English | Français   rss
Liên kết
Đào tạo qua mạng – xu hướng tất yếu trong đào tạo đại học và sau đại học (17-04-2020 07:33)
Góp ý

 

Việc triển khai dạy học qua mạng (e-learning) không phải chỉ khi sinh viên không học tập trung do dịch COVID 19 mà đã được Đại học Huế quan tâm và đầu tư từ lâu với mục đích tiếp cận với các phương thức học tập trong thời đại 4.0. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Huế, Phó Trưởng Ban điều hành các hoạt động CNTT Đại học Huế có những trao đổi về vấn đề này.

Một tiết học trực tuyến của Trường ĐH Y Dược ĐHH. Nguồn : TRT

 

Thưa TS. Nguyễn Công Hào, về vấn đề đào tạo qua mạng, có lẽ Đại học Huế đã có rất nhiều dự án, đề tài nghiên cứu, triển khai từ lâu. Tuy nhiên, thời điểm này có thể nói rằng là cơ hội cho chúng ta hoàn thiện các điều kiện để triển khai đồng bộ trong toàn Đại học Huế. Vậy, khái niệm đào tạo qua mạng được hiểu như thế nào thưa TS.?

 

TS. Nguyễn Công Hào:

Đào tạo qua mạng là hình thức đào tạo không tập trung, theo đó người học thông qua mạng máy tính (chủ yếu qua mạng Internet) để tham dự một khoá học (course) do đơn vị đào tạo tổ chức thực hiện. Liên quan đến đào tạo qua mạng có những khái niệm liên quan như: Học tập điện tử (e-Learning), Đào tạo kết hợp (Blended learning)

Học tập điện tử (e-Learning) là hình thức học tập qua đó người học có thể tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua các học liệu điện tử đa phương tiện (lời giảng, lời thuyết minh, âm thanh, hình ảnh, video, đồ họa…). Các hình thức học tập như m-Learning (học thông qua thiết bị di động: điện thoại thông minh, máy tính bảng, màn hình tương tác), u-Learning (học thông qua các phương thức tương tác thực tế ảo diễn ra bất kỳ nơi nào), hay smart-Learning (phương tiện học tập thông minh) đều là các hình thức của học tập điện tử e-Learning.

Đào tạo kết hợp (Blended learning) là việc kết hợp phương thức học tập điện tử (e-Learning) với phương thức dạy – học truyền thống (người dạy và người học cùng có mặt) nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và chất lượng giáo dục.

 

Như vậy, đào tạo qua mạng có nghĩa là tất cả hoạt động dạy và học đều được diễn ra trên môi trường internet, kể cả tài nguyên, học liệu, các tương tác, việc quản lý và đánh giá người học... ?

TS. Nguyễn Công Hào:

Đúng như vậy. Những yếu tố liên quan đến quá trình dạy học qua mạng bao gồm học liệu, hệ thống quản lý học tập, quản lý nội dung, bài giảng đều được diễn ra trên môi trường internet.

Học liệu điện tử (Course-ware) là các tài liệu học tập được số hoá theo một cấu trúc, định dạng và kịch bản nhất định, được lưu trữ trên máy tính nhằm phục vụ việc dạy và học qua máy tính. Dạng thức số hoá có thể là văn bản, slide, bảng dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, video số, các ứng dụng điện tử tương tác v.v.… và cả những tài liệu kết hợp các dạng thức nói trên.

Hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System) là hệ thống phần mềm cho phép tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động đào tạo qua mạng từ lúc nhập học đến khi người học hoàn thành khóa học qua mạng; giúp cơ sở đào tạo theo dõi và quản lý quá trình học tập của người học; tạo ra môi trường dạy và học ảo; giúp giáo viên giao tiếp với người học trong việc giao bài tập, trợ giúp, giải đáp; giúp người học có thể theo dõi được tiến trình học tập, tham gia các nội dung học qua mạng, kết nối với giáo viên và các học viên khác để trao đổi bài.

Hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System) là hệ thống phần mềm quản lý kho nội dung học tập qua mạng, cho phép tổ chức lưu trữ và phân phát các nội dung học tập tới người học. Hệ thống quản lý nội dung học tập có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống quản lý học tập (để truyền tải nội dung học tập tới người học) và phần mềm công cụ soạn bài giảng (để tạo ra các nội dung học tập).

 

Khâu kiểm tra đánh giá sẽ như thế nào để bảo đảm chất lượng ?

TS. Nguyễn Công Hào:

Việc kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của người học trên các khóa học điện tử phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ để đánh giá được mức độ chuyên cần, năng lực của người học và chuẩn đầura của học phần.

Nội dung đánh giá bao gồm: điểm chuyên cần; điểm tham gia trao đổi trên diễn đàn ; hoặc có tham gia chat/ tóm tắt nội dung chat, điểm trả lời câu hỏitrắc nghiệm khách quan (sau khi kết thúc mỗi bài học hoặc kết thúc khóa học); điểmbài tập lớn/tiểu luận (người học phải nộp bài qua mạng theo đúng thời gian quy định).Nội dung đánh giá và trọng số của từng loại điểm do giảng viên đề xuất và được Hội đồng khoa học và đào tạo của khoa chuyên môn phê duyệt.

