS Friedman đã trở thành một sự kiện sinh hoạt học thuật đặc biệt được toàn thể Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng ban, cùng đông đảo cán bộ nghiên cứu, giáo viên, sinh viên và học sinh tham gia. Hội trường với hơn 250 chỗ ngồi đã chật cứng, Các tài liêu phục vụ cả tiếng Anh và tiếng Việt đã được phát hết (nhiều bạn trẻ còn đăng ký xin thêm tài liệu). Buổi thuyết trình được chuẩn bị chu đáo và bắt đầu bằng sự giới thiệu trân trọng dành cho GS. Cả hội trường đều đứng dậy vỗ tay chào đón GS. Trong bài phát biểu gần 2 tiếng đồng hồ, GS bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Việt Nam, rằng “Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới” và nhắn nhủ với sinh viên rằng, “để duy trì tiến độ này, Việt Nam sẽ cần phải tiếp tục phát triển khoa học và kỹ thuật”. Sinh viên sẽ đóng vai trò “giúp đỡ việc hình thành tương lai của đất nước” và là người “có tiềm năng để hoàn thành các sứ mệnh vĩ đại.” GS đã chia sẻ những thông tin về cuộc đời của mình, về tuổi thơ gian khó và ý chí phấn đấu trên con đường khoa học. Bằng những ví von sinh động, GS đã biến những khái niệm chuyên ngành thành những bài học về sự kiện khoa học, về thái độ nghiên cứu, cùng các thành tựu khoa học đầy thuyết phục. Như một sinh viên đã phát biểu, đây là một cơ hội ngàn năm có một cho em để được học hỏi từ nhà khoa học nổi tiếng, với những bài học có giá trị vô giá trong cuộc sống và sự nghiệp. Một trong những bài học đáng nhớ nhất là, “Hãy sẵn sàng đối mặt với thất bại”, và phải “Có ước mơ và làm việc chăm chỉ thì những nguyện vọng cao xa nhất của bạn có thể thành hiện thực”. GS đã khuyên SV, “hãy chọn một nghề mà bạn thực sự yêu thích, vì khi có một niềm hứng thú và say mê đối với một lĩnh vực, bạn sẽ cam kết nỗ lực đạt được một điều gì quan trọng”. Bạn sẽ “có đủ lòng can đảm và niềm tin vào những gì bạn lựa chọn”. Ông cũng nhấn mạnh, “Khoa học và công nghệ phải được xã hội sử dụng một cách khôn ngoan và đầy tính nhân văn”. Theo như lời Victor Weisskopf thì “Xã hội dựa trên hai trụ cột, tri thức và tình thương, tình thương mà không có tri thức thì vô ích, tri thức mà không có tình thương là vô nhân đạo.” Bài nói của ông đã kết thúc bằng thông điệp, “Hãy làm tất cả những gì có thể để hoàn thiện khả năng của bạn; thành quả và tương lai của bạn có thể vượt xa những gì bạn mơ ước”, để có thể “đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước của các bạn và cho thế giới”.

Sau bài nói chuyện của GS, toàn thể hội trường lại vang dội những tràng pháo tay hoan nghênh. GS tiếp tục phần câu hỏi và trả lời dành cho khán giả. Trái với suy nghĩ thông thường của mọi người, rằng sinh viên và học sinh Huế thiếu tự tin và rụt rè, thì hội trường lại sôi động với nhiều cánh tay đưa lên và nhiều câu hỏi rất thú vị được đặt ra, bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Có nhiều câu hỏi đã đưa lại những tiếng cười sảng khoái (làm bầu không khí khoa học trang nghiêm nhưng lại thoải mái và cởi mở). Câu hỏi “Vì sao lại đặt tên cho hạt cơ bản là hạt quark?”, GS cho biết tên này được dùng một cách ngẫu nhiên, như là một quarter (1/4) bia, hay có thể bắt đầu từ một anh chàng say rượu buồn cười trong một cuốn tiểu thuyết của James Joyce. Một em học sinh tiếp tục đặt câu hỏi, “Điều gì đã khiến GS kiên trì theo đuổi nghiên cứu hạt quark trong khi cộng đồng các nhà khoa học tỏ vẻ hoài nghi và phủ nhận công trình đó?”. GS cho biết rằng, không có gì ràng buộc ông cả. Là một nhà khoa học, ông luôn tận dụng mọi khả năng có thể để tiến hành tìm kiếm cái chưa biết, cho dù chưa xác định là mình đang tìm kiếm cái gì. Với một nhà khoa học chân chính, nếu đã xác định sẽ bắt tay vào việc và tin tưởng vào công việc mình yêu thích, thì sẽ quyết chí theo đuổi đến cùng, cho dù có những ý kiến trái ngược, và cũng chưa biết được là nghiên cứu của mình sẽ đưa mình đến đâu. Nói tóm lại, đó là sức mạnh của tính tò mò và sự nung nấu muốn khám phá, sẽ dẫn đến những phát kiến mới. Một em khác thắc mắc, “Thưa GS, vậy hạt quark là rất nhỏ, nhưng có cái gì nhỏ hơn hạt quark nữa hay không?” GS và cả hội trường đều cười cho rằng đó là một câu hỏi cực kỳ thông minh và nhạy bén. Có thể đó sẽ là một tiền đề cho một công trình nghiên cứu dẫn đến một giải Nobel vật lý trong tương lai!

