English | Français   rss
Liên kết
Xây dựng môi trường đại học dân chủ (27-03-2019 07:55)
Góp ý

 

Đại học Huế đang phát triển các kênh đối thoại, trao đổi thẳng thắn để cán bộ, giảng viên, sinh viên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, qua đó xây dựng môi trường đại học dân chủ.

 

Tạo môi trường dân chủ

 

Theo TS. Trương Qúy Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế, việc xây dựng môi trường dân chủ trong giáo dục cực kỳ quan trọng và Đại học Huế đang nỗ lực triển khai các giải pháp qua nhiều kênh khác nhau, công khai nhất là kênh tiếp dân và đối thoại sinh viên. Đại học Huế phân cấp và quy định rõ việc tiếp công dân. Ngoài lãnh đạo Đại học Huế tiếp công dân ở phòng tiếp dân mỗi tháng 2 ngày cố định (vào thứ năm tuần thứ nhất và thứ ba), các ngày khác trong tuần, Ban Thanh tra và pháp chế Đại học Huế cũng tổ chức trực, tiếp công dân, lắng nghe và giải quyết các phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, ngay tại các cơ sở đào tạo cũng tổ chức tiếp dân theo cấp lãnh đạo và bộ phận thanh tra pháp chế của trường hoặc khoa trực thuộc.

 

Mỗi đợt tiếp dân đều có các phòng ban chức năng liên quan để kịp thời hướng dẫn, giải quyết nhanh những thắc mắc, nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, sinh viên. Ngoài thời gian quy định, những ai có nhu cầu, vẫn sẵn sàng tiếp dân khi họ đến. Đại học Huế không chỉ tiếp cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Đại học Huế mà cả mọi đối tượng (kể cả người dân) quan tâm đến hoạt động giáo dục của Đại học Huế và các trường, có những trăn trở giáo dục hoặc muốn phản ánh các vấn đề phát sinh liên quan ở khu dân cư hay đền bù giải tỏa ở khu đô thị đại học. Đại học Huế cũng phối hợp các ban ngành, chính quyền địa phương để chuyển những vấn đề ngoài thẩm quyền giải quyết của người dân đến đúng địa chỉ. Đại học Huế cũng chỉ đạo các trường làm tốt công tác đối thoại sinh viên. Hiện nay, các cơ sở đào tạo và cả Trung tâm phục vụ sinh viên (khu ở nội trú sinh viên) tổ chức ít nhất 1 – 2 lần trong năm. Các khoa chuyên môn cũng tổ chức đối thoại sinh viên để giải đáp thắc mắc, tiếp thu và giải quyết các vấn đề sinh viên phản ánh.

 

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Thanh tra và pháp chế ĐH Huế cho biết, hầu hết các phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, giảng viên, sinh viên đều được nắm bắt, giải quyết nhanh, đúng theo các quy định của pháp luật. Có nhiều vụ việc do người phản ánh, khiếu nại, tố cáo chưa nắm rõ bản chất hay quy định của pháp luật thì qua kênh tiếp dân được giải thích cặn kẽ, sau đó họ không còn thắc mắc nữa.

 

Thống kê của Ban Thanh tra và pháp chế Đại học Huế cho thấy, năm 2018, Đại học Huế có 10 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh thuộc thẩm quyền. Kết quả giải quyết số đơn thư cũng cho thấy, có 100% số đơn thư của cán bộ, giảng viên, sinh viên các năm qua được giải quyết, kết luận và trả lời.

 

Cởi mở trao đổi, chia sẻ thông tin

 

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế khẳng định, khi tạo được môi trường dân chủ, phải thúc đẩy để cán bộ, sinh viên chia sẻ, bày tỏ tâm tư, bức xúc từ đó mọi vấn đề mới được giải quyết nhanh chóng, triệt để qua đó tạo ra tập thể đoàn kết, vững mạnh. Trăn trở của ĐH Huế là làm sao thông tin cho cán bộ, giảng viên sinh viên biết đến các hoạt động nói trên để bảo đảm quyền lợi cho họ, đồng thời khắc phục thái độ e ngại, không dám nói ra của nhiều người. Thực tế, số lượt tiếp công dân vẫn chưa cao, điển hình như năm 2018 chỉ có 37 lượt, năm 2017 chỉ có 39 lượt. Nơi nào, cơ quan nào cũng có những vấn đề, mặt chưa tốt cần phải được nói ra để giải quyết. Tiếp dân tốt thì sẽ hạn chế được đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Hơn thế, tạo cơ chế cởi mở để cán bộ, giảng viên, sinh viên trao đổi thẳng thắn thì mới xây dựng một đơn vị thực sự phát triển lâu dài.

 

Năm 2019, Đại học Huế để đẩy mạnh truyền thông, thông báo đến các trường, giảng viên, sinh viên được biết kênh tiếp dân và sẵn sàng “lên tiếng” khi cần. Trong hoạt động đối thoại sinh viên, Đại học Huế tăng cường vai trò của ban giám đốc, các ban ngành chức năng từ cấp Đại học Huế, phân công cán bộ theo dõi sát hoạt động đối thoại sinh viên từ cấp khoa đến cấp trường để nắm bắt và giải quyết nguyện vọng của sinh viên.

 

Thời gian tới sẽ nghiên cứu, trao đổi với các ban chức năng để có thể xây dựng fanpage trên mạng xã hội nhằm tiếp thu các ý kiến đa chiều. Việc làm này cần làm thực chất, có người trực tiếp theo dõi và tương tác.

 

Hằng năm, các trường đều có hội nghị cán bộ viên chức, riêng Đại học Huế tổ chức tổng thể 2 năm/lần. Đại học Huế đang xây dựng cơ chế rút ngắn các báo cáo, tăng thời lượng để cán bộ, giảng viên trao đổi, tạo những diễn đàn để họ nói.

Hữu Phúc

Các tin mới hơn
Liên kết
×