English | Français   rss
Liên kết
Sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông: Rèn kỹ năng từ giảng đường ra thực tế (21-06-2019 10:30)
Góp ý

Gần 10 năm thành lập, khoa Báo chí – Truyền thông Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, từ một bộ môn thuộc khoa Ngữ Văn, giờ đây đã lớn mạnh với đội ngũ cán bộ hùng hậu, nhiệt huyết với nghề. Từ mái nhà chung này đã có hàng trăm phóng viên, nhà báo bước ra đời và đang ngày ngày cống hiến, phục vụ hết mình cho bạn đọc. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội mở ra đối với ngành báo chí, truyền thông là vô cùng lớn. Chính sự hấp dẫn của một ngành học nhiều vinh quang nhưng cũng đầy gian khó và thử thách đã thu hút hàng trăm sinh viên mỗi năm nhập học vào khoa Báo chí – Truyền thông.

 

Nơi thầy trò thương nhau như ruột thịt

 

Đã ra trường được 10 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in câu chuyện về người thầy giáo được mọi thế hệ sinh viên báo chí trân quý. Thầy Trần Văn Thiện là một trong những người đầu tiên đã gây dựng nên cơ nghiệp cho ngành Báo chí. Một người bạn của tôi, giờ đang là phóng viên cho một tờ báo lớn kể lại, thời sinh viên cậu cũng thuộc dạng chơi bời. Số tiền hàng tháng ba mẹ tằn tiện chắt bóp gửi vào Huế, cậu đều mang nướng vào những việc vô bổ. Đến hạn đóng học phí mà nợ đã bao vây, từ bà bán cơm hến đầu xóm trọ cho đến bạn bè trong lớp, ở đâu gặp ai cậu cũng ngửa tay mượn tiền. Bước đường cùng, cậu thất thểu tìm đến thầy Thiện mượn tiền đóng học phí. Thầy nhìn cậu từ đầu đến chân, thở dài nói: "Tôi sẽ cho anh tiền. Nhưng tôi có một yêu cầu. Anh hãy bắt xe ra nhà, nhân lúc ba mẹ còn ở ngoài đồng, anh vào bếp và mở vung xem ba mẹ anh ăn những gì. Rồi vào kể lại cho tôi, tôi sẽ cho tiền đóng học phí". Cậu bạn rời khỏi phòng trọ của Thầy mà sống mũi cay. 

 

Sinh viên học Báo chí ở Huế phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Các em đến từ những vùng quê nghèo ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… Lần giở từng trang trong các cuốn sơ yếu lí lịch của từng lớp sinh viên, hầu như ở trang nào cũng chung những từ ở phần hoàn cảnh gia đình: mồ côi, cha mẹ làm nông, con em đồng bào dân tộc thiểu số… Họa hoằn lắm cả lớp sáu bảy chục em mới có một vài em bố mẹ buôn bán hay làm nhà nước. Cũng chính vì vậy mà thầy cô khoa Báo chí – Truyền thông luôn yêu thương sinh viên như con em mình. Sinh viên bây giờ cá tính mạnh, đề cao cái tôi cho nên các em tuy khó khăn nhưng ít khi bộc lộ ra ngoài. Có trường hợp một bạn sinh viên năm thứ 3 quê Quảng Bình, đến khi đăng lên Facebook cha đang cấp cứu ở bệnh viên Trung ương Huế thì thầy cô và bạn học mới biết được hoàn cảnh vô cùng khó khăn của bạn đó. Ngay trong đêm, mặc dù đang trên chuyến xe ra Hà Nội công tác, nhưng thầy trưởng khoa Phan Quốc Hải vẫn gọi điện vận động thầy cô đóng góp, đồng thời trích quỹ của Khoa để mang ngay lên bệnh viện, kịp thời đóng viện phí để mổ gấp.

 

