Tin tức - Sự kiện
|
Hồ Chí Minh với vấn đề độc lập và thống nhất đất nước
(13-05-2020 21:56)
Góp ý
Năm nay, Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam long trọng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1975 – 2020). Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến thắng lợi to lớn ngày 30/4/1975, nhưng trong đó công lao to lớn nhất thuộc về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh không những là người đặt cơ sở tư tưởng lí luận cách mạng cho sự nghiệp đấu tranh của Tổ quốc, Bác còn là người tổ chức thực hiện, xây dựng những nhân tố cơ bản cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của PGS. TS Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật, Đại học Huế
Hồ Chí Minh - Vị cha già kính yêu của dân tộc, nhà cách mạng, nhà chính trị, nhà văn hóa lỗi lạc của nhân loại. Không phải chỉ chúng ta mới thừa nhận:“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”[1], mà đã từ lâu, khắp mọi nơi trên thế giới người ta ca tụng Hồ Chủ Tịch là: “anh hùng thần thoại”, “một người vĩ đại của thời đại”, “một lãnh tụ cách mạng có ý chí thép và sức sống lạ thường”, một nhân vật “tượng trưng cho những giá trị cao quí của nhân loại ngày nay”.
Hồ Chủ Tịch là một trong những "người khổng lồ" của thời đại ta, một người đã “thu góp tinh hoa cho dân tộc Việt Nam, của nhân loại tiến bộ”[2] và đã có những cống hiến bất hủ cho dân tộc, cho nhân loại với hành động, tư tưởng và tài năng bao la của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng của dân tộc, là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, một ngọn hải đăng kì diệu soi sáng con đường cách mạng dân tộc. Suốt cuộc đời Bác không những là người đặt cơ sở tư tưởng lí luận cách mạng cho sự nghiệp đấu tranh của Tổ quốc, Bác còn là người tổ chức thực hiện, xây dựng những nhân tố cơ bản cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà.
Hồ Chí Minh giành sự quan tâm đến đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, xoá bỏ ách thống trị, áp bức, bóc lột của nước ngoài; giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập Nhà nước dân tộc độc lập.
Nếu Mác bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thì Hồ Chí Minh tập trung bàn về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Mác và Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước tư bản chủ nghĩa, thì Hồ Chí Minh bàn nhiều về đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
Từ thực tiễn của phong trào cứu nước của dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh khẳng định phương hướng phát triển của dân tộc trong bối cảnh mới của thời đại là chủ nghĩa xã hội.
Hoạch định con đường phát triển của dân tộc thuộc địa là một việc làm hết sức mới mẻ: từ nước thuộc địa lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua nhiều giai đoạn chiến lược khác nhau.
Con đường đó, như trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người viết: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Thực chất là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Con đường đó phù hợp với hoàn cảnh của các nước thuộc địa, nó hoàn toàn khác biệt với các nước đã phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội phương Tây. Đây là nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trên con đường tiếp cận chân lí cứu nước, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu và tiếp nhận những nhân tố có giá trị trong Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Từ quyền con người ấy, Người đã khái quát nên chân lí về quyền cơ bản của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[4].
Là người dân mất nước, nhiều lần được chứng kiến tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân đối với đồng bào mình và nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, Hồ Chí Minh thấy rõ một dân tộc không có quyền bình đẳng chủ yếu là do dân tộc đó mất độc lập. Vì vậy, theo Người, các dân tộc thuộc địa muốn có quyền bình đẳng thực sự phải tự đứng lên đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn cho dân tộc mình.
Nền độc lập hoàn toàn, độc lập thật sự của một dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải được thể hiện đầy đủ ở những nội dung cơ bản sau đây: - Độc lập tự do là quyền tự nhiên, thiêng liêng, vô cùng quí giá và bất khả xâm phạm của dân tộc. Độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân là thiêng liêng nhất. Người đã từng khẳng định: Cái mà tôi cần nhất trên đời này là: đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập. - Dân tộc độc lập trên tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia do dân tộc đó tự quyết định. Người khẳng định: Nước Việt Nam là của người Việt Nam, do dân tộc Việt Nam quyết định, nhân dân Việt Nam không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến hội nghị Véc-xây bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đòi quyền bình đẳng, tự do cho dân tộc Việt Nam: Một là, đòi quyền bình đẳng về chế độ pháp lí cho người bản xứ Đông Dương như đối với châu Âu, xoá bỏ chế độ cai trị bằng sắc lệnh, thay thế bằng chế độ đạo luật. Hai là, đòi quyền tự do dân chủ tối thiểu cho nhân dân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, tự do cư trú...
Bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc rút ra bài học: Muốn bình đẳng thực sự phải đấu tranh giành độc lập dân tộc - làm cách mạng, muốn giải phóng dân tộc chỉ có thể trông cậy vào chính mình, vào lực lượng của bản thân mình. - Trong nền độc lập đó, mọi người dân đều ấm no, tự do, hạnh phúc, nếu không độc lập chẳng có nghĩa gì. Nghĩa là độc lập dân tộc phải gắn liền với hạnh phúc, cơm no, áo ấm của nhân dân.
Suốt đời Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”
Người nói: “Chúng ta đã hy sinh, đã giành được độc lập, dân chỉ thấy giá trị của độc lập khi ăn đủ no, mặc đủ ấm”. Tư tưởng này thể hiện tính nhân văn cao cả và triệt để cách mạng của Hồ Chí Minh.
Nội dung cốt lõi trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 là: độc lập, tự do cho dân tộc tạo tiền đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trực tiếp chủ trì Hội nghị TW 8 (5/1941), Người viết thư Kính cáo đồng bào và chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng là cao hơn hết thảy”[5].
Tháng 8-1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Người khẳng định quyết tâm: “Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”[6].
Trong“Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Người long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do độc lập ấy”[7].
Đứng trước âm mưu tái xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, trong các thư và điện văn gửi tới Liên Hợp Quốc và Chính phủ các nước vào thời gian sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập và chủ quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”[8].
Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không, Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[9]. Trong một văn kiện khác Bác viết: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng, quyết không làm nô lệ; chỉ có một chí; quyết không chịu mất nước; chỉ có một mục đích: kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho tổ quốc”.
Cuộc kháng chiến chống Pháp vừa giành được thắng lợi (1954), dân tộc ta lại phải đương đầu với âm mưu và hành động xâm lược trực tiếp của đế quốc Mĩ. Thay mặt cho ý chí và nguyện vọng thiết tha của toàn thể dân tộc Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề độc lập dân tộc và xem đó là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người dân Việt.
Năm 1965, bị thất bại nặng nề trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mĩ thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ trên toàn miền Nam Việt Nam. Tháng 8-1965, Mĩ ồ ạt đưa 30 vạn quân viễn chinh cùng rất nhiều vũ khí và thiết bị quân sự vào miền Nam Việt Nam hòng nhanh chóng tiêu diệt quân cách mạng và bình định miền Nam trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa bằng cuộc chiến tranh phá hoại do không quân và hải quân thực hiện. Nhưng ngay mùa khô năm 1965 - 1966, quân Mĩ đã bị đánh bại trên chiến trường miền Nam, ở miền Bắc quân và dân ta đã bắn rơi hàng nghìn máy bay các loại của đế quốc Mĩ. Thua đau, nhưng đế quốc Mĩ vẫn không từ bỏ dã tâm xâm lược mà càng đem quân và vũ khí, không chỉ mang quân Mĩ đến mà còn đưa cả quân đồng minh Úc, Thái Lan, Nam Triều Tiên... vào tham chiến, một mặt muốn giành lại thế chủ động ở chiến trường ép quân giải phóng phải co cụm lại, đồng thời cắt đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam từ hậu phương miền Bắc. Mặt khác, chúng âm mưu ép ta phải ngồi vào bàn đàm phán theo ý muốn của chúng. Trước âm mưu của địch, lường trước khả năng cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước có thể còn lan rộng và vô cùng ác liệt. Để khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Khẳng định cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Đồng thời chuẩn bị tư tưởng trước cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào một giai đoạn chiến đấu mới quyết liệt hơn, khó khăn hơn và hi sinh nhiều hơn để giành lấy thắng lợi hoàn toàn, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi chống Mĩ cứu nước”.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi của người Việt Nam là đánh thắng đế quốc Mĩ xâm lược mặc dù chúng có thể đưa 50 vạn quân hoặc 1 triệu quân Mĩ vào Việt Nam, chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay để đánh phá miền Bắc. Thông qua lời kêu gọi đã thể hiện dân tộc Việt Nam hết sức bình tĩnh trước khó khăn, thách thức, tin tưởng vào sức mình, vào sự đoàn kết của toàn dân tộc. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song người Việt Nam quyết không sợ”. Trong lời kêu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chân lí nổi tiếng làm cho lời kêu gọi ngày 17-7-1966 có sức lan tỏa rất xa và có sức mạnh tập hợp đoàn kết rất mạnh mẽ, đồng thời khẳng định một niềm tin lớn vào ngày mai. Đó là chân lí “Không có gì quí hơn độc lập - tự do”. Và “đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”[10].
