Hỏi đáp về kỳ thi tuyển sinh 2007: Những điểm mới
(16-01-2007 16:23)
Dưới dây là những vấn đề bạn đọc gửi đến Trang tin điện tử Đại học Huế và Ban Biên tập đã mời Ông Lê Tài Thuận, Phó Ban Đào tạo Đại học Huế giải đáp các câu hỏi kỳ này:
Hỏi: Kỳ thi vào đại học, cao đẳng năm 2007 có gì giống và khác kỳ thi năm
2006?
Đáp: Như năm 2006, kỳ thi vào đại học, cao đẳng năm 2007 các trường vẫn thực
hiện phương thức thi 3 chung-chung đợt, chung đề, sử dụng chung kết quả để xét
tuyển. Thực hiện lộ trình tiến tới mục tiêu đổi mới tuyển sinh vào đại học, cao
đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Bộ) đã có chủ trương thực hiện một số
quy định mới như sau:
1. Bộ không ấn định chỉ tiêu tuyển sinh như những năm trước mà do các trường
trên cơ sở đối chiếu các tiêu chí do Bộ ban hành, tự ấn định chỉ tiêu tuyển sinh
rồi đăng ký với Bộ. Những trường đạt tiêu chí có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh
nhưng mức tăng tối đa không quá 10%, còn các trường không đạt tiêu chí, Bộ cho
phép tuyển bằng chỉ tiêu năm 2006.
2. Áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với 4 môn thi: Ngoại ngữ,
Vật lý, Hoá học và Sinh học (năm 2006 chỉ mới áp dụng đối với môn thi Ngoại ngữ).
3. Không thực hiện tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng những học sinh đạt giải
trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi theo chương trình THPT lớp 12 như những
năm trước. Đối với những thí sinh này, các trường tự quy định hình thức ưu tiên
khi xét tuyển nếu có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn và không có môn thi
nào bị điểm không.
Hỏi: Ở trên có nói đến lộ trình và mục tiêu đổi mới tuyển sinh vào đại học
và cao đẳng. Xin cho biết lộ trình đó bao giờ kết thúc và mục tiêu cuối cùng là
gì?
Đáp: Việc tuyển sinh vào đại học và cao đẳng chắc chắn còn tồn tại lâu dài gắn
với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất
nước. Điều đó có nghĩa là bản thân nó cũng phải liên tục đổi mới và không có mục
tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, theo kế hoạch của Bộ, đến năm 2009 (cũng có thể là
năm 2008) sẽ đổi mới một cách căn bản tuyển sinh vào đại học và cao đẳng, theo
đó thì không tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng riêng nữa mà nhập
chung với kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổ chức một kỳ thi nhưng thực hiện hai nhiệm
vụ, vừa để công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển vào đại học, cao đẳng; và
theo lộ trình đang thực hiện thì đến lúc đó, các môn thi đều áp dụng hình thức
thi trắc nghiệm khách quan, trừ môn văn học.
Hỏi: Mục tiêu cơ bản đó liệu có khắc phục được những bất cập lâu nay trong
việc tuyển sinh vào đại học và cao đẳng?
Đáp: Chưa thể hình dung một cách thật đầy đủ về một kỳ thi như vậy. Tuy nhiên có
thể biết chắc chắn với “phương án hai trong một” sẽ khắc phục được sự tốn kém
rất lớn về thời gian, công sức và tiền của của nhân dân, và khi các môn thi đều
áp dùng hình thức thi trắc nghiệm khách quan thì chất lượng tuyển sinh tin rằng
cũng sẽ tốt hơn, các hình thức gian lận như dùng ”phao thi”, chấm bài thi sai
hoặc nâng điểm...sẽ được hạn chế. Tất nhiên, tổ chức một kỳ thi quy mô lớn như
vậy, muốn có kết quả như mong muốn, đòi hỏi thực hiện đồng bộ rất nhiều giải
pháp khác nhau.
Hỏi: Việc quy định áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với 4 môn
thi như nói ở trên liệu có gây khó khăn gì lớn cho các trường và cho thí sinh?
Đáp: Từ chỗ đã quen với hình thức thi tự luận chuyển sang thi trắc nghiệm
khách quan tất nhiên có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên khó khăn là không
lớn vì đã có sự chuẩn bị. Qua việc áp dụng đối với môn thi Ngoại ngữ trong kỳ
thi năm 2006, về phía Bộ và các trường đã rút được nhiều kinh nghiệm trong chỉ
đạo và tổ chức thi theo hình thức này. Đối với học sinh trung học phổ thông sẽ
dự thi đại học, cao đẳng, hình thức thi này cũng không còn quá mới mẻ, ít nhiều
đã được thực hành, làm quen trong quá trình học tập. Cần nhớ rằng đây chỉ là
việc thay đổi hình thức thi còn nội dung thi không hề thay đổi. Mỗi khi thí sinh
đã có kiến thức vững chắc về các môn thi, được hướng dẫn kỹ và nắm vững các thao
tác làm bài thi trắc nghiệm thì không còn gì khó nữa.
