English | Français   rss
Liên kết
Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ Đại học Huế: Mang tri thức đến với cộng đồng (17-06-2013 04:09)
Góp ý

Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ - Đại học Huế là một mô hình tuy không mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Làm sao để tri thức ở trong trường đại học thực sự đi vào cuộc sống của cộng đồng? Làm sao để các nhà khoa học cùng chung tay đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội? Đó là những câu hỏi lớn đặt ra, cần những nhà khoa học và những doanh nghiệp bắt tay để cùng trả lời những câu hỏi đó? Nhân sự kiện ra mắt Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ Đại học Huế, PV.BT ĐHH đã có trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Trung tâm về hướng phát triển và hoạt động của Trung tâm. 

 

PV: Khái niệm và mô hình “Ươm tạo” (Incubation) và “Chuyển giao công nghệ” (Technology transfer) tuy đã có từ lâu ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, có thể những khái niệm này vẫn còn mới mẻ đối với chúng ta. Xin Ông có thể giải thích thêm về những khái niệm này?

 

PGS.TS.Nguyễn Quang Linh (PGS.TS. NQL):

 

“Ươm tạo” trong khoa học và công nghệ có nghĩa làm cho các sản phẩm khoa học và các quy trình công nghệ vừa có tính mới và khả năng ứng dụng cao. Trong nghiên cứu khoa học lúc nào chúng ta chú ý để đánh giá nghiên cứu này hay nghiên cứu kia có gì mới không, sáng tạo không, khả năng ứng dụng thế nào? Vậy nó cũng không phải là mới nhưng ở đây với một Trung tâm ươm tạo có nghĩa ở đó phải có những sản phẩm khoa học công nghệ hay những quy trình mới mà khả năng ứng dụng cao và ứng dụng phải có hiệu quả.

 

Còn “Chuyển giao” rất gần với các cộng đồng hay các nhà kỹ thuật. Sản phẩm nghiên cứu có chuyển giao được không hay có áp dụng được ở đâu không. Điều mà các nhà khoa học lúc nào cũng phải nghĩ tới chứ không phải nghiên cứu xong bỏ tủ cất hay bỏ vào thư viện.

 

Vậy nên cả 2 cụm từ ươm tạo và chuyển giao khá quen thuộc khi làm NCKH ở nước ta rồi.  Ở các nước khác như Hà Lan, Bỉ, cách đây 15 năm họ cũng đã chú trọng đến vấn đề này. Nhà nước đã đầu tư cho cả ươm tạo và chuyển giao. Còn ở Nhật và Mỹ, khi nghiên cứu là người ta đã nghĩ ngay đến ứng dụng và chuyển giao cho ai, ở đâu rồi.

Nói tóm lại, nghiên cứu không tập trung vào những điều quá cao xa mà nghiên cứu những gì xã hội đang cần và đặc biệt là hiện nay cần cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, phát huy văn hóa truyền thống người Việt. Đặc biệt ở Cố đô Huế, sẽ tập trung thêm những gì để góp phần tôn tạo bản sắc văn hóa Huế và phát triển kinh tế địa phương, làm cho Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp.

 

PV: Xin Ông có thể giới thiệu qua về mô hình hoạt động của Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ Đại học Huế?

 

PGS.TS. NQL:

Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ (CSIT) bao gồm 2 phần:

1. Ươm tạo là nơi nghiên cứu để tạo ra các công nghệ, sản phẩm hay đầu tư thêm để các sản phẩm KHCN của các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên ĐHH đã và đang nghiên cứu nhưng chưa có khả năng chuyển giao hay chưa hấp dẫn cho thị trường khoa học công nghệ và những nghiên cứu này sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường KHCN như thế nào. Phải nói rằng đây là phần ta cứ tưởng là dễ nhưng thực ra bao năm qua có rất nhiều nghiên cứu nhưng các nghiên cứu đó có thể nó là chưa xứng tầm, chưa đáp ứng cho thị trường KHCN ở nước ta. Vậy, Trung tâm sẽ tiếp cận với các nghiên cứu hay các công nghệ mà khả năng sẽ có sản phẩm, có quy trình công nghệ có thể áp dụng hay chuyển giao được và đề xuất với Bộ KHCN, các Bộ khác và các địa phương đầu tư thêm để nghiên cứu.