Tóm lại, “Không có gì quí hơn độc lập tự do” không chỉ là lí tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh. Đó là lí do chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam, đồng thời là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Trên con đường cứu nước Bác đã nhìn thấy rõ nhu cầu của đất nước đó là độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Ngay trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” Bác đã khẳng định một chân lí “nước Nam là một khối thống nhất có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một truyền thống, chung một giọng nói”[11]. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ở tất cả các giai đoạn lịch sử cách mạng, đến khi đi vào cõi vĩnh hằng, trong tư tưởng của Bác luôn là độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Bác chỉ rõ chỉ giải phóng hoàn toàn dân tộc, khi toàn thể cộng đồng người sống trên toàn cõi nước Việt Nam được giải phóng và sự đảm bảo của một dân tộc được giải phóng khi Tổ quốc được thống nhất.
Tổ quốc thống nhất là nhu cầu của sự tồn tại dân tộc, nhu cầu tình cảm dân tộc. Nó trở thành động lực cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội. Thống nhất Tổ quốc tạo nên sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho công cuộc bảo vệ tự do độc lập chủ quyền Tổ quốc, đồng thời cũng đảm bảo cho công cuộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Vì thế, Bác nói “đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của dân nhân Việt Nam”[12]. Bản thân Bác là hiện thân cho ý chí thống nhất đất nước.
Ngày 23-9-1945 thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, tiếng súng kháng chiến của đồng bào Nam Bộ nổ ngay tại Sài Gòn, mở đầu cho một thời kì kháng chiến bảo vệ thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Ngay sau đó, Bác đã gởi thư cho đồng bào Nam Bộ và khẳng định “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lí ấy không bao giờ thay đổi”[13].Chính những ngày máu lửa này Bác và Trung ương Đảng đã phát động trong cả nước một phong trào ủng hộ kháng chiến Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hưởng ứng phong trào, hàng vạn thanh niên hầu hết các tỉnh miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nô nức vào Nam giết giặc. Phong trào Nam tiến cùng với các phong trào khác của cả nước ủng hộ miền Nam kháng chiến biểu thị ý chí quyết tâm lớn của cả dân tộc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng Tổ quốc mà Đảng và Bác đã phát động lúc bấy giờ.
Năm 1946, với Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9 chưa kịp ráo mực, thực dân Pháp đã phản bội. Chúng quyết phá nền thống nhất đất nước ta, lập ra “Nam Kì tự trị” với một chính phủ bù nhìn[14]. Hồ Chủ Tịch phản đối ngay và tuyên bố với nhân dân Pháp “Nam bộ là miếng đất của Việt Nam, đó là thịt của chúng tôi”[15].
Với ý chí và quyết tâm đó, dưới sự lãnh đạo của Bác, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh. Sau 9 năm trường kì kháng chiến (1945 -1954), dân tộc ta đã giành chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ (7-5-1954), buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), thừa nhận tất cả các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Đây là một thắng lợi lớn trên con đường thống nhất Tổ quốc. Miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc cho sự nghiệp hoàn thành giải phóng miền Nam.
Tuy nhiên, liền sau Hội nghị Giơnevơ sự thống nhất độc lập Tổ quốc lại bị đe dọa một lần nữa. Kẻ thù lại âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta; trong lúc dầu sôi lửa bỏng Bác khẳng định: “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”, “Thống nhất nước nhà là con đường sống của chúng ta”.
