English | Français   rss
Liên kết
Đại học Huế sẽ tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Đỗ Quỳnh Nga: (16-10-2012 15:45)
Góp ý

- Đề tài: Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời Chúa Nguyễn

- Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam cổ đại và trung đại

- Thời gian: 08 giờ 00 ngày 01 tháng 11 năm 2012

- Địa điểm: Hội trường Đại học Huế, số 03 Lê Lợi, TP. Huế

 

* Những đóng góp mới của luận án:

  1. Luận án là một trong những công trình đầu tiên đi sâu tìm hiểu về đề tài này bởi vấn đề mở đất về phía Nam luôn là một vấn đề mang tính “thời sự”,  thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và các cơ quan, ban, ngành nhưng chưa có tác phẩm nào tập trung nghiên cứu về công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn một cách trọn vẹn. Vấn đề mở đất Tây Nam Bộ được tìm hiểu dưới góc độ hòa lẫn vào các vấn đề về Nam Bộ nói chung hoặc được đề cập đến dưới dạng từng khía cạnh nhỏ lẻ, riêng rẽ.
  2. Luận án đề cập đến Phương thức mở đất của chúa Nguyễn đối với Tây Nam Bộ. Đây là một nội dung tương đối mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tìm hiểu phương thức, sẽ cho biết hệ quả của công cuộc mở đất. Trên cơ sở đó, giúp hiểu được bản chất của cuộc mở đất. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc làm rõ cơ sở pháp lý của công cuộc mở đất Tây Nam Bộ, trước những luận điệu của các thế lực thù địch.
  3.  Qua nghiên cứu, tìm hiểu, luận án đưa ra quan điểm khái quát về phương thức mà chúa Nguyễn sử dụng trong công cuộc mở đất Tây Nam Bộ là phương thức “Tàm thực” với hai hình thức là “chiếm hữu” và “chuyển nhượng”. Cuộc mở đất Tây Nam Bộ được tiến hành theo kế “Tằm ăn dần” mà Nguyễn Cư Trinh đã đề xuất với chúa Nguyễn Phúc Khoát, với việc dần dần mở mang từng phần đất cho đến khi có được trọn vẹn toàn bộ vùng đất mà chúa Nguyễn mong muốn.
    Trong đó, hình thức “chiếm hữu” được chúa Nguyễn thực hiện qua các giải pháp: “Dân đi trước nhà nước theo sau”, sử dụng hợp lý các nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài,  tạo điều kiện cho sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa các tộc người phát triển. Hình thức “chuyển nhượng” được tiến hành chủ yếu thông qua phương pháp ngoại giao với các cách thức đóng vai trò quyết định như đàm phán, trao đổi, thương lượng...để dẫn đến sự dâng hiến, biếu tặng một cách tự nguyện đất đai của các vị vua Chân Lạp. Ngoài ra, việc dùng kết hợp sức mạnh quân sự cũng có ý nghĩa như một biện pháp hỗ trợ, làm hậu thuẫn để tăng cường vị thế của Đàng Trong trong quá trình thực hiện con đường ngoại giao, đồng thời nhằm bảo vệ được chủ quyền đối với vùng đất mới. Đây là một phương thức mang tính hòa bình, mềm dẻo để đi đến kết quả cao nhất, có được đất và được lòng dân.
  4. Luận án làm rõ sự điều chỉnh hướng mở đất của chúa Nguyễn trong quá trình mở đất Tây Nam Bộ. Từ việc hướng đến vùng Tonle Sap lục địa đông dân, xa xôi của Chân Lạp thì chuyển sang các vùng biển. Kết quả là Chúa Nguyễn đã có được gần như toàn bộ vùng biền của Chân Lạp. Điều đó thể hiện một tư duy mới mẻ của chúa Nguyễn phù hợp với thời đại kinh tế hàng hóa phát triển và các cảng biển nắm giữ vai trò “con át chủ bài”.
  5. Làm rõ tính pháp lý của công cuộc mở đất Tây Nam Bộ. Đây là một con đường mang định hướng truyền thống, là quá trình chuyển giao chủ quyền từ Phù Nam sang Chân Lạp và đến Đàng Trong. Đây đồng thời cũng là quá trình khai phá những vùng đất bị bỏ hoang cùa Chân Lạp. Cuộc mở đất được tiến hành bằng phương thức “Tàm thực” với tính chất hòa bình, có những nét đặc biệt hơn so với phương thức các triều đại trước và các nước trong khu vực tiến hành (thường sử dụng vũ lực hay “đồng hóa”). Quá trình này diễn ra một cách hợp lý hợp tình, được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân Chân Lạp thông qua những lần dâng đất tự nguyện của Chân Lạp (để chuộc tội, để đền ơn) và sự chung sống hòa bình của người dân Khmer với người Việt và các tộc người khác. Một cách vô hình chung, quá trình mở đất Tây Nam Bộ diễn ra phù hợp với luật pháp quốc tế về vấn đề chủ quyền. Vì thế, công cuộc mở đất Tây Nam Bộ không những “thuận tình, thuận lý” so với tình hình thế kỷ XVII, XVIII mà còn có cơ sở pháp lý quốc tế đương đại.
    Từ việc làm rõ cơ sở pháp lý của công cuộc mở đất Tây Nam Bộ, ngăn chặn những luận điệu tuyên truyền, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.
  6. Đi sâu tìm hiểu một số nội dung ít được sử liệu đề cập đến như: vấn đề tổ chức hành chính của trấn Hà Tiên, dinh Long Hồ. Sự quản lý và tình hình phát triển về các mặt hành chính, quân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội của các địa phương này dưới thời Nguyễn.
  7. Làm rõ ranh giới của dinh Long Hồ và trấn Hà Tiên, đất Tầm Phong Long, các phủ được vua Chân Lạp dâng cho chúa Nguyễn nay thuộc đất Campuchia. Đây là một vấn đề khá khó khăn và chưa được thống nhất trong giới nghiên cứu bởi sử liệu để lại rất ít.
  8. Là tài liệu để nhân dân và bạn đọc tham khảo nhằm hiểu rõ hơn về tính chất của công cuộc mở đất Tây Nam Bộ.

 Trân trọng thông báo và kính mời các quý vị quan tâm đến dự.

Liên kết
×