English | Français   rss
Liên kết
Giao lưu với Nhà báo Dương Phước Thu – “Đọc mới rung cảm để viết” (02-05-2013 08:04)
Góp ý

“Đọc là đi, đi ra thế giới bên ngoài qua trang sách. Đi để viết. Muốn viết được cần phải đọc nhiều. Đọc mới rung cảm để viết…” Đó là những điều mà nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế đã tâm huyết chia sẻ cùng bạn đọc trong buổi giao lưu do Trung tâm Học liệu tổ chức nhân ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4/2013.

 

Đông đảo bạn đọc cùng một số người bạn của nhà báo Dương Phước Thu, những người rất đam mê với việc đọc và viết đã tề tựu đông đủ tại Trung tâm Học liệu Đại học Huế sáng 23/4 để cùng chia sẻ về về những kỹ năng đọc, viết, kinh nghiệm viết sách về lịch sử.

 

Nhà báo đã mở đầu bằng những kinh nghiệm của mình trong quá trình đọc, nghiên cứu và viết, mối liên hệ giữa đọc và viết. Tự bao giờ việc đọc gắn liền cùng chuyện viết lách. Thực vậy, không nhà văn nào không đọc trước khi bắt đầu viết. Đối với sinh viên, việc đọc lại càng quan trọng và có ý nghĩa cho đời sống tinh thần cũng như bồi dưỡng kiến thức. Tuy nhiên, người đọc cần phải biết cách đọc, cần “cảm thụ được tầm cao của văn hóa đọc”. Theo nhà báo Dương Phước Thu, các em sinh viên không nên chỉ đọc truyện hay tiểu thuyết mà phải đa dạng hóa thể loại sách cần đọc, đọc phải có chọn lọc, có một số sách cần đọc đi đọc lại mới thẩm thấu được ý nghĩa của nó.

 

Viết và bắt đầu viết không phải là chuyện dễ dàng. Nhà báo cũng đã có những lời khuyên bổ ích cho các em sinh viên có ý định viết. Dù là người quen viết hay một người mới bắt đầu, việc bắt đầu viết đều khó khăn và đầy trăn trở. “Muốn viết được cần có đam mê, có rung cảm. Hãy viết những gì cần thiết cho cuộc sống!” nhà báo chia sẻ. Để có cảm xúc, người viết cần nhạy bén, có thể “đọc” cảm xúc qua những điều giản đơn trong cuộc sống, từ “lễ hội, từ mưa nắng, từ tuổi thơ, từ ký ức cũng như những trải nghiệm thực tại”.

 

Liên hệ với cuộc thi viết “Đường thành Huế tôi qua” do Trung tâm Học liệu tổ chức, là người dày công nghiên cứu về lịch sử những con đường ở Huế, tác giả của cuốn sách “Huế, tên đường phố xưa và nay”, nhà báo đã có những chia sẻ rất bổ ích cho các bạn quan tâm đến cuộc thi. Viết văn là gắn với lịch sử, “lịch sử là quặng của văn hóa”. “Nếu các bạn khai thác được yếu tố lịch sử khi viết văn thì sẽ có ý tưởng để viết”, nhà báo nhấn mạnh. Ví dụ, khi viết về một con đường, lịch sử thay đổi của con đường đó cũng như cuộc đời của danh nhân con đường mang tên sẽ là nguồn ý tưởng cho bài viết. Tuy nhiên, cũng cần chắt lọc từ đó những yếu tố tạo sự bất ngờ. Ví dụ, khi viết về con đường Trịnh Công Sơn, bạn có thể không chỉ nói đến những tài hoa của nhạc sĩ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn nói đến tài năng hội họa của ông, hay con đường mang tên ông đã từng gắn với mối tình với một người con gái Huế…

 

Buổi giao lưu trở nên sôi nổi khi bạn đọc thắc mắc về các thủ tục đặt tên đường ở Huế, hay những trải nghiệm thú vị của nhà báo khi đi qua các con đường để viết. Dường như vẫn còn nhiều điều bạn đọc muốn hỏi và trao đổi. Một điều chắc chắn rằng những ai tham dự đều đã góp nhặt thêm cho mình nhiều kiến thức về lịch sử và văn hóa của các con đường ở Huế, một trong những yếu tố tạo nên một xứ Huế rất riêng.

 

Xuân Phương

Liên kết
×