Điểm đánh giá tổng kết nội dung học tập qua mạng của người học được tínhlà một điểm đánh giá thường xuyên của học phần với trọng số tối đa là 50% tổng điểm củahọc phần.

Hình thức thi cuối học phần là thi viết, vấn đáp, trình bày dự án ... như hình thức đào tạo truyền thống. Kết quả thi cuối học phần có trọng số tối thiểu là 50% tổng điểm của học phần.

Một tiết học trực tuyến của giảng viên và sinh viên Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế (Nguồn: TRT)

 

Những nội dung bài giảng điện tử có được kiểm duyệt không thưa TS.?

TS. Nguyễn Công Hào:

Bài giảng điện tử được xây dựng trên cơ sở bài giảng truyền thống đã được thẩm địnhbằng cách chuyển đổi một số hoặc toàn bộcác mô đun kiến thức từ đào tạo truyền thống thành đào tạo điện tử. Giảng viên thiết kế khóa học điện tử chịu trách nhiệm xây dựng bài giảng điện tử.

Các mô đun được chọn để chuyển đổi cần phù hợp các học liệu điện tử mà hệ thống quản lý học tập có thể hỗ trợ, đảm bảo được mục tiêu truyền thụ kiến thức dự kiếnvà giúp người học có thể tự học một cách hiệu quả.

Đề cương chi tiết của bài giảng điện tử được xây dựng trên cơ sởđề cươngcủa bài giảng truyền thống, trong đó một số mô đun kiến thức được chuyển đổi thành hình thức có thể tích hợp với các học liệu điện tử. Cấu trúc của bài giảng do đó có thể được phân bố, tổ chức lại để đảm bảokết cấu sư phạm nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng cho người học một cách hiệu quả.

Nội dung và thời lượng giảng dạy qua mạng của các học phần do giảng viên xây dựng, đăng ký và phải được thể hiện trong đề cương chi tiết.

Thiết kế cấu trúc khóa học điện tử. Cấu trúc khóa học điện tử cần được xây dựng phù hợp với hệ thống quản lý học tập. Theo đó, các học liệu điện tử được tích hợp vào bài giảng điện tử cũng phải tuân theo các quy định và cách thức hoạt động của hệ thống quản lý học tập được sử dụng.

Xây dựng kịch bản bài giảng điện tử: bao gồm việc sử dụng các học liệu điện tử trong khi tổ chức lại bài giảng theo một kết cấu sư phạm để có thể cung cấp kiến thức và kỹ năng cho người học một cách hiệu quả. Tùy thuộc vào mục tiêu, khối lượng nội dung và đặc điểm của mỗi mô đun kiến thức mà các học liệu điện tửphù hợp sẽ được lựa chọn.

Tải bài giảng điện tử lên hệ thống quản lý nội dung học tập: Bài giảng điện tử sau khi đã được xây dựng kịch bản xong sẽ được tải lên hệ thống quản lý nội dung học tập. Giảng viên thiết kế khóa học điện tử phải kiểm tra và chịu trách nhiệm tính đúng đắn của bài giảng điện tử được tải lên hệ thống.

Bài giảng điện tử phải được thẩm định trước khi được đưa vào sử dụng. Hội đồng cấp khoa hay bộ môn thuộc đơn vị đào tạo chịu trách nhiệm thẩm định bài giảng điện tử. Hội đồng thẩm định gồm 05 thành viên, trong đó chủ tịch hội đồng và 02 thành viên phản biện phải có chuyên môn về lĩnh vực của bài giảng và am hiểu về hệ thống quản lý học tập được sử dụng để đào tạo qua mạng. Chủ tịch hội đồng thẩm định ký phê duyệt bài giảng điện tử đã thông qua thẩm định.

 

Thời gian qua, việc ứng dụng dạy học qua mạng đã được triển khai khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. TS. có thể có một số đánh giá sơ bộ về việc triển khai hình thức này tại Đại học Huế trong thời gian qua?

TS. Nguyễn Công Hào:

Ngày 12/3/2020, Đại học Huế ban hành Quy định về Tổ chức và quản lý đào tạo qua mạng, đây là cơ sở pháp lý để các trường đại học thành viên, khoa thuộc Đại học Huế và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị triển khai việc đào tạo qua mạng tại đơn vị mình. Việc tổ chức triển khai tại các đơn vị khá bài bản từ khâu chọn học phần, chuyển đổi bài giảng, lựa chọn các giải pháp phần mềm và công nghệ, phần cứng và nâng cấp băng thông đường truyền internet. Hệ thống quản lý học tập và quản lý nội dung học tập cũng khá đa dạng, cụ thể một số đơn vị sử dụng Moodle như Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ và Khoa Du lịch; sử dụng Google suit (google class room, google meeting, google calendar)  gồm có Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Luật, Khoa Quốc tế, Phân Hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị) và Trường Đại học Sư phạm sử dụng hệ thống tự phát triển. Một số đơn vị chọn các học phần để giảng dạy (khoảng 50 nhóm học phần), một số đơn vị chọn hầu hết các học phần giảng dạy (từ 220 đến 794 nhóm học phần). Số lượng sinh viên, học viên tham gia học tập rất cao chiếm tỉ lệ từ 85% đến 100%.