Trước sự chuyển biến của tình hình cách mạng trong cả nước, Bác đã xác định đường lối cách mạng: “Cách mạng Việt Nam hiện nay có hai nhiệm vụ đồng thời tiến hành: nhiệm vụ xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ miền Nam. Thực hiện mục tiêu chúng thống nhất nước nhà”[16]. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, Bác chỉ rõ Đại hội lần này là “Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước ta”[17]. Bác cũng khẳng định ý chí quyết tâm lớn của Đảng, toàn dân ta, dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn và thực hiện kì được thống nhất đất nước, Nam - Bắc một nhà.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III với ý chí đấu tranh thống nhất đất nước, Bác và Đảng ta phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai, vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “phong trào kết nghĩa Nam Bắc”. Phong trào bắt nguồn từ tinh thần yêu nước nồng nàn với tình cảm chân thành ruột thịt của nhân dân hai miền. Đó chính là hình ảnh cụ thể của một dân tộc lịch sử gắn bó với nhau như anh em một nhà[18].
“Dù cho sông cạn đá mòn Nhân dân Nam Bắc là con một nhà”[19].
Phong trào kết nghĩa Nam Bắc là một phong trào lớn đã động viện đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Theo tài liệu để lại, chỉ theo một thời gian ngắn phát động đã có 31 tỉnh thành và thành phố lớn ở miền Bắc đã kết nghĩa với 2 tỉnh Hà Nam và Biên Hòa, sau đó đến các tỉnh Hà Đông – Cần Thơ, Ninh Bình – Bạc Liêu, Bắc Giang - Sóc Trăng, Nam Định - Mĩ Tho, Hải Dương - Phú Yên, Thái Bình - Trà Vinh, Vĩnh Phúc - Bến Tre, Hà Tĩnh - Bình Định, Nghệ An - Quảng Ngãi, Thanh Hóa - Quảng Nam, Hải Phòng - Đà Nẵng, Hải Ninh - Long Châu Hà, Hồng Quảng - Bà Rịa…Lễ kí kết Hà Nội - Huế - Sài Gòn vào ngày 8-10-1960.
Có thể khẳng định phong trào đã nuôi dưỡng và kích thích tình cảm ruột thịt thống nhất Bắc - Nam, là động lực thúc đẩy phong trào cách mạng cả hai miền Nam Bắc. Đối với miền Nam, phong trào đã động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu bất khuất của đồng bào, kiên quyết chống lại chính sách đàn áp, khủng bố man rợ của chính quyền Mĩ ngụy, thi đua giết giặc cứu nước.
Chính bằng tinh thần, nghị lực này cả dân tộc ta đứng dậy đập tan âm mưu chia cắt quân thù làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ trong Hiệp định Paris (27-1-1973) và chính phủ Mĩ phải cam kết: “Hoa Kì và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”[20].
Mùa xuân năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhân dân ta đã thực hiện được nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng của Bác, cũng là nguyện vọng của cả dân tộc là giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc; cũng từ đó đất nước ta bước vào kỉ nguyên độc lập thống nhất.
* Đã 45 năm đất nước trôi qua trong hòa bình thống nhất (1975 - 2020) với biết bao biến thiên thăng trầm của lịch sử nhưng cũng đã đến lúc chúng ta cùng nhau suy ngẫm về ý chí thống nhất nước nhà của Hồ Chí Minh và những chặng đường cách mạng đã qua để kiểm định con đường cách mạng hiện nay, tin tưởng vào truyền thống cách mạng anh hùng, bất khuất của dân tộc ta. Hồ Chủ Tịch đã đi xa, nhưng những điều vĩ đại nhất vẫn còn đó, dành cho những người đang sống mà trong những năm tháng qua đã chung tâm, chung lòng xây dựng và phụng sự Tổ quốc Việt Nam. Nếu mọi người lại chung tâm để soi rọi lại mình, chung sức để cùng xây dựng đất nước, chung lòng để gìn giữ những thành quả mà thế hệ Hồ Chí Minh đã để lại thì có thể kể như bóng dáng của Người vẫn còn mãi nơi đây.
PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng, Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Ths. Lê Văn Thuật, Giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
[1]Trích trong bài văn điếu Hồ Chủ Tịch của TW Đảng lao động Việt Nam do đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 9 tháng 9 năm 1969. [2]Phạm Văn Đồng (1969), Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, NXB Văn học, Hà Nội; tr. 199. [3]Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; tr. 1. [4]Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; tr. 555. [5]Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; tr. 198. [6]Võ Nguyên Giáp (1994), Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; tr. 196. [7]Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 4,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; tr. 4. [8]Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; tr. 496. [9]Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự Thật, Hà Nội; tr. 202. [10]Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; tr. 108. [11]Hồ Chí Minh (1986), Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb Sự Thật, Hà Nội; tr 132. [12]Hồ Chí Minh (1976), Thống nhất nước nhà con đường sống của nhân dân ta, Nxb Sự Thật, Hà Nội; tr. 134. [13]Hồ Chí Minh (1980), Tuyển tập, Tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội; tr. 387. [14]Trong khi Hội nghị Fontainebleau sắp diễn ra ở Pháp thì Cao ủy Đông Dương là d'Argenlieu đơn phương tán thành việc thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kì ngày 27-5-1946 và ra tuyên cáo ngày 1-6 trước đám đông tụ tập ở Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn. Ngày 5 tháng 6, tổng trưởng Pháp Marius Moutet chấp thuận hành xử của d'Argenlieu để "bảo vệ quyền lợi của dân tộc Nam Kì". Cũng vào đầu tháng 6, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh được đề cử làm thủ tướng chính phủ Cộng hòa Nam Kì tự trị. Ủy viên Cédile liền ký với tân thủ tướng một hiệp ước nhìn nhận xứ Nam Kì là một xứ tự do, riêng biệt trong khuôn khổ của Liên bang Đông Dương. [15]Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự Thật, Hà Nội; tr. 147. [16]Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ III, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản tháng 9 – 1960; tr. 35. [17]Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội; tr. 183. [18]Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội; tr. 147. [19]TríchThư chúc tết Quý Mão(1963) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. [20]Trần Bá Đệ (2000), Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến nay, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội; tr. 315.
Các tin mới hơn
Tổng kết, trao giải hội thi Tìm hiểu về công tác kiểm tra, giám sát của Công đoàn năm 2020
(22-01-2021 10:25)
Khai mạc giải bóng bàn Hội Thể thao Đại học và Chuyên nghiệp Huế lần thứ XII năm 2020
(06-12-2020 09:44)
Trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và kỷ niệm chương vì sự nghiệp kiểm tra của Đảng
(11-09-2020 05:17)
Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Đại học Huế
(06-07-2020 15:06)
Đội thi Trường Đại học Sư phạm đạt giải Nhất cuộc thi tiểu phẩm tuyên truyền an toàn giao thông năm 2020
(01-06-2020 08:31)
Khai giảng Lớp Bồi dưỡng lý luận chính trị đảng viên mới 2020
(29-05-2020 10:19)
Hàng trăm đoàn viên sinh viên Đại học Huế tham gia hiến máu tình nguyện
(28-05-2020 14:53)
Lãnh đạo Đại học Huế dâng hoa nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
(19-05-2020 08:59)
Các tin đã đăng
Thông báo Hội thảo khoa học Huế - Hà Nội - Sài Gòn trong hành trình di sản và an ninh quốc gia
(13-05-2020 08:42)
Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020)
(29-04-2020 16:42)
Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học Huế - Hà Nội - Sài Gòn trong hành trình di sản và an ninh quốc gia
(18-03-2020 15:59)
Lãnh đạo Đại học Huế dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị
(01-02-2020 16:24)
Hội Cựu chiến binh Đại học Huế kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập và sinh hoạt chính trị chuyên đề biên giới hải đảo và các vấn đề trong nước
(02-12-2019 16:37)
Công đoàn Cơ sở Khoa Du lịch giành giải Nhất toàn đoàn hội thi văn nghệ CBVCLĐ Đại học Huế lần thứ II, năm 2019
(15-11-2019 15:56)
Hội nghị tập huấn tuyên truyền kết quả công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia năm 2019
(30-10-2019 10:36)
Công đoàn Đại học Huế thăm và tặng quà Trường Tiểu học Pa Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị
(14-10-2019 14:04)
|
Tin tức, sự kiện nổi bật
Thông báo số 01 viết bài tham dự Hội thảo “30 năm thực hiện Nghị định 30/CP của Chính phủ, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia”
(15-08-2024 09:31)
Thông báo tuyển sinh đại học bằng hai, liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế năm 2023 đợt 3
(19-10-2023 14:46)
Thông báo Danh sách tập thể và cá nhân được đề nghị công nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng năm học 2022 - 2023
(21-08-2023 10:27)
Tin tức, sự kiện mới nhất
Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh sau đại học năm 2024
(22-01-2025 15:01)
Công đoàn Đại học Huế tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
(22-01-2025 14:37)
Đảng ủy Đại học Huế: Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
(22-01-2025 09:53)
Liên kết
|