English | Français   rss
Liên kết
Gặp gỡ chào xuân Canh Dần (05-02-2010 09:33)
Góp ý
Ngày 04/02/2010, Đại học Huế đã tổ chức gặp mặt các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, các Giáo sư, Phó Giáo sư, cán bộ quản lý và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đại học Huế, lãnh đạo các trường qua các thời kỳ để cùng tiễn biệt năm cũ và chào đón năm mới Canh Dần. Tại buổi gặp mặt, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Huế đã phát biểu điểm lại những sự kiện nổi bật của Đại học Huế đạt được trong năm vừa qua.
Đầu tiên là Kết luận số 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc: "thống nhất chủ trương chuyển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia vào năm 2015 (theo Quy hoạch của Chính phủ) hoặc có thể sớm hơn nếu điều kiện cho phép nhằm tiếp tục phát huy truyền thống và lợi thế của Đại học Huế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam". Để có được kết luận nói trên là kết quả của một quá trình hơn nữa thế kỷ xây dựng và phát triển Đại học Huế - một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp đa hệ, chất lượng cao, khẳng định những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội các tỉnh khu vực miền Trung, Tây nguyên và cả nước. Lộ trình thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị cần phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước khi có những chủ trương và chỉ đạo cụ thể của Bộ, bản thân Đại học Huế đang tích cực chuẩn bị những tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới. Đó là việc tập trung, xây dựng các đơn vị, các ngành đào tạo trọng điểm, có đẳng cấp khu vực và quốc tế. Bằng nguồn vốn đầu tư của Dự án Giáo dục Đại học 2, từ năm 2006 Đại học Huế xây dựng 7 ngành trọng điểm ở 7 Khoa của 7 trường Đại học thành viên hội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, khả năng hợp tác quốc tế và chương trình đào tạo. Quan điểm của Đại học Huế là xây dựng các khoa, các ngành trọng điểm này bên cạnh các ngành đào tạo liên kết với nước ngoài, tạo thành các "đỉnh" trong biểu đồ phát triển của Đại học Huế để dần nâng mặt bằng chung về chất lượng đào tạo của hơn 91 ngành đào tạo đại học và hơn 60 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 22 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ hiện có. Đại học Huế phấn đấu đưa các ngành trọng điểm này đăng ký kiểm định và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế, trước mắt là mạng lưới các trường đại học Châu Á để tăng khả năng giao lưu và trao đổi đào tạo quốc tế. Về cơ sở vật chất, Đại học Huế đang đầu tư mạnh vào Khu Quy hoạch Trường Bia từ nguồn vốn trong nước và nguồn vốn tự cân đối của các Trường. Năm qua, nhiều công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Nhà học Trường Đại học Kinh tế, nhà học Trường Đại học Ngoại ngữ, khởi công xây dựng khu Ký túc xá tập trung cho sinh viên. Ngoài việc tập trung xây dựng giảng đường, nhà hiệu bộ, các cơ sở phục vụ cho đào tạo khác, Đại học Huế đang khởi động xây dựng và hiện đại hóa các cơ sở thực hành cho sinh viên, như thư viện, các phòng thí nghiệm, mở rộng Bệnh viện của Bệnh viện Trường Đại học Y Dược, xây dựng Trường Sư phạm thực hành dành cho sinh viên Trường ĐHSP, cơ sở thực hành thí nghiệm của Trường Đại học Nông lâm... Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin cũng đang được hoàn chỉnh từ cấp Đại học Huế đến các Trường thành viên. Trung tâm Học liệu Đại học Huế được nối mạng với thư viện các Trường, đảm bảo sự chia sẻ thông tin dữ liệu kịp thời, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy của sinh viên và giảng viên trong toàn Đại học Huế.