Nhiều sinh viên và học sinh còn đưa ra nhiều câu hỏi rất hay. Chính điều này càng khẳng định sự thành công của buổi thuyết trình của GS. Điều đó chứng tỏ rằng thính giả đã theo dõi một cách chăm chú, và nắm bắt được những thông tin cũng như những kiến thức khoa học GS muốn truyền đạt trong thời gian ít ỏi của mình. Điều đó cũng chứng tỏ rằng giới trẻ có một niềm say mê nghiêm túc đối với khoa học, một ý chí vươn lên trong tri thức, cùng với sự mạnh dạn và tự tin phát biểu ý kiến của mình trong một môi trường học thuật cao cấp. Nhiều GS nổi tiếng trong ngành đã cho biết rằng, họ cũng có nhiều câu hỏi, ý kiến trao đổi với GS nhưng họ đã nhường lời cho giới trẻ, vì đây là một cơ hội cọ xát rất hiếm có cho các em. Đây sẽ là một điểm mốc trong con đường tiến tới đỉnh cao của sự khám phá khoa học, mà với tư cách là những người thầy, họ thật sự vui mừng trước thái độ nghiêm túc, say mê, và hăm hở đó. Trong lời phát biểu cám ơn thay mặt Đại học Huế, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn cũng đã khẳng định rằng buổi thuyết trình của GS đã thành công ngoài mong đợi, đã cho phép chúng ta khẳng định được niềm tin vào trí tuệ và khả năng khoa học của giới trẻ. Cũng cho phép cho chúng ta có quyền mơ ước rằng trong tương lai, giới trẻ Việt Nam sẽ có thể mang về một giải Nobel cho tổ quốc! Các em sinh viên cũng đã gửi tặng GS những đóa hoa tươi thắm bày tỏ lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ và sự đánh giá cao bài phát biểu, cũng như con người, sự nghiêp, và các bài học vô giá mà GS đã truyền đạt lại cho thế hệ tương lai.

Buổi nói chuyện kết thúc khi toàn thể hội trường lại đứng dậy vỗ tay đưa tiễn GS và đoàn ra về. Nhiều cán bộ vẫn còn nán lại để chia sẻ cảm nghĩ của mình đối với những tư tưởng của GS, và để chúc mừng ban tổ chức cùng công tác biên phiên dịch cho sự kiện quan trọng này. Nhiều SV đã đứng đợi để được bắt tay và nói chuyện với GS. Nhiều báo đài đã đến để đưa tin và phỏng vấn trực tiếp GS. GS Friedman cho biết ông cực kỳ hài lòng về chuyến viếng thăm ĐHH lần này, cám ơn ĐHH về sự tiếp đón long trọng nhưng thân mật và đầy lòng hiếu khách, về phong cách làm việc chuyên nghiệp và đầy hiệu quả của nhà trường. Đặc biệt là GS rất có ấn tượng về những câu hỏi thông minh, đầy suy nghĩ, sáng tạo và bất ngờ của cử tọa trẻ tuổi. Ông cho biết ông rất tin tưởng vào một tương lai khoa học xán lạn của học sinh sinh viên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung. Ông bày tỏ sự hy vọng sẽ trở lại thăm ĐHH để có dịp nghiên cứu và trực tiếp giảng dạy tại Đại Học Huế.

TS Dương Thị Hoàng Oanh, Ban Hợp Tác Quốc Tế, Đại Học Huế
 

"Phát triển khoa học là đầu tư cho tương lai của đất nước"

Bước ra từ hội trường Đại học Huế, Giáo sư Jerome Isaac Friedman, người đoạt giải Nobel về Vật lý năm 1990 và là khách mời danh dự của IPhO 2008 đã để lại cho cán bộ và sinh viên Đại học Huế nhiều tình cảm và sự lưu luyến. Ông đã dành cho phóng viên Bản tin Đại học Huế một cuộc phỏng vấn nhỏ.

PV: Sau giải Nobel ông đã và sẽ làm gì? Đích đến của ông là gì?

GS J.I. Friedman: Tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, dùng giải nobel để phát triển khoa học giáo dục. Giải nobel giúp mở ra cánh cửa giúp cho khoa học giáo dục phát triển.

PV: Là người đi trước ông có những kinh nghiệm gì để giúp những nước như Việt Nam có cơ hội phát triển khoa học giáo dục?

GS J.I. Friedman: Để cho đất nước phát triển thì phải phát triển khoa học giáo dục, bởi vì khoa học giáo dục có thể đưa đất nước ra khỏi thời kỳ khó khăn. Tôi cho rằng phát triển khoa học giáo dục không phải là một mục chi tiêu mà đó là sự đầu tư cho tương lai của đất nước. Vì vậy, các nhà lãnh đạo phải quan tâm đúng mức tới khoa học và giáo dục. Chúng tôi tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam coi việc phát triển khoa học và công nghệ cũng quan trọng như sự phát triển kinh tế. Khoa học và công nghệ sẽ hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế. Tiếp đến, nên phát triển hợp tác quốc tế về những lĩnh vực này. Tôi tin rằng, Việt Nam có những nhà khoa học rất tài ba, họ cần được đi ra nước ngoài trao đổi, học hỏi các nước để đưa những thông tin đó về Việt Nam và tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này.

PV: Tại sao ông lại chọn sinh viên Đại học Huế để gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm?

GS J.I. Friedman: Như tôi đã phát biểu trong bài nói chuyện của mình, tôi được mời đến để nói chuyện với sinh viên Đại học Huế. Đến Đại học Huế là một sự lựa chọn rất tốt bởi vì các bạn có những học sinh sinh viên có suy nghĩ rất tốt. Tôi tin rằng bài nói chuyện của tôi sẽ giúp cho sinh viên học sinh suy nghĩ nhiều hơn về khoa học và phát triển khoa học tốt hơn nữa.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông.

HS – TN thực hiện
 

</body>
Liên kết
×