Tin tức - Sự kiện
|
Hào khí Việt Nam và Quốc khánh 2-9 bất diệt
(30-08-2021 11:16)
Góp ý
Cách đây 76 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ta đã lãnh đạo toàn dân vùng lên đập tan xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến và giành lại nền độc lập cho dân tộc. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc và nhân dân ta. 76 năm hào khí Việt Nam với những chiến công lừng lẫy, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nhân dân Thừa Thiên Huế giành chính quyền trong những ngày tháng Tám lịch sử. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Những ngày Thu lịch sử
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, 15 năm lãnh đạo cách mạng (1930-1945), Đảng ta đã tích cực xây dựng lực lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ nhân dân. Tháng 5/1941, Đảng đã thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm liên hiệp sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Giữa tháng 4 năm 1944, Đảng ta hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Tháng 10/1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Ðồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”.
Chiến thắng của phe Đồng minh trước phe phát xít trong năm 1945 đã tạo thời cơ vàng để Việt Nam giành độc lập.Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (13-15/8/1945) quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Quân lệnh số 1 chỉ rõ “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà... Chúng ta phải hành động nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.
Ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào (16 và 17/8/1945) chủ trương Tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.Với khát vọng tự do và hào khí Việt Nam độc lập, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lật nhào ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến tay sai.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng tuyệt vời của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảy mươi sáu năm nhìn lại, chúng ta thấy rõ hơn giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất.
Tuyên ngôn độc lập mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Cách mạng Tháng Tám 1945 và Tuyên ngôn Độc lập là những sự kiện vĩ đại có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, đánh đổ chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít gần một thế kỷ và chế độ quân chủ phong kiến hàng nghìn năm để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; chấm dứt thời kỳ cùng khổ của dân tộc, đưa nhân dân thoát khỏi áp bức, bất công trở thành người chủ của đất nước, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giành độc lập của các dân tộc nhược tiểu trên phạm vi toàn cầu.Giá trị thời đại của Tuyên ngôn Độc lập là đã khẳng định các quyền cơ bản của tất cả các dân tộc trên thế giới cho dù dân tộc đó thuộc mô hình, thể chế nào. Hồ Chí Minh viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đó là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Từ Cách mạng Tháng Tám và đến tinh thần “tự giải phóng” củaTuyên ngôn Độc lập, đã thôi thúc sự trỗi dậy của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trong những năm 60 của thế kỷ XX. Cũng từ những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và thành quả đấu tranh giành quyền độc lập, tự chủ của các nước trên toàn thế giới, Liên Hiệp quốc ra Tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa (12/1960) và Nghị quyết về Chương trình hành động nhằm thi hành toàn diện bản tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa (12/1970). Đây chính là điểm sáng nhất của lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX.
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam không chỉ với tư cách là kiệt tác lý luận, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là một áng văn lập quốc vĩ đại, một biểu tượng tuyệt vời về sự khẳng định độc lập, chủ quyền dân tộc. Người đã rất linh hoạt trong tư duy chính trị khi vận dụng những “quyền tự nhiên”, “quyền con người” trong Tuyên ngôn độc lập (1776) của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1789) của nước Pháp, để khẳng định “quyền làm người”, “quyền dân tộc”, “quyền tự quyết” không thể phủ nhận của các dân tộc trên toàn thế giới. Năm 1948, Liên Hiệp Quốc thông quá Tuyên ngôn Quốc tế về quyền con người(10/12/1948). Có thể nói, tư tưởng về quyền con người, quyền dân tộc tự quyết trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “đi trước nhận thức chung của cộng đồng quốc tế”. Và cũng có thể khẳng định rằng những tư tưởng về quyền con người, quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những “tư tưởng vạch thời đại”. Đây chính là những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh trong việc sáng tạo tư tưởng nhân quyền của nhân loại ở thế kỷ XX.
Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khai mở kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Bài học cách mạng đã chỉ ra: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Để giữ vững chính quyền cách mạng, nhiệm vụ cấp bách là xây dựng chính quyền nhà nước, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, khẳng định cơ sở pháp lý và hiện thực hoá quyền của nhân dân, phải có Quốc hội và Hiến pháp dân chủ.