Có thể đánh giá việc triển khai đào tạo qua mạng tại Đại học Huế thời gian qua được triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhịp nhàng giữa các đơn vị quản lý, đơn vị chuyên môn và người học. Kế hoạch thực hiện tổ chức giảng dạy tại các đơn vị được xây dựng một cách khoa học, đảm bảo các quy định. Giảng viên, học viên và sinh viên bước đầu đã quen dần với phương thức giảng dạy này.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được bước đầu vẫn còn một số khó khăn nhất định, cụ thể: một số giảng viên chưa thật sự chủ động, linh hoạt và thích ứng nhanh với hình thức đào tạo qua mạng; chất lượng bài giảng qua mạng (do đường truyền internet  không ổn định); sử dụng các phần mềm thương mại (miễn phí) dẫn đến khả năng mất an toàn và bảo mật; đội ngũ hỗ trợ về CNTT còn thiếu; việc giám sát quá trình học tập của sinh viên, học viên vẫn còn khó khăn.

Hướng khắc phục những khó khăn hiện tại?

TS. Nguyễn Công Hào:

Để khắc phục những khó khăn hiện tại, các đơn vị có kế hoạch hỗ trợ cho giảng viên, học viên và sinh viên như nâng cấp băng thông đường truyền internet, tăng cường đội ngũ cán bộ CNTT hỗ trợ cho giảng viên khi giảng dạy, có phương pháp nhằm động viên giảng viên chuyển đổi bài giảng điện tử, khuyến khích sử dụng các phần mềm có bản quyền hoặc các phần mềm do Bộ Giáo dục&Đào tạo và Bộ Thông tin& Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19. Tăng cường, kiểm tra và giám sát quá trình dạy học để có những điều chỉnh kịp thời

Về lâu dài, Đại học Huế sẽ có kế hoạch như thế nào về việc tổ chức hài hòa các hình thức đào tạo, vì rõ ràng mỗi hình thức đều có những ưu việt khác nhau?

TS. Nguyễn Công Hào:

Phải khẳng định rằng, phương pháp đào tạo qua mạng là xu hướng tất yếu trong việc đào tạo nguồn nhân lực cả ở bậc đại học và sau đai học. Tại một số cơ sở đào tạo nước ngoài, việc thực hiện đào tạo qua mạng là bắt buộc. Tuy nhiên ở Việt Nam nói chung và Đại học Huế nói riêng, việc thực hiện đào tạo qua mạng xem như là một phương thức khuyến khích giảng dạy đối với các đơn vị đáp ứng điều kiện về dạy học. Vì vậy, trong thời gian tới, Đại học Huế sẽ có kế hoạch triển khai đồng bộ về việc đào tạo qua mạng, cụ thể:

Đối với Đại học Huế:

-Tiếp tục bổ sung, sửa đổi Quy định về tổ chức và đào tạo qua mạng tại Đại học Huế, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai mô hình đào tạo qua mạng tại đơn vị mình.

- Xây dựng phương án tài chính cho hình thức đào tạo qua mạng (bao gồm các quy định về chi trả cho việc xây dựng bài giảng điện tử, bản quyền bài giảng, tiết giảng dạy của một khóa học điện tử, tiết trợ giảng, hỗ trợ kỹ thuật cho giảng viên và người học, quản trị hệ thống LMS, …)

- Xây dựng Hệ thống quản lý học tập và Hệ thống quản lý nội dung học tập qua mạng để hỗ trợ các đơn vị;

-Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy chủ và đường truyền internet tại IDC Đại học Huế nhằm đảm bảo việc vận hành hệ thống quản lý đào tạo qua mạng.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoạt động đào tạo qua mạng của các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc

Các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc

- Mỗi đơn vị cần xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo qua mạng, có lộ trình tăng dần về tỉ lệ các chương trình, học phần được triển khai đào tạo qua mạng, tăng dần về cấp độ đào tạo qua mạng.

- Khuyến khích các đơn vị sử dụng hệ thống quản lý học tập của Đại học Huế hoặc tiếp tục sử dụng hệ thống đang được triển khai nhưng cần đảm bảo về quy trình xây dựng bài giảng điện tử, tổ chức các khóa học qua mạng theo quy định chung của Đại học Huế.

- Khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các giảng viên, cán bộ tham gia xây dựng các bài giảng điện tử, triển khai các khóa học qua mạng; xem vấn đề chuyển đổi sang đào tạo qua mạng thành nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi giảng viên.

Chân thành cảm ơn anh.

 

AH thực hiện

Các tin mới hơn
Liên kết
×