English | Français   rss
Liên kết
Cây cảnh mi ni và ước mơ nhỏ (27-02-2008 10:43)
Góp ý
Nói đến phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học ở trường ĐH Khoa học Huế, chuyên ngành được nhắc đến đầu tiên đó là khoa Sinh. Trong những năm gần đây, nhiều sinh viên của khoa đã từng đạt giải rất cao trong các giải sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc, giải Vifotec và nhiều giải khác. Phòng thí nghiệm chính là nơi đón đưa nhiều thế hệ sinh viên khoa Sinh đam mê với việc nghiên cứu khoa học khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và Nguyễn Thanh Tùng cũng là một người như vậy. Chàng sinh viên năm thứ 3 lớp Công nghệ sinh học K28 vừa đạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo đồng hành cuộc sống năm 2007 do ĐH Huế tổ chức.
<body>

Miệt mài với phòng thí nghiệm từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, đề tài tham gia cuộc thi này của Tùng được thực hiện với cậu bạn Nguyễn Chí Tâm mang cái tên rất sinh học và cũng rất lãng mạn: “Cây cảnh mini ươm mầm mơ ước”. Tùng hồn nhiên: “Là những cây con sống trong ống nghiệm mà chị. Nhưng chúng có thể nở hoa và có một hình dáng khá bắt mắt. Điều này các nước khác người ta đã làm đầy, nhưng giá rất đắt. Giải nhì làm em rất bất ngờ nhưng cũng thật vui vì công việc của mình đã được mọi người quan tâm, nhất là các bạn sinh viên”.

Nguyễn Thanh Tùng vốn là học sinh của trường THPT huyện Hương Thuỷ. Không yêu thích môn Sinh lắm, những cậu học trò vùng huyện lại rất tò mò muốn khám phá cấu tạo của các loại động vật nhỏ sống dưới ao hồ, thích trồng cây và lai tạo các loại giống mới. Chọn khoa Sinh và chuyên ngành Ứng dụng Công nghệ sinh học, Tùng muốn được học tập để hiểu rõ cơ chế sinh trưởng của các loại động thực vật và nuôi mơ ước có thể ứng dụng các công nghệ sinh học hiện đại để phát triển các giống cây trồng vật nuôi mới. “Cây cảnh mini ươm mầm mơ ước” theo Tùng là một công nghệ rất đơn giản, nó gồm các công đoạn nuôi cấy vô trùng in vitro các bộ phận tách rời của thực vật trong ống nghiệm, kích thích các cơ quan phụ hoặc các cấu trúc khác mà từ đó cây hoàn chỉnh có thể phát sinh. Từ các mẫu nuôi cấy mô này, người ta có thể định hướng cho sự phát triển của cây, đảm bảo hiệu quả kinh tế và huấn luyện thích nghi trước khi đưa ra môi trường ngoài ống nghiệm. Sản phẩm của Tùng thì khác hơn một chút, môi trường sinh trưởng của cây trong ống nghiệm (hay bình thuỷ tinh) sẽ được điều tiết với nồng độ và các chất dinh dưỡng phù hợp để ức chế khả năng sinh trưởng và kéo dài tuổi thọ của cây, tạo nên những dạng cây cảnh mini sống trong lồng kính, có thể sử dụng như một vật trang trí mini mà các bạn trẻ đặc biệt ưa thích. Tuy nhiên Tùng tâm đắc nhất vẫn là việc đưa các mẫu thí nghiệm này về với trường học. “Khi còn học phổ thông, tụi em toàn phải học chay, tức là có lý thuyết mà không có thực hành và hình ảnh minh hoạ. Nhiều khi rất bức xúc. Nhất là môn sinh học. Chẳng thể hình dung là cây sinh trưởng như thế nào. Ở nông thôn, sẵn đất, sẵn cây, tụi em nhiều khi cũng về nhà tự mày mò gieo hạt, nuôi mầm…nhưng thành công là rất ít. Bây giờ thì khác rồi. Với công nghệ cây cảnh mini này, tụi em sẵn sàng cung cấp miễn phí cho các giờ sinh học ở các trường phổ thông, nếu các thầy cô ở đây có nhu cầu”. Tùng nói rất chân thành.

Có thâm niên ở phòng thí nghiệm suốt 3 năm ở giảng đường đại học, Nguyễn Thanh Tùng là đàn anh đáng tin cậy của nhiều lớp sinh viên khoá sau khi chập chững vào làm quen với những chai lọ và kỹ thuật xử lý các mẫu thực vật trong phòng thí nghiệm này.

Được giải nhì với giải thưởng 15 triệu, Tùng dự định sẽ phát triển đề tài của mình đúng với hướng triển khai đã trình bày tại cuộc thi. Đó là sẽ tập hợp một nhóm bạn có cùng sở thích để tập hợp những ý tưởng tốt từ việc hình thành mẫu mã chai lọ, trình bày sản phẩm và tiến hành nhân cấy mô những loại cây có hình dáng đẹp trong ống nghiệm. Hiện nay Tùng và Tâm đã thí nghiệm thành công một số cây nở hoa trong ống nghiệm và dự kiến sẽ đưa sản phẩm này trở thành những mẫu hàng lưu niệm “cây cảnh mini trong ống nghiệm” để bày bán cho bạn bè và có thể là khách du lịch. Điều quan trọng là phải nghiên cứu thành công môi trường sống và ức chế sinh trưởng làm sao để cây có nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau, kích thích trí tò mò của người mua. Tùng cũng có dự kiến khi có kinh phí, sẽ sản xuất nhiều hơn để tặng miễn phí cho các trường phổ thông để giảng dạy môn Sinh học cho học sinh, hoặc bán với kinh phí hoàn vốn cho các trường có yêu cầu đặt hàng. Tùng cũng tâm sự rằng, cậu rất hy vọng những cây cảnh mini này sẽ khiến mọi người yêu thiên nhiên hơn, đặc biệt biết đâu sẽ ươm mầm mơ ước trở thành những nhà sinh học và nông học giỏi cho những cô cậu học sinh nhiều ước mơ./.

Hải Châu

 

</body>
Liên kết
×