Sự kiện thứ 2 là trong năm qua Đại học Huế có 38 nhà giáo được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Hiện nay, Đại học Huế có gần 140 Giáo sư, Phó Giáo sư và trong năm tới sẽ cố gắng nâng con số này lên trên 160 GS, PGS. Đại học Huế là một trong số ít Đại học đã kết hợp thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ quản lý và công tác quy hoạch cán bộ chuyên môn. Đại học Huế và các Trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ giảng viên có học vị Tiến sĩ tích cực đăng ký để được công nhận chức danh PGS, GS; Thạc sĩ đăng ký lộ trình đào tạo NCS và nhận học vị Tiến sĩ... Bằng cách này, trong thời gian ngắn sắp tới, Đại học Huế sẽ có đội ngũ giảng viên có trình độ cao ngang bằng với các Đại học Quốc gia và các đại học hàng đầu Việt Nam.

Sự kiện thứ 3 là Đại học Huế đã thành lập Khoa Luật trực thuộc để cố gắng trong một thời gian ngắn tái lập lại Trường Đại học Luật của Viện Đại học Huế có từ trước năm 1975. Đây là một chủ trương đúng hướng mặc dù phải vượt qua không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngày 28/1/2010 vừa qua, Đại học Huế đã chính thức làm lễ công bố quyết định thành lập Khoa Luật, tạo điều kiện thuận lợi để Khoa Luật có cơ hội phát triển nhanh trong thời gian tới.

Sự kiện tiếp theo là kiện toàn bộ máy cán bộ quản lý của 6/7 trường Đại học thành viên nhiệm kỳ 2009 - 2014. Đại học Huế đã chỉ đạo công tác này một cách cụ thể, tích cực, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy trình dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp bộ Đảng và được sự đồng thuận cao của cán bộ viên chức. Một số cán bộ trẻ, thậm chí còn rất trẻ được bổ nhiệm vào các cương vị Phó hiệu trưởng, Trưởng Ban, Trưởng Khoa... nhằm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kế cận cho nhiệm kỳ tới.

Sự kiện cuối cùng là ngày 23.01.2010 vừa qua Đại học Huế vinh dự được nhận cúp "Thương hiệu kinh tế đối ngoại uy tín" - giải thưởng nhằm vinh danh những tập thể và cá nhân tiêu biểu có đóng góp to lớn, hiệu quả trong hoạt động kinh tế đối ngoại, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy ban Quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam... phối hợp tổ chức.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2010 và chuẩn bị cho những bước phát triển quan trọng tiếp theo, trong thời gian tới Đại học Huế trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng: 1) Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên và cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, với sứ mạng phát triển Đại học Huế. 2) Phát triển đào tạo đại học và sau đại học, trong đó ưu tiên đào tạo đại học chính quy và đào tạo sau đại học. Đẩy mạnh hơn nữa công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng thêm nhiều ngành đào tạo liên kết với các đại học có uy tín trên thế giới, hình thành nên nhiều đơn vị đào tạo cấp khoa, cấp trường có đẳng cấp quốc tế. 3) Tập trung các nguồn lực để tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ đào tạo sau đại học. Ưu tiên xây dựng các giảng đường, thiết bị dạy học, giáo trình điện tử, cơ sở thực hành... và một số cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm với khu vực và quốc tế 4) Đổi mới quản lý trong mọi hoạt động của các đơn vị; xây dựng các văn bản quản lý trong đó phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp hợp lý giữa các chức danh quản lý và giữa Đại học Huế với các đơn vị trực thuộc, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý theo chủ đề năm học của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Cũng trong ngày 04/02/2010, Ban Giám đốc Đại học Huế đã có buổi gặp mặt thân mật với lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn đã cảm ơn các cơ quan báo chí trong năm qua đã có nhiều tin bài phản ánh toàn cảnh hoạt động của Đại học Huế. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đại học Huế thông tin, trao đổi các chủ trương, định hướng phát triển Đại học Huế trong thời gian tới, giúp báo chí có thông tin đầy đủ nhất.

M.P

Liên kết
×