English | Français   rss
Liên kết
Đại học Huế thuộc nhóm 350 đại học hàng đầu Châu Á theo xếp hạng QS (16-06-2016 15:30)
Góp ý

Ngày 15 tháng 6 năm 2016, tổ chức QS (Quacquarelli Symonds Ltd.) đã công bố bảng xếp hạng đại học năm 2016 theo từng khu vực trên thế giới gồm Châu Mỹ Latin, Châu Á, khối Ả-Rập, khối các nước mới nổi ở Châu Âu và Trung Á và khối BRICS (xem chi tiết tại địa chỉ: http://www.topuniversities.com/). 

 

Ở bảng xếp hạng đại học Châu Á, năm nay QS đưa ra danh sách các trường trong tốp 350. Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, tiếp theo trong “tốp 10” là Đại học Hồng Kông, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông , Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), Đại học Thành thị Hồng Kông,  Đại học Trung Hoa Hồng Kông, Đại học Bắc Kinh và Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc).

 

Năm nay Việt Nam có 5 đơn vị có tên trong danh sách đại học hàng đầu Châu Á của QS gồm:

- Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ 139)

- Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (thứ 147)

- Đại học Cần Thơ (thuộc nhóm 251-300)

- Đại học Huế (thuộc nhóm 301-350)

- Đại học Bách khoa Hà Nội (thuộc nhóm 301-350).

Thứ hạng của 2 đại học quốc gia đã cải thiện đáng kể so với năm 2015, khi đó Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 191-200 và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh thuộc nhóm 201-250 trong “tốp 300” Châu Á.  

 

Đặc biệt, cùng với Đại học Cần Thơ và Đại học Bách khoa Hà Nội, năm nay Đại học Huế đã lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách xếp hạng của QS. Có lẽ, sự tiến bộ của các đại học Việt Nam là nhờ vào các yếu tố như danh tiếng về học thuật, số lượng bài báo xuất bản trên SCOPUS và tỷ lệ trao đổi sinh viên quốc tế.

QS bắt đầu công bố bảng xếp hạng đại học thế giới từ 2005 dựa trên 6 nhóm tiêu chí:

1. Danh tiếng trong giới học thuật (Academic reputation), trọng số 40%

2. Danh tiếng trong giới sử dụng lao động (Employer reputation), trọng số 10%

3. Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (Faculty/student ratio), trọng số 20%

4. Số trích dẫn trên đầu giảng viên (Citations per faculty), trọng số 20%

5. Tỷ lệ giảng viên quốc tế, trọng số 5% 

6. Tỷ lệ sinh viên quốc tế, trọng số 5%.

Từ năm 2009, QS bắt đầu có thêm xếp hạng đại học Châu Á, sử dụng các tiêu chí và trọng số hơi khác so với xếp hạng toàn cầu trên cơ sở đặc thù của khu vực. Cụ thể, điểm xếp hạng đại học Châu Á được tính từ 10 nhóm tiêu chí:

1. Danh tiếng trong giới học thuật (khảo sát toàn cầu), trọng số 30%

2. Danh tiếng trong giới sử dụng lao động (khảo sát toàn cầu), trọng số 20%

3. Tỷ lệ giảng viên/sinh viên, trọng số 15%

4. Chỉ số trích dẫn trên đầu bài báo (SCOPUS), trọng số 10%

5. Số bài báo trên đầu giảng viên (SCOPUS), trọng số 10%

6. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ, trọng số 5%

7. Tỷ lệ sinh viên quốc tế, trọng số 2,5%

8. Tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%) 

9. Tỷ lệ sinh viên trao đổi nhận vào (2,5%)

10. Tỷ lệ sinh viên trao đổi gửi đi (2,5%)

 

 

Phạm Khắc Liệu

 

(Nguồn: http://www.topuniversities.com/)

Liên kết
×