English | Français   rss
Liên kết
Hội thảo quốc tế Ứng dụng Công nghệ sinh học: Chuyển giao từ phòng thí nghiệm ra sản xuất (21-12-2017 10:09)
Góp ý

 

Ngày 21/12/2017, Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Ứng dụng Công nghệ sinh học: Chuyển giao từ phòng thí nghiệm ra sản xuất”. Tham dự Hội thảo có GS. Wen Chien Lee, Đại học Quốc gia Chung Cheng, Đài Loan; GS. Shwu Jer Chiu, GS. Yu Kaung Chang, GS. Chen Yaw Chiu, GS. Jung Ching Tsai, GS. Chao Liu Liu (Đại học Công nghệ Ming Chi, Đài Loan); TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế; TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế; PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học; đại diện Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng và các nhà khoa học Đại học Huế, các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ sinh học trong và ngoài nước.

 

 

Hội thảo quốc tế  “Ứng dụng Công nghệ sinh học: Chuyển giao từ phòng thí nghiệm ra sản xuất”

 

Công nghệ sinh học được coi là một trong những ngành khoa học then chốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thế giới thế kỷ 21, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ con người, bảo tồn đa dạng sinh học, dự báo, giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế, xã hội đến môi trường và ngược lại, tìm ra nguồn năng lượng mới, sạch, bền vững thay thế cho các nguồn năng lượng hiện tại và có thể tạo ra các sản phẩm mang tính đột phá và tác động sâu rộng đến kinh tế, xã hội toàn cầu.

 

Hội thảo lần này là một trong những diễn đàn để các nhà khoa học ở Đại học Huế cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp gặp gỡ, thảo luận và trao đổi với các giáo sư đến từ Đại học Quốc gia Chung Cheng và Đại học Công nghệ Ming Chi, Đài Loan.

 

TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh Đại học Huế là một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng phát triển thành một đại học nghiên cứu và ngành công nghệ sinh học là một trong những ngành quan trọng để thực hiện thành công sứ mệnh này. Đại học Huế hiện có hơn 150 giáo sư, giảng viên và nghiên cứu viên đang hoạt động, nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ sinh học như: nông nghiệp, y học, môi trường… và đã có nhiều sản phẩm của các nhà khoa học Đại học Huế được thương mại hóa thành công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Phó Giám đốc Đại học Huế hy vọng trong thời gian tới các nhà khoa học quốc tế, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học Đại học Huế để để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển ngành công nghệ sinh học.

 

Với chủ đề “Ứng dụng Công nghệ sinh học: Chuyển giao từ phòng thí nghiệm ra sản xuất”, Hội thảo đã giới thiệu các báo cáo tham luận như: Kỹ thuật mới trong tinh sạch protein (GS. Yu-Kaung Chang, Đại học Ming Chi); quy mô hóa sản suất trong hệ lên men hiếu khí (GS. Chen-Yaw Chiu, Đại học Ming Chi); phát triển vaccine có nguồn gốc thực vật sử dụng hệ thống biểu hiện nhanh (TS. Nguyễn Xuân Huy, Trường đại học Sư Phạm, Đại học Huế); sản xuất đồng phân quang học của axit lactic từ Escherichia coli đường ruột (GS. Wen-Chien Lee, Đại học Quốc gia Chung Cheng); cơ chế hoạt động và ứng dụng của siRNA trong điều trị bệnh hen suyễn (GS. Chao-Lin Liu, Đại học Ming Chi); nghiên cứu phân lập, tính chất và tiềm năng biệt hóa thành tế bào tim của tế bào gốc phôi thai tim (TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế).

 

GS. Yu Kaung Chang, Đại học Công nghệ Ming Chi, Đài Loan trình bày báo cáo tại Hội thảo

 

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế (ngoài cùng, bên phải) và TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế (ngoài cùng, bên trái) tặng quà lưu niệm cho các Giáo sư quốc tế tham dự Hội thảo

 

Trần Đức

 

 

 

 

Liên kết
×