 

2. Chuyển giao là bộ phận quan trọng tiếp cận thị trường KHCN trong  nước và nước ngoài để quảng bá sản phẩm KHCN của ĐHH, của các nhà nghiên cứu, đồng thời mua hay tiếp nhận các công nghệ tiên tiến, các sản phẩm vượt trội của các nước; xây dựng các cầu nối giữa nhà nghiên cứu, nhà khoa học với các doanh nghiệp; các cộng đồng, những nơi cần KHCN để làm tăng giá trị lao động của chính họ. 

 

Chính vì vậy, Trung tâm phải tạo ra được một thị trường KHCN. Đó cũng là điều cần thiết và cấp bách nhất cho cơ chế hoạt động của Trung tâm và chúng tôi xác định đây là phần quan trọng.

 

PV: Ông có thể thông tin thêm về thực trạng nhu cầu ươm tạo doanh nghiệp hiện nay tại Thừa Thiên Huế và miền Trung cũng như cả nước?

 

PGS.TS. NQL:

Nói về nhu cầu ươm tạo doanh nghiệp là rất lớn, không riêng gì ở Thừa Thiên Huế và miền Trung mà cả nước. Nhưng nhu cầu ươm tạo doanh nghiệp đối với các thành phần kinh tế nào (doanh nghiệp tư nhân hay các đơn vị công lập)? Vậy, chúng ta cần có một khảo sát thật thực tế để biết khả năng chuyển đổi sang doanh nghiệp KHCN và xem tiềm năng ở Thừa Thiên Huế và khu vực. Nhìn lại chặng đường thực hiện NĐ115/CP và NĐ80/CP việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở KHCN công lập, cho thấy thiếu sự quyết tâm và háo hức của các nhà khoa học, sợ rằng khi chuyển đổi thành tự chủ lại mất đi các quyền lợi được cấp kinh phí NCKH theo kiểu phân phối. Trong tháng 6/2013 sở KHCN Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Hội nghị để đánh giá nhu cầu ươm tạo doanh nghiệp tại tỉnh nhà.

 

PV: Khả năng thương mại háa và chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Đại học Huế? Những thế mạnh và điều kiện sẵn có của Đại học Huế?

 

PGS.TS. NQL:

 

Có thể nói rằng ở ĐHH có nhiều công trình và đề tài NCKH song việc thương mại hóa các sản phẩm KHCN chưa khả thi bởi vì ta chưa có thị trường KHCN, cũng phải nói rằng sản phẩm của chúng ta chưa hấp dẫn với xã hội, đặc biệt với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta có thế mạnh về đội ngũ cán bộ khoa học và trang thiết bị tốt. Vì vậy ta phải có các sản phẩm ưu thế, công nghệ vượt trội để hấp dẫn xã hội là điều quan trọng.

 

PV: Định hướng phát triển các hoạt động của Trung tâm? Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai mô hình này tại Đại học Huế?

 

PGS.TS. NQL:

 

Định hướng đã rõ là ươm tạo ra các sản phẩm KH và các công nghệ có khả năng ứng dụng cao và ứng dụng có hiệu quả. Đồng thời, chuyển giao là sự sống còn của Trung tâm vì thông qua chuyển giao Trung tâm mới có nguồn thu, tuy nhiên chuyển giao những gì vẫn là câu hỏi lớn cho Trung tâm.

 

Có nhiều thuận lợi khi chúng ta triển khai mô hình này vì đã có chủ trương từ Trung ương đến địa phương và ĐHH.

 

Bên cạnh đó vẫn có rất nhiều khó khăn. Hiện khó khăn nhất là đội ngũ tâm huyết và sự hy sinh lợi ích cá nhân ở giai đoạn đầu này. Tiếp đến là sự ủng hộ và đồng thuận về mặt tư duy của tất cả các nhà khoa học và các đơn vị thành viên.

 

PV: Xin chân thành cảm ơn Ông.

 

 

AH thực hiện

Liên kết
×