English | Français   rss
Liên kết
Đánh giá một năm hoạt động Chương trình VLIR-IUC Đại học Huế (30-08-2014 00:00)
Góp ý

 

Trong hai ngày 28-29/8, tại Huế, đã diễn ra phiên họp ban điều hành hỗn hợp Chương trình VLIR-IUC Đại học Huế nhằm đánh giá các hoạt động của chương trình trong năm 2013, tiến độ năm 2014 và bàn thảo kế hoạch cho năm 2015. PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế, Chủ nhiệm chương trình; GS. Peter Bossier, Đại học Ghent, điều phối Chương trình phía Bỉ cùng các thành viên của Chương trình từ hai phía đã tham gia cuộc họp. 

 

Chương trình VLIR-IUC chính thức được khởi động tháng 6/2013, bao gồm các tiểu dự án: Nâng cao năng lực quản trị đại học; Phát triển và cải thiện nuôi trồng thủy sản và sản xuất cây trồng vật nuôi bền vững với những giải pháp toàn diện về ô nhiễm môi trường; Bảo tồn các hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên ven biển dưới tác động của các hoạt động phát triển; Tăng cường đào tạo và các dịch vụ ở cấp cơ sở nhằm cải thiện việc chăm sóc sức khỏe nông thôn, thí điểm ở miền trung Việt Nam. Trong hơn một năm qua, Ban quản lý chương trình đã làm việc có hiệu quả, đưa chương trình hòa nhập cùng hệ thống Đại học Huế đặc biệt là trong các hoạt động quản lý tài chính, các quy trình mua sắm, hỗ trợ cho các hoạt động khoa học, quản lý tập trung và giữ được sự kết nối giữa các tiểu dự án.

 

Đối với tiểu dự án 1 về nâng cao năng lực quản trị đại học, dự án cốt lõi, đã tổ chức nhiều hội thảo cấp quốc gia và các hội thảo tập huấn cấp Đại học Huế về đổi mới giáo dục bằng hình thức học tập cộng tác, e-learning; đảm bảo chất lượng giáo dục ở cấp độ khóa học, xây dựng chuẩn đầu ra, sổ tay đảm bảo chất lượng. Các hoạt động này đã thu hút đông đảo giảng viên và các nhà quản lý trong toàn Đại học Huế tham dự. Kết quả đã cải thiện được quan điểm và đã có những thay đổi đáng kể trong nhận thức của giảng viên về đổi mới giáo dục và đảm bảo chất lượng giáo dục. Cũng từ đây, Đại học Huế đã có những bước đi chiến lược. Đó là: thành lập được Hội đồng đảm bảo chất lượng giáo dục cấp Đại học Huế, thành lập Trung tâm Ươm tạo và chuyển giao công nghệ Đại học Huế, xây dựng được các quy định trong việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ.

 

Ở tiểu dự án 2, đã lựa chọn và gửi đi đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn 4 nghiên cứu sinh thuộc các lĩnh vực Thực phẩm và Môi trường, Thủy sản và Khống chế sinh học từ các nguồn học bổng khác nhau như VLIR-IUS, Lotus, 911.

 

Ở tiểu dự án 3, đã phỏng vấn được 3 ứng viên nghiên cứu sinh, tổ chức thăm các phòng thí nghiệm ở các đại học Brussels, Leuven và Antwerp, tổ chức các hội thảo, đi thực địa, mua sắm, sửa chữa thiết bị thí nghiệm phân tích hoá học và mẫu thủy sinh.

 

Ở tiểu dự án 4, đã tiến hành điều tra, khảo sát chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, tổ chức các hội thảo, nâng cấp các phòng thí nghiệm để nâng cao kỹ năng của cộng đồng.

 

Tại các phiên họp, Trưởng các tiểu dự án đã báo cáo cụ thể kết quả đã đạt được trong một năm qua, đánh giá tiến trình đang thực hiện trong năm 2014. Trên cơ sở đó, hai bên đã thảo luận để cụ thể hóa những hoạt động đa dạng của chương trình cho năm 2015 nhằm đạt mục tiêu không những về mặt học thuật mà quan trọng hơn là sẽ tác động mạnh mẽ và tích cực cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian dài.

 

Phiên họp ban điều hành hỗn hợp chương trình VLIR - IUC Đại học Huế

 

 

Đoàn Trường ĐHKH thăm các phòng thí nghiệm tại các trường đại học Bỉ

 

 

Nhiều thiết bị cần thiết được mua mới, sửa chữa hoặc nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của chương trình

Nhiều hội thảo, tập huấn đã được tổ chức ở cả 4 tiểu dự án

 

AH

Các tin mới hơn
Liên kết
×