English | Français   rss
Liên kết
Pháp ngữ - một cánh cửa mở ra thế giới đối với các trường đại học (16-12-2010 12:51)
Góp ý
Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học sử dụng tiếng Pháp khu vực châu Á -Thái Bình Dương (CONFRASIE) lần thứ 9 diễn ra tại TP.Huế đã thảo luận về những vấn đề xoay quanh vai trò của tiếng Pháp trong các trường đại học châu Á-Thái Bình Dương.

Cơ hội để mở rộng quan hệ

* Là một trong những đại học đầu tiên ở Việt Nam tham gia AUF, ông có thể cho biết những kết quả nổi bật nhất và những lợi ích mà tổ chức này đem lại?

PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, Phó Giám đốc ĐHH: Từ khi tham gia AUF vào năm 1995 đến nay, quan hệ của ĐHH với Văn phòng AUF và các trường trong khối các trường đại học Pháp ngữ ngày càng phát triển và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Hội nghị thường kỳ của cộng đồng này trong phạm vi toàn thế giới hoặc khu vực châu Á-Thái Bình Dương là cơ hội rất tốt để ĐHH thu nhận thêm các kinh nghiệm của các trường đại học trên thế giới về quản trị đại học, về chương trình, công nghệ đào tạo, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình hợp tác đại học. Với sự tài trợ về kinh phí của AUF và giúp đỡ của các trường thành viên của AUF, chúng tôi đã xây dựng các chương trình đào tạo cử nhân bằng tiếng Pháp một số ngành ở các trường như: Trường đại học Khoa học, Trường đại học Sư phạm, Trường đại học Kinh tế, Trường đại học Y-Dược. Chất lượng đào tạo các khóa học này rất tốt, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp được tiếp tục đào tạo thạc sĩ ở các trường đại học thành viên của AUF và được bồi dưỡng thêm để trở thành giảng viên của ĐHH. Chúng tôi cũng đang hợp tác với trường Đại học Toulouse (Pháp) để xây dựng chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ đào tạo và việc làm. Nhiều cán bộ của ĐHH cũng được nhận học bổng của AUF để làm tiến sĩ ở các nước như Pháp, Canada...

* Lâu nay tiếng Anh vẫn chiếm ưu thế hơn hẳn so với tiếng Pháp trong những chương trình hợp tác, chương trình đào tạo... Vậy đâu là những rào cản và để tiếng Pháp thực sự là "cửa ngõ" mở rộng cơ hội hợp tác giữa ĐHH với các nước thành viên trong cộng đồng Pháp ngữ, ĐHH cần có những chính sách như thế nào?

PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, Phó Giám đốc ĐHH: Hiện nay, xu thế thế giới sử dụng tiếng Anh khá phổ biến. Giao dịch thương mại của chúng ta với các nước cũng chủ yếu bằng tiếng Anh, phần lớn, các công ty nước ngoài ở Việt Nam cũng sử dụng tiếng Anh là chủ yếu. Trên thực tế, sinh viên sau khi tốt nghiệp có tiếng Anh tốt dễ tìm việc làm tốt và dễ tìm kiếm học bổng để được đào tạo tiếp. Vì vậy, môi trường xã hội ảnh hưởng tâm lý lựa chọn ngôn ngữ thứ hai cho người học, đó là rào cản cho việc mở rộng hợp tác với các trường đại học trong cộng đồng các trường đại học Pháp ngữ. Tuy nhiên, qua theo dõi trong đội ngũ cán bộ của ĐHH, những cán bộ và sinh viên sử dụng tốt tiếng Pháp rất thuận lợi trong việc xin học bổng của AUF và nhiều cán bộ đã trưởng thành từ các học bổng này. Thực tình mà nói thì chính sách phải là từ AUF, tăng cường các học bổng, hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hội nghị hội thảo, thăm viếng, xây dựng các chương trình liên kết. Với khả năng của mình, ĐHH chỉ có thể cố gắng xây dựng các chương trình liên kết đào tạo với các ngành nghề thu hút sự chú ý của xã hội, mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ và sinh viên về các hoạt động của AUF.

Học bổng chính là "cửa ngõ"

* Theo bà, những rào cản trong chương trình giáo dục của Auf là gì?

