English | Français   rss
Liên kết
Sinh viên Đại học Huế chung tay bảo vệ ngôi nhà chung (30-03-2011 10:46)
Góp ý
Một góc lối vào Trung tâm Học liệu - Đại học Huế, bạn đọc sẽ rất ấn tượng với một chiếc bảng xinh xinh gắn trên đó là những cánh hoa, những ngôi sao nhỏ được sinh viên viết lên những ý tưởng bảo vệ "Mẹ Trái đất".

Những ý tưởng rất gần gũi, dễ thực hiện, khẳng định mỗi cá nhân có thể góp phần tích cực giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc giảm khí thải và tiết kiệm năng lượng.

Từ những thói quen hằng ngày, bạn Nguyễn Thị Ngọc Phương, ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học đề xuất: không sạc pin điện thoại qua đêm; nấu cơm bằng nồi cơm điện 45 phút trước khi ăn; tái sử dụng nước cho nhiều mục đích khác nhau; tắt máy và rút phích cắm tất cả các thiết bị điện tử khi không sử dụng. Có thể không ít người giật mình rằng lâu nay mình vẫn chưa thực hiện được dù chỉ là những hành động nhỏ như vậy.

Bạn Cao Thị Ngân, Khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ thì có ý tưởng cho Giờ Trái đất nên tắt điện nhưng không nên thắp nến; Giờ Trái Đất nên được tổ chức vào đêm rằm vì ánh trăng có thể thay thế ánh đèn điện và có thể gợi những kỷ niệm tuổi thơ. Đây cũng là dịp để các em nhỏ biết trăng vì càng ngày các em nhỏ càng ít có cơ hội ngắm trăng, chơi trăng...

Ý tưởng của Vũ Thị Thu Trang, khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học thì mang tính tuyên truyền trong cộng đồng như in logo, slogan của Giờ Trái Đất lên áo mưa, ly, chén, sách vở nhằm gởi thông điệp về bảo vệ môi trường đến nhiều người hơn nữa.

Với bạn Phạm Thị Thu Trang, Khoa Sinh Trường ĐH Sư phạm thì ý tưởng hình thành đã lâu và đây là dịp để bạn thể hiện thông qua chương trình được tổ chức bởi Trung tâm Học liệu. Ý tưởng của bạn bắt nguồn từ những kiến thức về khoa học cơ bản được thầy cô giảng dạy để ứng dụng vào thực tế như: để giảm khí thải nên trồng nhiều thông và tùng trên các con đường đô thị vì nhựa của chúng dễ bị oxy hóa giải phóng ra ozon; tạo các "tấm thảm rêu" và trải chúng lên tường nhà vì chúng có khả năng giữ bụi và hấp thu C02 rất tốt; tăng số lượng địa y nhân tạo giúp phát hiện được sự ô nhiễm không khí và góp phần tăng "diện tích đất dinh dưỡng"; trồng dương xỉ ở các bờ mương hoặc ven các ao hồ sẽ giúp phát hiện được asen trong nước. Còn để tiết kiệm năng lượng: có thể sử dụng bình đựng nước làm bằng chất liệu cho bước sóng ngắn (trong ánh sáng) có thể đi qua để tiêu diệt vi khuẩn; tạo "bể thông minh" trên trần nhà hứng nguồn nước mưa, sau đó lọc xử lý dùng cho sinh hoạt, đồng thời tận dụng ánh sáng mặt trời làm nóng nước; tăng cường sử dụng hóa chất từ thiên nhiên để giảm tiêu tốn năng lượng dùng cho chế tạo hóa chất tổng hợp; trồng sắn và ngô để sản xuất ethanol cung cấp nhiên liệu sinh học.

"Một giọt nước không làm nên biển lớn, một cây chẳng thể làm nên khu rừng, một hạt bụi chẳng làm nên mặt đất, một áng mây không làm nên bầu trời xanh, một con người chẳng phải là thế giới. Không chỉ một mà nhiều cùng hợp lại chung tay xây dựng và bảo vệ MẸ TRÁI ĐẤT!" Đó là lời kêu gọi của bạn Dương Thị Kiều Trang, Y đa khoa, Trường ĐH Y Dược cũng như mục tiêu của cuộc thi "Trái đất - Ngôi nhà chung của chúng ta" được Trung tâm Học liệu tổ chức vừa qua.

Hồng Sam

Liên kết
×