English | Français   rss
Liên kết
Thấm thoắt đã 37 ngày ở Đồng Nai (23-09-2021 08:01)
Góp ý

Chúng em đã quá quen thuộc với nhịp công việc tại đây. Như thường lệ, mỗi sáng sớm 3 chiếc xe bus đón chúng em từ 3 nơi ở đi đến Ủy ban nhân dân của phường lấy mẫu. Xe dừng, chúng em xếp theo một hàng dài đi xuống sân của ủy ban, sau đó hợp quân từ 3 nhóm thành “đoàn quân Y Dược Đại học Huế” 105 người. Trưởng đoàn sẽ tiếp nhận thêm các lực lượng hỗ trợ khác, phân chia rồi ghép cặp với đội lấy mẫu – là chúng em; sau đó “gửi gắm” từng đội đã ghép cặp lên xe của các bác tổ trưởng, phụ trách khu phố, đưa về địa điểm lấy mẫu.

 

Chiếc xe Honda già như tuổi của bác tổ trưởng dừng lại, chỗ của chúng em đây rồi: một chiếc bàn nhựa, 3-4 chiếc ghế đẩu nhựa, cùng một hàng bà con đã tề tựu đứng chờ. Chúng em nhanh chóng bày dụng cụ ra bàn lấy mẫu, lật ngược ghế đẩu làm giỏ đựng rác, mang PPE, rồi bắt đầu công việc. Mỗi buổi, nếu ít thì lấy mẫu của 100 – 150 người, nhiều thì 250 – 300 người, kỷ lục là 385 người. Trưa tầm 11 giờ 30 phút – 12 giờ chúng em nghỉ tại chỗ, ăn trưa do khu phố lo; 13 giờ bắt đầu dậy chuẩn bị bàn và mặc PPE, sau đó làm đến chiều tối, lục tục khử khuẩn, xử lý rác rồi leo lên xe bác tổ trưởng, anh dân quân để về lại Ủy ban. Các anh chị trưởng nhóm và chị trưởng đoàn sẽ đi rà soát và hỗ trợ tất cả các nhóm anh chị ấy phụ trách, di chuyển cùng bằng cách đi “ké” xe của lực lượng dân quân/ Đoàn Thanh niên… và lên xuống xe liên tục từng địa điểm, mặc PPE hỗ trợ điều phối ở những điểm “nhạy cảm” hoặc nguy cơ cao. Sau một ngày dài làm việc, chúng em tạm biệt phường rồi chia ra 3 xe về lại “nhà”.

Xét nghiệm trong các hẻm khu dân cư nguy cơ cao

 

Khử khuẩn sau khi lấy mẫu

 

Mỗi ngày công việc là thế, nhưng đối với chúng em chưa bao giờ là nhàm chán. Mỗi phường là mỗi đặc điểm dịch bệnh và cách tổ chức lấy mẫu khác nhau, có phường nhỏ gọn, bố ráp tốt, có phường quá rộng lớn và phân bố dân cư cực kỳ phức tạp. Những ngày đầu tiên, chúng em tham gia đợt 1 – 2 lấy mẫu test nhanh diện rộng, về sau, chúng em tham gia đợt 3 lấy mẫu PCR diện rộng, và đợt 4 – 5 – 6 là khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao để tập trung sàng lọc. Đợt lấy mẫu PCR là thời điểm chúng em lấy mẫu công suất cao nhất, đỉnh điểm là lấy tại phường Long Bình (phường có dân số lớn nhất tỉnh Đồng Nai) với gần 36.000 mẫu trong 1 ngày. Tổng số mẫu Đoàn Trường ĐH Y Dược, Đại học Huế thực hiện lấy được cho đến nay là 396.579 mẫu (gần 400.000 mẫu) bao gồm test nhanh và PCR, hoạt động trải rộng trên hầu hết các phường của TP. Biên Hòa. Càng về sau, chúng em tập trung tại mặt trận các nhà trọ và khu dân cư nguy cơ cao, yêu cầu cao hơn về độ chuẩn xác và kỹ năng truy vết sơ bộ, đồng thời càng phải chú ý nhiều hơn về việc giữ an toàn, kiểm soát nhiễm khuẩn. Có lẽ chúng em không bao giờ quên được cảm giác mặc PPE đi vào những con hẻm hẹp sâu hun hút, nơi mà rất nhiều người vì các lý do khác nhau không chịu đi xét nghiệm, giấu bệnh, tạo thành các ổ dịch lớn phức tạp và phải có các anh công an đến từng nhà gõ cửa họ mới lần lượt ra, có những người đã thể hiện triệu chứng nhiễm bệnh rất rõ. Mỗi ngày đi làm là thêm nhiều bài học kinh nghiệm và tình huống này lại khác tình huống kia, không lần nào giống lần nào. Và không chỉ có vậy, chúng em còn biết thêm được rất nhiều câu chuyện, hiểu thêm biết bao nhiêu hoàn cảnh. Có bạn kể, đến một khu xóm trọ rất nghèo, có một phòng trọ chỉ 10m2, 4 người đi ra xét nghệm và họ không hề quen biết nhau: 1 em bé, 2 thanh niên, 1 người già; họ vì dịch bệnh mà thất nghiệp, không kiếm được tiền, nên chung nhau ở một phòng trọ để tiết kiệm. Hay theo lời một bạn khác, một anh thanh niên không đủ sức đi ra lấy mẫu, đói ăn, cả tháng chỉ có 2kg gạo cứu trợ… Chúng em nhận ra rằng, đi tình nguyện không chỉ để dốc sức hỗ trợ người dân chống dịch, mà còn để thấy, để biết và thấm thía những khó khăn và nỗi khổ cực của người dân nghèo khi dịch bệnh ập xuống…