Học kỳ vừa rồi, có một sinh viên năm cuối rụt rè gõ cánh cửa phòng thầy trưởng khoa Phan Quốc Hải xin bảo lưu kết quả học tập. Gặng hỏi mãi, bạn mới kể cả học kỳ vừa rồi ban ngày đi viết báo kiếm nhuận bút, buổi tối phục vụ ở nhà hàng để trang trải cuộc sống và đóng học phí. Giờ đến sát ngày thi vẫn còn thiếu 500 ngàn, dù đã vay mượn khắp nơi. Cha mẹ ở nhà đau yếu nên bạn vừa phải lo ăn học, vừa làm thêm gửi tiền về nhà. Thầy trưởng khoa lập tức rút ví đưa cho bạn 500 ngàn đồng nhưng lạ thay, bạn đó một mực từ chối không nhận. Đến khi thầy gọi cô văn thư trích Quỹ Hỗ trợ sinh viên khẩn cấp thì bạn mới chịu nhận. Nhưng bạn nói: "Em xin vay số tiền này, sau này có em sẽ trả. Em vẫn tự kiếm tiền được, số tiền này nhiều bạn khác khó khăn sẽ cần hơn em…". Nói thêm rằng, khoa Báo chí – Truyền thông có vận động và mở được một quỹ gọi là hỗ trợ cho sinh viên khó khăn trong những trường hợp khẩn cấp. Quỹ nãy do chính các thầy cô, các anh chị cựu sinh viên, hiện là những phóng viên, nhà báo, nhà truyền thông trên khắp cả nước chung tay đóng góp và gầy dựng. Thầy và trò khoa Báo chí – Truyền thông đùm bọc và dìu dắt nhau đi qua khó khăn chính bằng những tỉnh cảm chân thành và đáng quý trọng như vậy.

 

Hướng đến tương lai đầy thách thức và cơ hội

 

Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tiền thân là Tổ Lý luận Văn học & Báo chí được thành lập vào năm 1996 thuộc Khoa Ngữ văn. Năm 2005 được đổi thành tổ Báo chí đứng độc lập. Ngày 25 tháng 01 năm 2010, tổ Báo chí được tách thành Bộ môn Báo chí – Truyền thông trực thuộc Trường Đại học Khoa học. Ngày 01 tháng 3 năm 2011, Khoa Báo chí – Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học được thành lập theo Quyết đinh số 245/QĐ-ĐHH-TCNS của Giám đốc Đại học Huế.

Một buổi sinh hoạt nhóm của sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông

 

 

Khoa Báo chí-Truyền thông hiện có 5 hệ đào tạo: cử nhân chính quy, văn bằng 2, Liên thông, Vừa làm vừa học và Nghiệp vụ báo chí. Mỗi năm khoa đào tạo hơn 600 sinh viên chính qui và 700 sinh viên, học viên các hệ khác tại nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước. Có những cơ sở liên kết đào tạo nằm ở các thành phố lớn, là cái nôi của đào tạo báo chí như trường Cao đẳng Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (Hà Nội) hay trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II, Đài tiếng nói Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó là nhiều cơ sở đào tạo rải rác trên cả nước như Hà Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, An Giang. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ và hiện đại. Khoa hiện có 1 studio phát thanh-truyền hình, 1 phòng thực hành báo in và báo điện tử, hàng chục camera, máy ảnh, máy ghi âm, máy tính tính, thiết bị dựng, biên tập hình ảnh âm thanh, thu phát để sản xuất các sản phẩm báo chí, 1 phòng tư liệu khoa với 10.000 đầu báo, tạp chí, 500 đầu sách cho sinh viên tham khảo học tập và nghiên cứu.

 

Khoa Báo chí – Truyền thông xây dựng 2 tổ chuyên môn gồm tổ Báo chí và tổ Truyền thông. Đội ngũ cán bộ viên chức hiện tại của khoa bao gồm 14 CBVC cơ hữu, 15 GV thỉnh giảng, trong đó 95% số giảng viên là nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông. Cán bộ khoa Báo chí-Truyền thông thường xuyên được đưa về các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tham gia các lớp tập huấn do các tổ chức báo chí có uy tín trên giới giới tổ chức và được đào tạo sau đại học ở Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ…

 

 

 

Đặc biệt, Chi hội Nhà báo Khoa Báo chí – Truyền thông là Chi hội Nhà báo duy nhất trong tất cả các cơ sở đào tạo báo chí ở miền Trung – Tây Nguyên. Với 9 thành viên, Chi hội Nhà báo Khoa Báo chí – Truyền thông sở hữu đội ngũ những giảng viên – nhà báo vừa đảm nhận công việc giảng dạy, nghiên cứu, vừa thực hành tác nghiệp và hướng dẫn sinh viên tác nghiệp báo chí.

 

Sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông ngoài việc học tập chính khoá tại trường còn được gửi đi đào tạo, hợp tác giao lưu ở các trường đại học lớn trên thế giới tại Thái Lan, Nhật Bản. Các môn học kỹ năng được các nhà báo giỏi, có uy tín, giàu kinh nghiệm, các nhà quản lý báo chí trong nước và các giáo sư, nhà báo đến từ nước ngoài như Mỹ, Hà Lan… giảng dạy.

