English | Français   rss
Liên kết
Giáo sư Jerome Isaac Friedman, người đạt giải Nobel về Vật Lý sẽ đến thăm và làm việc tại Đại Học Huế (22/7/2008) (17-07-2008 07:24)
Góp ý
Ngày 22 tháng 7 Giáo sư Jerome Isaac Friedman, người đạt giải Nobel về Vật Lý năm 1990 sẽ đến thăm và làm việc tại Đại Học Huế.
<body>

Cùng đi với GS Friedman còn có GS Bone, giám đốc Đại Học Kỹ Sư Quốc Gia Val de Loire, GS Trần Thanh Vân, chủ tịch Rencontres du Vietnam (Gặp gỡ Việt Nam), GS Kim Ngọc, chủ tịch AEVN (Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam), thầy Đỗ Trịnh Huệ, nguyên trưởng khoa Pháp trường ĐHSP Huế, Đại Diện Rencontres du Vietnam, ông Hàm Châu (Nhà Báo) và cô Bùi Trần Thảo Ly (Thư Ký đòan).

GS và đoàn sẽ có cuộc gặp mặt thân mật với lãnh đạo Đại Học Huế và sẽ thuyết trình với cán bộ và sinh viên, cũng như những ai có quan tâm, về kinh nghiệm làm khoa học và các yếu tố quyết định đã dẫn GS đến thành công, đến việc đạt giải Nobel danh giá về đề tài “Con đường dẫn tới giải Nobel”.

Thời gian:  15 giờ ngày 22 tháng 7 năm 2008

Địa điểm: Hội trường Đại học Huế, số 3 Lê Lợi Huế.

GS Friedman là một trong ba GS có giải thưởng Nobel (cùng với GS James Cronin, Đại Học Chicago; và GS Norman Ramsey, Đại Học Harvard) đã nhận lời đỡ đầu cho làng trẻ em SOS ở Đồng Hới, Quảng Bình. Nhân dịp này, Đoàn cũng sẽ đến thăm 12 ngôi nhà với hơn 90 trẻ mồ côi tại làng trẻ em SOS này.

Đây là một vinh dự lớn và là một sự kiện khoa học quan trọng cho Việt Nam, Huế, và Đại Học Huế. Đại Học Huế kính mời các cán bộ và sinh viên đến tham dự buổi thuyết trình này, để cùng học hỏi và trao đổi với GS về những vấn đề mình quan tâm.

Vài nét về GS Friedman

GS Friedman (28/3/1930) là một nhà Vật Lý người Mỹ gốc Nga. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu xuất sắc về hội họa và nghệ thuật và đã được trao tặng học bổng của Học Viện Nghệ Thuật và Âm Nhạc Chicago. Tuy nhiên, ông đã từ chối học bổng này để theo đuổi con đường khoa học sau khi đã làm quen và say mê lý thuyết tương đối của Albert Einstein (1879 - 1955). Ông giành được học bổng toàn phần tại Khoa Vật Lý tại trường Đại Học Chicago (1950), đỗ bằng Thạc Sĩ năm 1953 và trong khi cùng tham gia nghiên cứu với GS Enrico Fermi (1901 –1954), ông nhận được bằng Tiến Sĩ Vật Lý năm 1956. Từ năm 1960 đến nay, ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Vật Lý, và là giám đốc Viện Nghiên Cứu Hạt Quark tại Học Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT), một học viện danh tiếng hàng đầu của Mỹ. Trong hai năm 1968-1969, ông tiến hành thí nghiệm với Henry W. Kendall (Trung Tâm Stanford Linear Accelerator) và đã lần đầu tiên chứng minh được rằng các protons có cấu trúc nội tại (được biết như là hạt quarks). Chính nhờ phát kiến vĩ đại này mà GS Friedman và GS Kendall đã được trao giải Nobel Vật Lý năm 1990. Hiện nay ông cũng là thành viên của Hiệp hội Bảo trợ Bản tin các nhà khoa học nguyên tử .

Không những là một nhà khoa học lỗi lạc, GS Friedman còn là một tấm gương sáng về một con người hoạt động xã hội năng động, luôn đề cao các giá trị nhân văn , coi trọng các giá trị gia đình, cộng đồng và đất nước. Ông trân trọng và đánh giá cao giá trị lao động tập thể, “Công trình nghiên cứu năng lượng vật lý cao cấp là kết quả của nỗ lực của tập thể. Tôi là một người cực kỳ may mắn khi được cùng cộng tác với những bạn đồng nghiệp và sinh viên xuất sắc, những người đã có những đóng góp thiết yếu cho các công trình tôi tham gia.” Đối với ông, sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy luôn đóng vai trò quan trọng bậc nhất, “Mặc dù có những mảng hoạt động khác rất thú vị trong cuộc đời tôi, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi có dịp tiếp xúc trực tiếp với sinh viên trong giảng đường và trong các công trình nghiên cứu.” Ông đã dành cho gia đình những tình cảm trìu mến nhất và lòng biết ơn đối với những thành tựu ông đã đạt được trong cuộc đời. Ông cho biết, dù ba mẹ ông không được hưởng một nền giáo dục chính thức và có lúc phải trải qua một cuộc sống gian khổ, họ luôn dành ưu tiên hàng đầu cho việc học của các con, kể cả việc trau dồi trí thức và xây dựng một cuộc sống tinh thần lành mạnh, thế nên “ cho dù kinh tế khó khăn, ba mẹ tôi vẫn cố gắng xoay xở cho chúng tôi được học thêm nhạc và nghệ thuật” . Ông nhấn mạnh, “Ba mẹ tôi rất xem trọng giá trị của một nền giáo dục tốt cho chúng tôi, không những họ luôn luôn động viên mà họ còn luôn sẵn sàng hy sinh cho một nền giáo dục trí tuệ tốt hơn và tiến bộ hơn cho chúng tôi”.
 (Nguồn: http://web.mit.edu/physics/facultyandstaff/faculty/jerome_friedman.html)

TS Dương Thị Hoàng Oanh, Ban Hợp Tác Quốc Tế, Đại Học Huế.
 

</body>
Liên kết
×