English | Français   rss
Liên kết
Phát huy vai trò nòng cốt, hạt nhân trong việc xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước (18-09-2021 00:55)
Góp ý

 

 

Ngày 17/9, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng uỷ Đại học Huế. Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Lê Trường Lưu, UV BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội; đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ; lãnh đạo các sở, ngành. Về phía Đại học Huế có đồng chí Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế; đồng chí Nguyễn Quang Linh, Ủy viên Thường vụ, Giám đốc Đại học Huế; các đồng chí trong Ban thường vụ Đảng ủy Đại học Huế; lãnh đạo các trường, viện thành viên.  

 

Đồng chí Lê Trường Lưu, UV BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi làm việc

 

 

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ phát biểu tại buổi làm việc

 

Nội dung của buổi làm việc tâp trung các vấn đề về công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện Kết luận 84 – KL/TU, ngày 5/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về một số nhiệm vụ đối với ĐHH; triển khai Nghị quyết 54 – NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển ĐHH thành Đại học Quốc gia; Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 24/5/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030;

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế Huỳnh Văn Chương phát biểu tại buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế báo cáo tình hình hoạt động của Đại học Huế, tiến độ triển khai và kết quả thực hiện kết luận 84-KL/TU, Nghị quyết 54-NQ/TW và Nghị quyết 05-NQ/TU bao gồm: công tác hoàn thiện tái cấu trúc Đại học Huế, mô hình hoạt động của Đại học Vùng theo quy định của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình tự chủ đại học. Đại học Huế đã có những giải pháp chủ động đón đầu, nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung vào các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, ngoại ngữ, y dược để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế; tăng cường tiềm lực tài chính, cơ sở vật chất; tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy, học, nghiên cứu, đặc biệt là nỗ lực hoàn thành việc xây dựng Khu Đô thị Đại học Huế tại Trường Bia.

 

Về vai trò đóng góp của Đại học Huế cho sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025, báo cáo của Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Huế khẳng định Sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn gắn với sự phát triển của Đại học Huế và ngược lại sự phát triển của Đại học Huế luôn gắn với sự phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên-Huế là một trung tâm văn hóa, du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của miền Trung và cả nước, là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh đa dạng của vùng.

Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Quang Linh phát biểu tại buổi làm việc

 

Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Huế khẳng định mục tiêu xuyên suốt cần tập trung lãnh chỉ đạo của tập thể lãnh đạo Đại học Huế giai đoạn 2021-2025, cần tranh thủ sự lãnh chỉ đạo các cấp ngành địa phương, trung ương và khai thác hết nội lực và tiềm năng sẵn có Đại học Huế để “Phát triển Đại học Huế trở thành Đại học quốc gia theo định hướng nghiên cứu, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á. Hoàn thiện khu đô thị Đại học Huế với đầy đủ công năng. Phát triển các trường, viên thành viên có uy tín, thương hiệu theo đặc thù ngành nghề và giữ vững tốp đầu trong cùng khối ngành của cả nước; Phát triển Trường Đại học Y Dược theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế; Phát triển Trường Đại học Sư phạm thành trường trọng điểm quốc gia trong khối đào tạo giáo viên”.

 

Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Quang Linh cho rằng, trong lộ trình, bước đi của Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực thì sự đoàn kết, thống nhất ý tưởng sẽ tạo nên sức mạnh để Đại học Huế đạt được mục tiêu. 