 

Với đặc thù là ngành đào tạo nghề nằm trong một trường đại học nghiên cứu cơ bản, ngoài việc trang bị kiến thức cho sinh viên, các thầy cô Khoa Báo chí – Truyền thông chú trọng rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp. Sau học kỳ I của năm thứ nhất, sinh viên đã có thể nhận ra xu hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp với đam mê, khả năng và sở thích. Sinh viên được tiếp cận, giao lưu, học tập với các nhà báo, phóng viên ngay từ trên ghế giảng đường. Nếu như các thầy cô là người khơi mở, chỉ lối thì chính những phóng viên, nhà báo được mời về thỉnh giảng, nói chuyện sẽ mang đến cho sinh viên một thế giới thực tế đầy sống động, trong đó có những câu chuyện đầy vinh quang nhưng cũng không kém phần thử thách. Khung chương trình đào tạo cũng được thay đổi phù hợp với xu thế và nhu cầu xã hội cũng như sự phát triển của công nghệ và hoạt động tác nghiệp báo chí. Sinh viên được rèn luyện đầy đủ các kỹ năng, tố chất của một nhà báo hiện đại. Ngoài kỹ năng viết lách, sinh viên đến năm thứ ba đã có thể thông thạo cách sử dụng máy ảnh DSLR, máy quay chuyên nghiệp, xử lý ảnh, dựng phim… Bên cạnh đó sinh viên còn được rèn luyện kỹ năng phỏng vấn, điều tra, kỹ năng dẫn chương trình…

 

Có thể nói, sự học và rèn luyện của sinh viên khoa Báo chí – Truyền thông nhiều khó khăn gian khổ nhưng cũng đầy thú vị. Dạo một vòng quanh đời sống báo chí, các thầy cô không khó nhận ra những bạn sinh viên năm nhất, năm hai đang tự tin dẫn chương trình trên sóng truyền hình, những bạn sinh viên tác nghiệp bài bản và chuyên nghiệp mỗi kỳ Festival Huế. Có khi, những ngày cận Tết rét buốt da, đón chuyến tàu muộn gần 2h sáng đến ga Huế, lại bắt gặp sinh viên báo chí đang ngồi bên đống lửa sưởi ấm cùng những bác xe ôm. Trên tay các bạn sinh viên vẫn là cuốn sổ ghi chép, chiếc máy ảnh, và đôi mắt sáng rực một tình yêu dấn thân với nghề báo. Có hôm gần 5h sáng, những chuyến xe chở nông sản đổ về chợ Đông Ba, lại bắt gặp sinh viên báo chí đang kề vai cùng dỡ hàng với những người phu khuân vác, trước ngực vẫn đeo chiếc máy ảnh. Bài học vỡ lòng trong khi đi tác nghiệp: hãy làm cùng nhân vật, họ sẽ dốc hết gan ruột kể cho mình!

 

Sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông tác nghiệp ngày từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

 

Trong studio của Khoa

 

Ngoài kỹ năng nghề báo, sinh viên còn được tiếp cận và rèn luyện kỹ năng làm truyền thông như kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch dự án, kế hoạch truyền thông, sáng tạo từ các ý tưởng, thuyết phục khác hàng, quản lý vấn đề, xử lý khủng hoảng truyền thông… Trong xu thế xã hội cách mạng công nghiệp 4.0, ngành báo chí, truyền thông đứng trước những thách thức và cơ hội lớn. Trong những năm gần đây, khi đội ngũ báo chí đã ổn định, Khoa và Nhà trường cũng đã có những thay đổi kịp thời trong chương trình giảng dạy và kế hoạch đào tạo để bắt kịp nhu cầu của xã hội đang cần một nguồn nhân lực to lớn về lĩnh vực truyền thông. Tỷ lệ sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề đạt trên 95%. Nhiều sinh viên vừa ra trường đã được các công ty truyền thông, sự kiện ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng. Bên cạnh đó, Khoa vẫn cung cấp cho các tòa soạn báo trên khắp cả nước những sinh viên yêu nghề, đam mê dấn thân và cống hiến cho nghề báo.

 

Khoa Báo chí – Truyền thông những năm gần đây luôn là đơn vị có số lượng tuyển sinh hàng đầu của trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Ngoài nhu cầu nguồn nhân lực to lớn của xã hội thì uy tín của Khoa, Nhà trường và chất lượng đầu ra đã tạo nên sức hấp dẫn của một ngành nghề đầy thú vị.

 

Lê Quang Minh

 

 

Liên kết
×