Tuyên ngôn Độc lập đã đặt hòn đá tảng đầu tiên xây dựng một Nhà nước kiểu mới, những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và cả về thực tiễn. Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách Đảng là đảng cầm quyền đã không ngừng xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Với những giá trị tư tưởng, lý luận mang tính cách mạng, Tuyên ngôn Độc lập đã, đang và tiếp tục sánh bước cùng dân tộc và thời đại.
Hào khí Việt Nam 76 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi Cách mạng tháng Tám thành công cho đến nay, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 76 năm dưới ngọn cờ “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có chế độ chính trị độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và tự quyết định con đường phát triển của mình. Thể chế, hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện và có bước phát triển; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy. Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước ta trong 35 năm qua.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách, không ngừng đấu tranh giữ vững chính quyền, bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Lúc này, chính quyền nhân dân vừa phải chống giặc xâm lược, vừa phải đối phó với nhiều tổ chức phản động,nạn đói, mù chữ và các tệ nạn xã hội mà chế độ cũ để lại còn rất nặng nề. Hiểm họa đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính quyền nhân dân có nguy cơ bị lật đổ, nền độc lập mới giành được có thể bị mất. Trước tình thế đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sáng tạo, khéo léo lãnh đạo toàn dân xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân, tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử, ra sức chăm lo xây dựng chế độ mới; chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; kiên quyết trấn áp các thế lực phản động, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám.
76 năm qua, cách mạng Việt Nam đã giành thắng lợi vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đập tan toàn bộ chính quyền ngụy, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi giành độc lập, thống nhất đất nước, Đảng ta đã lãnh đạo toàn diện thống nhất thể chế và hệ thống chính trị trên cả nước; khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa; đánh thắng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (từ ngày 24/6 đến ngày 3/7/1976), Quốc hội quyết định lấy tên nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2/7/1976), quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; quyết định Hà Nội là Thủ đô của nước ta và chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Theo chủ trương của Đảng, tháng 6/1976, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng thanh niên, phụ nữ, công đoàn cũng họp Hội nghị hợp nhất, thống nhất cơ quan lãnh đạo trong toàn quốc.
Sau chiến thắng 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân cả nước đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh và phần lớn đất nước, mở đường cho nhân dân Campuchia hồi sinh, giúp bạn xây dựng lại đất nước. Trong thời gian Quân tình nguyện Việt Nam cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đang truy quét tàn quân Khrme Đỏ, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân tiến công trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta nhưng bị các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam kiên cường đánh trả. Trước sức chiến đấu mạnh mẽ của quân và dân ta, đồng thời bị dư luận quốc tế kịch liệt phản đối, từ ngày 6/3 đến ngày 16/3/1979 quânTrung Quốc kết thúc việc rút quân. Tuy vậy, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta còn tiếp diễn và tình hình biên giới phía Bắc vẫn căng thẳng kéo dài đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Trong cuộc chiến tranh này, nhân dân Việt Nam đã chịu nhiều tổn thất về sinh mạng, tài sản và tình hữu nghị Việt - Trung bị tổn thương nghiêm trọng.
Hào khí Việt Nam 76 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước là đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội VI của Đảng (12/1986) đưa ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Qua các kỳ đại hội, từ Đại hội lần thứ VII đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta luôn khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.Qua hơn 35 năm (1986-2020), đường lối đổi mới của Đảng đã đi vào cuộc sống và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, kiện toàn. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên.Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên, kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực cho sự phát triển các mặt thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội; có nhiều chuyển biến trong cải thiện đời sống tinh thần nhân dân. Trong đó, thành công nổi bật, đầy ấn tượng qua gần 35 năm thực hiện đổi mới là chúng ta đã giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; các cơ hội phát triển được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư, khuyến khích, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân.
Trong điều kiện quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách quan trọng để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo đảm được chủ quyền quốc gia, biển đảo và giữ vững được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động phá hoại, gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; bước đầu đối phó có hiệu quả với mối đe dọa an ninh phi truyền thống, kiềm chế sự gia tăng tội phạm.
Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh cho các tầng lớp nhân dân, làm cho nhân dân đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết và không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Những chủ trương, giải pháp trong chiến lược quốc phòng, quân sự, chiến lược an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được tăng cường, củng cố, nhất là trên các địa bàn chiến lược quan trọng; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững mạnh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp
Việt Nam trong hành trình mới đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với trên 185 nước trên thế giới; trong đó Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 3 quốc gia, Đối tác Chiến lược 13 quốc gia và Đối tác Toàn diện với 13 quốc gia; Việt Nam đã có quan hệ với hầu hết các nước lớn trên thế giới; tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và thiết chế hợp tác kinh tế đa phương, có vai trò, tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Với những thành tựu nổi bật nêu trên cho thấy, công cuộc đổi mới đã đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của tình hình nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, một sự nghiệp thật sự sáng tạo của nhân dân ta; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021) trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân,toàn dân, đang thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng Tháng Tám; những giá trị thời đại của Tuyên ngôn độc lập và Tư tưởng Hồ Chí Minh đã mang lại. Chúng ta tự hào dân tộc và không ngừng nhận thức, hành động trách nhiệm trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, nhưng tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám, của Tuyên ngôn độc lập vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
TS. Nguyễn Văn Quang
Các tin mới hơn
Thông báo tuyển dụng viên chức và lao động hợp đồng tại Đại học Huế
(29-09-2021 13:52)
Trường ĐH Sư phạm: ra mắt chuỗi hoạt động Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến
(24-09-2021 17:05)
Kế hoạch năm học 2021 - 2022
(23-09-2021 15:00)
Thấm thoắt đã 37 ngày ở Đồng Nai
(23-09-2021 08:01)
Thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021
(22-09-2021 17:25)
Phát huy vai trò nòng cốt, hạt nhân trong việc xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước
(18-09-2021 00:55)
Triển khai cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về Phòng, chống tham nhũng
(08-09-2021 15:16)
Triển lãm mỹ thuật Bác Hồ - Kết tinh hồn dân tộc
(01-09-2021 14:49)
Các tin đã đăng
Góp ý Dự thảo Kế hoạch chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045
(27-08-2021 14:48)
Hội đồng tư vấn về đạo đức với động vật trong nghiên cứu: quy trình chuyên nghiệp, nhân văn, bắt nhịp với xu hướng của thế giới
(26-08-2021 14:32)
Ý Đảng, lòng dân – cội nguồn sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám
(19-08-2021 11:18)
Đại học Huế dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”
(27-07-2021 15:20)
26 cán bộ và sinh viên Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương
(26-07-2021 16:06)
Trường ĐH Y - Dược, Đại học Huế trao bằng đại học cho 1.357 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân hệ chính quy năm 2021
(22-07-2021 15:47)
Thiết kế mặt trước của Đại học Huế tại số 03 Lê Lợi, TP. Huế
(14-07-2021 17:17)
Thông báo kết quả kiểm tra, sát hạch chuyên môn, nghiệp vụ, xét thay đổi chức danh nghề nghiệp hạng III
(06-07-2021 09:56)
|
Tin tức, sự kiện nổi bật
Thông báo số 01 viết bài tham dự Hội thảo “30 năm thực hiện Nghị định 30/CP của Chính phủ, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia”
(15-08-2024 09:31)
Thông báo tuyển sinh đại học bằng hai, liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế năm 2023 đợt 3
(19-10-2023 14:46)
Thông báo Danh sách tập thể và cá nhân được đề nghị công nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng năm học 2022 - 2023
(21-08-2023 10:27)
Tin tức, sự kiện mới nhất
Thông báo kết quả xét bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2024
(14-12-2024 06:58)
Trao học bổng Keidanren và JCCI, Nhật Bản năm 2024
(12-12-2024 14:35)
Khởi công nhà đại đoàn kết cho Đoàn viên sinh viên Đại học Huế
(12-12-2024 11:09)
Festival khoa học Huế lần thứ 7: Hợp tác quốc tế vì sức khoẻ cộng đồng
(06-12-2024 15:53)
Liên kết
|