English | Français   rss
Liên kết
Hội thảo khoa học Hà Nội – Huế - Sài Gòn trong hành trình di sản và an ninh quốc gia (18-05-2020 18:17)
Góp ý

 

Ngày 18/5/2020, Đại học Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong hành trình di sản và an ninh quốc gia”. Tham dự có đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế; GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế; lãnh đạo các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, các nhà khoa học Đại học Huế và Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo khoa học “Hà Nội – Huế - Sài Gòn trong hành trình di sản và an ninh quốc gia”

 

Hội thảo khoa học được tổ chức nhân dịp chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa của ba thành phố Hà Nội – Huế - Sài Gòn (08/10/1960 - 08/10/2020).

 

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học gửi bài tham gia Hội thảo, thể hiện tình cảm trân trọng của các tác giả đối với ba thành phố Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như đối với Đại học Huế. Ban Tổ chức đã  tuyển chọn 15 bài viết đăng kỷ yếu Hội thảo. Kết quả nghiên cứu này không những đóng góp những phát hiện mới cho sử học, văn hóa học, quốc phòng, an ninh và nghiên cứu Phật giáo… mà còn góp phần tích cực củng cố mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa ba thành phố Hà Nội – Huế - Sài Gòn trong tương lai.

 

Cách đây 60 năm, tại Hà Nội, lễ kết nghĩa giữa ba thành phố lớn Hà Nội - Huế -Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) được tổ chức trọng thể vào dịp Thủ đô tưng bừng kỷ niệm 950 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Sáu mươi năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh đã đoàn kết bên nhau, cùng cả nước vượt qua bao khó khăn thử thách, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng đi lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tình cảm tốt đẹp, mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa ba thành phố kết nghĩa luôn được các thế hệ trân trọng, gìn giữ và phát huy.

 

 

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế cho biết, Hội thảo khoa học “Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong hành trình di sản và an ninh quốc gia” là dịp để ôn lại lịch sử mối tình kết nghĩa keo sơn của ba thành phố anh em; tìm hiểu về chiều sâu gốc rễ một nước Việt Nam thống nhất; tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân ba thành phố. Đồng thời, Hội thảo góp phần khẳng định vai trò, ví trí của Đại học Huế trong mối tương quan với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà, khu vực và thế giới; thể hiện ý chí và sự quyết tâm của Đại học Huế thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị nhằm phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia.

 

Đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

 

Đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng quan hệ Hà Nội – Huế - Sài Gòn không phải hình thành một cách chủ quan, mà đó là nhân duyên, sự tương đồng và dựa trên cơ sở khoa học. Nhìn lại thực trạng hiện nay, Hà Nội là thủ đô kinh tế - chính trị, Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) là đầu cầu kinh tế, Huế vẫn tiếp tục giữ vai trò cố đô với đặc trưng là nơi chứa đựng đầy đủ giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn của Việt Nam, là trung tâm y tế, giáo dục có tầm tương đương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã và đang tạo cho Huế một cơ hội đột phá trong quá trình phát triển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo khoa học “Hà Nội – Huế - Sài Gòn trong hành trình di sản và an ninh quốc gia” do Đại học Huế tổ chức.

 

Hội thảo đã nghe các báo cáo khoa học: “Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong công cuộc mở cõi và định cõi, hoàn thành thống nhất đất nước Việt Nam từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIX” của GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; “Tầm nhìn Trần Nhân Tông với Học thuyết Cư Trần lạc đạo” của Thượng tọa, TS. Thích Phước Đạt - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; “Thái Y viện Triều Nguyễn - đỉnh cao trong lịch sử phòng, chữa bệnh, tổ chức và đào tạo lương y Việt Nam” của PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế; “Giáo dục Phật giáo với trục Huế - Hà Nội - Sài gòn” của Thượng Tọa, TS. Thích Nguyên Đạt - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; “Tính hội tụ - lan tỏa và nhu cầu liên kết trên dải đất miền Trung” của TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế; “Sự kết nối và đồng hành của Hà Nội - Huế -  Sài Gòn trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước” của PGS.TS. Trương Công Huỳnh Kỳ, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

 

Các đại biểu, các nhà khoa học đã thảo luận các vấn đề:  các tiến trình lịch sử của dân tộc; sự hình thành các trung tâm Hà Nội, Huế, Sài Gòn trong hành trình phát triển của dân tộc; các giá trị của Hà Nội, Huế, Sài Gòn trong quá trình phát triển của đất nước; vai trò hình thành các trung tâm giáo dục và đào tạo của Hà Nội, Huế, Sài Gòn…

 

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trình bày báo cáo khoa học tại Hội thảo

 

Thượng tọa, TS. Thích Phước Đạt, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh trình bày báo cáo khoa học tại Hội thảo

 

Trần Đức

 

 

 

Các tin đã đăng
Liên kết
×