 

Qua nhiều đợt, gắn bó với các phường, người dân đến quen cả mặt; chúng em được thấy rõ cả kết quả mà mình đã góp phần vào đó: số ca dương tính giảm hẳn theo từng đợt, có những địa bàn đã sạch bóng F0. TP. Biên Hòa bước vào giai đoạn mới của chiến dịch Phòng chống dịch bệnh.

 

Hỗ trợ tiêm vaccine

 

Xen kẽ những hôm lấy mẫu, chúng em còn hỗ trợ các đội tiêm vaccine, có những ngày tổ chức tốt, năng suất tiêm được cho hơn 1.300 người/ngày. Chúng em hỗ trợ ở các khâu: đón tiếp, ghi nhận hồ sơ tiêm; đo nhiệt, huyết áp; sàng lọc sơ bộ; theo dõi sau tiêm; hướng dẫn các vấn đề cần lưu ý sau tiêm cho người dân.

 

Thêm vào đó, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người dân, chúng em thực hiện lấy mẫu xét nghiệm mỗi 3 ngày 1 lần. Có lẽ, sẽ không bao giờ quên được cảm giác hồi hộp nhìn dòng chảy trên kit test của chính bản thân mình vượt qua nấc T để đến nấc C, rồi thở phào nhẹ nhõm khi kết quả cuối cùng chỉ là 1 vạch…

 

Mỗi ngày trôi qua là biết bao nhiêu kinh nghiệm và bài học kỹ năng để chúng em hoàn thiện hơn mô hình hoạt động và hoàn thiện cả bản thân mình nữa. Trưởng đoàn không ngừng đóng góp các ý kiến xây dựng lên Ban chỉ đạo chống dịch về quy trình và mô hình tổ chức lấy mẫu, tiêm chủng vaccine; nhận được sự đánh giá cao và lời cảm ơn từ các bậc lãnh đạo; do đó công việc được cải thiện và thuận lợi hơn theo từng ngày. Mô hình lấy mẫu PCR và Mô hình hỗ trợ tiêm chủng vaccine của đoàn tình nguyện Trường ĐH Y Dược, Đại học Huế do trưởng đoàn chắp bút đã được Ban Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa và Ban Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai quan tâm và đánh giá cao, đề nghị bàn bạc thêm để tiến hành trên thực tế. Hơn hết là sự gắn bó hình thành từ lúc nào không hay giữa chúng em và những người dân Đồng Nai. Mang trong mình hành trang “Tri thức và Nhân ái” từ Nhà trường, chúng em tâm niệm luôn hết mình hỗ trợ người dân và không bao giờ được bỏ mặc bệnh nhân; nên dù mưa hay nắng, thời gian lấy mẫu kéo dài tới tối mịt, phải di chuyển liên tục đến các vùng nguy cơ cao, các bạn vẫn luôn cố gắng hoàn thành công việc. Trong quá trình thực hiện công việc, chúng em có dịp hợp tác cùng các lực lượng hỗ trợ khác: lực lượng quân đội, công an, Đoàn Thanh niên, dân quân, đoàn thiện nguyện Phật giáo, đội truy vết, các đoàn tình nguyện đến từ các tỉnh khác…; cảm nhận được một bầu không khí chung về tinh thần thiện nguyện, lòng quyết tâm hỗ trợ phòng chống dịch, tất cả đều hướng về một mục tiêu duy nhất là cùng Đồng Nai vượt qua được dịch bệnh.

 

Hôm nay, chị trưởng đoàn hỏi vui các bạn, đã nhớ nhà chưa, đã muốn về Huế chưa; rất nhiều bạn vội xua tay: "Dạ chưa, dạ chưa", rồi ngậm ngùi nghĩ đến ngày chia tay Đồng Nai. Thực sự, chưa xa đã nhớ vô cùng…

 

Đoàn tình nguyện số 3

Liên kết
×