 

Đại học Huế kiến nghị Tỉnh ủy, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, hỗ trợ để lãnh đạo Đại học Huế đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, các Ban ngành thúc đẩy Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm trình Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo đúng lộ trình trong Nghị quyết 54-NQ/TW và Nghị quyết 83/NQ-CP. Đối với các đề án, dự án đặc thù của tỉnh thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW cần gắn các đề xuất của Đại học Huế. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tạo điều kiện tăng thêm nguồn quỹ về đất đai cho Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế nhằm đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi xây dựng mô hình Trường - Viện trong Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cần có những chính sách ưu tiên cụ thể trong việc bố trí quỹ đất để định cư, đền bù giải phóng mặt bằng...; xây dựng và đấu nối đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu quy hoạch của Đại học Huế; ưu tiên giải quyết các đề án về chỗ ở cho giảng viên trẻ, ký túc xá sinh viên. Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành của các tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh với Đại học Huế nhằm nắm bắt kịp thời nhu cầu của các bên liên quan và có hướng giải quyết kịp thời cũng như lâu dài.

 

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các trường, viện thành viên đã có các đề xuất cụ thể cho từng đơn vị như: xây dựng mô hình trường thực hành chất lượng cao của Trường ĐH Sư phạm, hỗ trợ đào tạo cho tỉnh nhà và từ đó có thể nhân rộng các vùng miền; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế cho tỉnh, phát triển nguồn lực cơ sở vật chất cho Trường ĐH Y Dược; khu phức hợp phục hồi chức năng, khu y tế công nghệ cao, viện vắc xin và y sinh phẩm; các chương trình khoa học công nghệ phát triển các sản phẩm của Trường ĐH Nông Lâm; nâng cấp Khối chuyên thành Trường chuyên của Trường ĐH Khoa học, các chương trình hỗ trợ cho đề án 10 ngàn nhân lực công nghệ thông tin.

 

 

Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Huế, phát biểu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Bí thư Tỉnh uỷ biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Đại học Huế trong thời gian qua. Đặc biệt công tác phối hợp giữa Đại học Huế và Tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng rõ nét hơn trong việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ. Trong tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid 19, Đại học Huế đã nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nỗ lực xây dựng Đại học Huế trở thành cơ sở giáo dục uy tín, là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của khu vực miền Trung và cả nước. Tổ chức bộ máy và đội ngũ viên chức lao động được cơ cấu lại tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đảng uỷ ĐHH đã tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh đề án ĐHH thành Đại học Quốc gia; đã chung tay góp sức cùng tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành trong công tác phòng chống dịch Covid hiệu quả, nhất là hỗ trợ nhân lực, vật lực và các cơ sở cách ly trên địa bàn.

 

Để tiếp tục xây dựng Đại học Huế xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh xây dựng và phát triển Đại học Huế thành ĐHQG, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Đại học Huế cần tập trung huy động nguồn lực, quyết liệt, nỗ lực hơn nữa; chủ động sắp xếp lại các đơn vị thành viên, trực thuộc theo hướng liên thông, kết nối, chia sẻ và sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực dùng chung; tập trung lãnh đạo thực hiện lộ trình tự chủ đại học đối với các đơn vị trực thuộc.

 

Đặc biệt, cần chú trọng tạo môi trường để giữ chân, thu hút nguồn nhân tài; triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy gắn với phát huy vai trò nòng cốt, hạt nhân trong việc xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; phối hợp với các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan đóng góp, hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế thành các trung tâm lớn trên các lĩnh vực y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, văn hóa - du lịch.  

 

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đại học Huế cần đánh giá tác động của dịch bệnh COVID -19 để chủ động các phương án, kịch bản dạy học trong điều kiện tình hình mới nhằm bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu. Triển khai các dự án về chuyển đổi số, tạo môi trường hấp dẫn, tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền để thu hút mạnh mẽ sinh viên theo học tại Đại học Huế. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong công tác đào tạo; tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh bảo đảm nguồn lực cân đối, hài hòa, đáp ứng nhu cầu việc làm sau đào tạo; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

 

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, Bí Thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Đại học Huế phát huy truyền thống đoàn kết, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng bộ; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

 

Những vấn đề khó khăn, vướng mắc của Đại học Huế tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ. Đồng thời mong muốn Đại học Huế phát triển xứng tầm, sớm đưa Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia trong thời gian sớm nhất.

 

AH

 

Liên kết
×