Bà Đồng Thị Bích Thủy, Chủ tịch CONFRASIE (nhiệm kỳ 1998-2010): AUF là nơi để trao đổi những vấn đề cùng quan tâm. Có 3 vấn đề cụ thể trong thời gian 4 năm vừa qua đặt ra để trao đổi, đó là trao đổi về việc chuyển đổi qua hệ thống tín chỉ; rồi vấn đề các nước châu Âu chuyển đổi sang hệ thống đào tạo 3 cấp nhất quán toàn châu Âu (cấp đại học là 3 năm cấp thạc sĩ 2 năm tiếp theo, cấp tiến sĩ là 3 năm tiếp theo đó); còn các nước ở châu Á-Thái Bình Dương lại đang có hệ thống giáo dục đại học cũng ba cấp như vậy nhưng cấp đại học 4 năm. Vậy sự trao đổi chuyển tiếp cho sinh viên sau khi đã tốt nghiệp đại học sẽ ra sao? Đó là vấn đề cần có sự trao đổi về những suy nghĩ và quan điểm. Một vấn đề khác đang đặt ra, đặc biệt là ở Việt Nam là những chương trình dạy bậc đại học một phần bằng tiếng Pháp với sự hỗ trợ của tổ chức AUF đã bắt đầu từ năm 1994 và mỗi năm phát triển thêm chương trình mới trên tinh thần đó. Bây giờ tất cả các trường và bản thân tổ chức AUF nhận thấy tình hình giáo dục ở Việt Nam đã thay đổi nhiều và mô hình đó không còn hấp dẫn nữa. nhất là khi so sánh với những chương trình có một phần đào tạo bằng tiếng Anh với những đối tác tiếng Anh. Vấn đề chuyển chương trình đó sang một chương trình khác hấp dẫn hơn, có thể mang tính cạnh tranh với những chương trình bằng tiếng Anh như thế nào vẫn là câu hỏi khó.

* Để tiếng Pháp thực sự là "cánh cửa" mở ra thế giới, các trường đại học ở Việt Nam cần phải làm gì?

Bà Đồng Thị Bích Thủy, Chủ tịch CONFRASIE (nhiệm kỳ 1998-2010): Với những trường đại học ở Việt Nam, vấn đề quan tâm hàng đầu của các trường là có cơ hội và điều kiện gửi giáo viên trẻ đi đào tạo ở nước ngoài bên cạnh chương trình với học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi thấy rằng, các trường có sự hợp tác trong khối Pháp ngữ thì cơ hội học bổng rất nhiều và đa dạng so với khối Anh ngữ, đó là thuận lợi rất lớn và cũng là "cửa ngõ" để các trường gửi giảng viên trẻ đi đào tạo, giúp giảng viên trẻ có cơ hội "mở" ra các khu vực khác. Những người đó một khi được đào tạo bằng tiếng Pháp đều có tiếng Anh hết vì, tiếng Anh là ngôn ngữ của khoa học, họ có thể đi dự một hội nghị khoa học và trình bày bằng tiếng Anh. Và từ đó, họ có mối quan hệ với các nước nói tiếng Anh. "Cửa ngõ" mở ra quốc tế là như vậy. Cơ hội học bổng thì nhiều vô cùng, vì Tổ chức AUF, chính phủ Pháp, Thụy Sĩ, Cannada, Bỉ... tất cả những nước đó đều có chương trình học bổng cấp cho bậc thạc sĩ nên các sinh viên và sinh viên giỏi được giữ lại trường đều có cơ hội dễ dàng tìm kiếm học bổng. Đối với những trường không phải ở thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cơ hội đó rất có ý nghĩa, ví dụ như trường đại học Cần Thơ có số lượng giảng viên trẻ được gửi đi đào tạo tại Pháp rất nhiều thông qua tổ chức AUF và tôi biết ở Huế cũng có nhiều giảng viên được gửi đi đào tạo như vậy. Mỗi năm, Tổ chức AUF ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có khoảng 100 học bổng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, đó là nguồn kinh phí của vùng. Nói là cho vùng nhưng cho Việt Nam là chủ yếu vì hồ sơ học bổng chủ yếu là Việt Nam, còn Lào, Campuchia rất ít.

* Xin cảm ơn.

Theo Báo TTH

Liên kết
×