English | Français   rss
Liên kết
Kết thúc hội thảo tập huấn “Quan trắc và đánh giá tổng hợp nguồn nước” (28-08-2014 03:26)
Góp ý

 

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Bắc-Nam-Nam (North-South-South Cooperation Program, NSS) do tổ chức VLIR-UOS của Vương quốc Bỉ tài trợ, trong các ngày 25-27/8/2014 tại Đại học Huế đã diễn ra Hội thảo tập huấn “Quan trắc và đánh giá tổng hợp nguồn nước”. Đây là hội thảo lần thứ hai, do Đại học Huế làm chủ nhà. Trước đó, hội thảo lần thứ nhất đã được tổ chức ở Guayaquil, Ecuador vào tháng 5/2014.

 

Tham gia hội thảo tập huấn lần này có 12 học viên là giáo sư, giảng viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu ở Ecuador (Đại học Quito, Đại học Cuenca, Đại học Bách khoa ESPOL ở Guayaquil) và Việt Nam (Đại học Huế, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Cần Thơ). Tất cả 6 thành viên Đại học Huế đều là cán bộ, giảng viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học. Giáo sư Peter Goethals từ Đại học Ghent (Bỉ) là người trực tiếp hướng dẫn khóa tập huấn. 

 

Chương trình hội thảo tập huấn được thiết kế với 3 module: module 1 về cơ sở lý thuyết của đánh giá và quan trắc tổng hợp nguồn nước, module 2 là thực hành hoạt động quan trắc sinh học và đánh giá thực địa trên sông Hương và module 3 là luyện tập và thực hành công cụ mô hình sinh thái sử dụng trong đánh giá tổng hợp chất lượng nguồn nước. Trong module 1, GS. Goethals đã giới thiệu đến các học viên từ 2 nước đang phát triển hướng tiếp cận mới ở Bỉ trong đánh giá tổng hợp và dự báo tác động của các giải pháp đến chất lượng nước nhằm đáp ứng yêu cầu của “Chỉ thị khung về nước của Châu Âu” do EU ban hành năm 2000. Ở module 3, các học viên đã được tập huấn công cụ mô hình sinh thái với 2 thuật toán “cây phân loại” (classification tree) và “cây hồi quy” (regression tree) trực tiếp trên phần mềm WEKA 3.6. Đặc biệt, các bài thực hành sử dụng dữ liệu nghiên cứu thực tế trên các sông ở Bỉ, Ecuador và Việt Nam.

 

Trong suốt khóa tập huấn các học viên đã có nhiều dịp giới thiệu, trao đổi các thông tin, các vấn đề về nguồn nước từ thực tiễn ở nước mình, địa phương mình, các quan tâm nghiên cứu của đơn vị mình. Các học viên cùng GS. Goethals cũng đã thảo luận các hướng hợp tác nghiên cứu về nguồn nước ở Việt Nam và Ecuador, trên cơ sở những vấn đề tương tự mà cả 2 nước đang đối mặt về nguồn nước như ô nhiễm và kiểm soát ô nhiễm do nước thải, cân bằng lợi ích kinh tế (năng lượng) với lợi ích sinh thái ở các công trình đầu nguồn, biến đổi khí hậu,…

 

S. Goethals đang hướng dẫn trên thực địa

 

Ở module 2, các học viên đã có 1 ngày đi khảo sát thực tế từ phía thượng lưu sông Hương cho đến vùng cửa sông, với hoạt động đo đạc chất lượng nước, lấy mẫu các động vật không xương sống chỉ thị chất lượng nước và đánh giá liên hệ giữa chúng ở một số vị trí điển hình. Các đại biểu quốc tế khá ấn tượng với sông Hương ở thời điểm khảo sát, khi một số thông số hóa lý và sự hiện diện các động vật chỉ thị cho thấy chất lượng nước là khá tốt cho đến tốt. Thiên nhiên, thắng cảnh và cuộc sống của cư dân dọc hai bên bờ sông cũng đã tạo cảm giác thích thú đối với những đại biểu từ Châu Âu, Châu Mỹ La tinh.

 

Khoa Môi trường - Trường ĐHKH

 

 

Các tin mới hơn
Liên kết
×