Hỏi: Xin nói rõ hơn vấn đề ưu tiên đối với thí sinh đạt giải học sinh giỏi
quốc gia nhưng không được chuyển thẳng.
Đáp: Như đã nói, ưu tiên như thế nào là do các trường nơi những thí sinh
này dự thi quy định. Ví dụ như quy định chỉ cần kết quả thi bằng điểm sàn là
được công nhận trúng tuyển vào ngành học đã đăng ký dù chưa đạt đến điểm trúng
tuyển do Hội đồng tuyển sinh nhà trường quyết định, hoặc quy định được cộng thêm
điểm thưởng rồi xét tuyển như những thí sinh khác chẳng hạn.
Hỏi: Có tin năm 2007 Bộ không phát hành tập tài liệu “Những điều cần biết về
tuyển sinh đại học và cao đẳng” nữa. Điều đó đúng không?
Đáp: Chưa có thông tin chính thức nào khẳng định điều đó. Đối với học sinh
THPT, đó vẫn là một tài liệu rất cần thiết để tham khảo trước lúc đăng ký dự thi
vào đại học, cao đẳng.
Hỏi: Còn 6 tháng nữa mới đến kỳ thi. Tuy nhiên, đối với thí sinh, nếu cần
chuẩn bị từ bây giờ thì nên chuẩn bị điều gì?
Đáp: Thi vào đại học ở nước ta đang là một cuộc cạnh tranh gay gắt, thường
sáu, bảy, thậm chí mười người thi mới có một ngưòi đậu. Do vậy, để có thể lọt
vào được “cánh cửa hẹp” của trường đại học thì có hai vấn đề cần quan tâm hàng
đầu:
- Một là phải có kiến thức về chương trình THPT thực sự vững chắc. Mà điều này
không phải bây giờ mới chuẩn bị, nó là kết quả của một quá trình rèn luyện, tích
luỹ nhiều năm. Tuy nhiên, lúc này thí sinh cần xác định mình sẽ dự thi khối gì
để có sự đầu tư giai đoạn cuối cho các môn sẽ dự thi.
- Hai là biết chọn đúng ngành, trường dự thi ngang sức học của mình. Học lực chỉ
loại khá, thậm chí giỏi nhưng chưa đến mức xuất sắc mà chọn thi vào những trường
“tốp trên” thường định điểm trúng tuyển rất cao thì khả năng trượt là lớn. Còn
như lực học trung bình cũng không có nghĩa là không có cơ hội thi đỗ, bởi có
những trường “tốp giữa” hoặc “tốp dưới” định điểm trúng tuyển vừa phải, thậm chí
ngang bằng điểm sàn. Vì vậy phải hết sức thận trọng, cân nhắc khi chọn trường,
chọn ngành để đăng ký dự thi. Chọn đúng thì khả năng đỗ cao, chọn sai thì khả
năng trượt lớn. Quyết định chọn trường, ngành để dự thi bây giờ có lẽ hơi sớm,
nên dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thông tin về tuyển sinh trước lúc
chọn trường, ngành để đăng ký dự thi.
Hỏi: Theo quy định về tuyển sinh, mỗi thí sinh được nộp bao nhiêu hồ sơ đăng
ký dự thi (ĐKDT) và nộp tại đâu?
Đáp: Không có quy định hạn chế số lượng hồ sơ ĐKDT được nộp đối với mỗi thí
sinh. Theo lịch thi chung của Bộ, về lý thuyết, mỗi thí sinh có thể nộp 3 bộ hồ
sơ để dự thi theo 3 đợt thi (2 đợt thi vào đại học và 1 đợt thi vào cao đẳng).
Tuy nhiên khi đã cân nhắc kỹ và chọn trường, ngành dự thi hợp với sức học của
mình thì chỉ nên nộp một hồ sơ ĐKDT. Với phương thức thi 3 chung, khi kết quả
không đủ điểm để trúng tuyển vào trường, ngành đã đăng ký, nhưng đạt được điểm
sàn trở lên vẫn còn cơ hội để đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng 2, nguyện vọng
3 vào những trường, ngành khác tuyển cùng khối thi. Không nên nộp nhiều hồ sơ
ĐKDT, vừa tốn kém không cần thiết vừa làm tăng số lượng hồ sơ ảo gây khó khăn
cho các trường trong tổ chức thi và xét tuyển.
Hồ sơ ĐKDT nộp tại Trường THPT đối với học sinh đang học lớp 12 hoặc tại cơ sở
do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định đối với thí sinh tự do.
Hỏi: Thông tin chi tiết về tuyển sinh vào Đại học Huế có thể tìm ở đâu?
Đáp: Trong cuốn “ Những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng năm
2007” do Bộ phát hành, trong “Thông báo tuyển sinh năm 2007 của Đại học Huế” được
gửi đến các trường THPT trong cả nước, Trang tin điện tử của Đại học Huế:
http://www.hueuni.edu.vn
Mọi câu hỏi xin gởi về địa chỉ :
bantin_dhh@hueuni.edu.vn hoặc liên hệ trực tiếp qua số điện thoại 054.828493.
(còn tiếp)