English | Français   rss
Liên kết
Thông báo số 1 Hội thảo quốc gia: Quản trị và mô hình tự chủ đại học theo thể chế mới của giáo dục đại học Việt Nam (31-03-2022 15:25)
Góp ý

Trong khuôn khổ Dự án nâng cao năng lực giáo dục đại học VLIR-IUC (Hợp phần 1), Đại học Huế sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia về “Quản trị và mô hình tự chủ đại học theo thể chế mới của giáo dục đại học Việt Nam”. Đại học Huế trân trọng thông báo đến các đơn vị, tổ chức và cá nhân một số thông tin chính thức về hội thảo như sau:

 

1. Mục tiêu của hội thảo

Phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Trước những yêu cầu mới của thời đại, giáo dục đại học (GDĐH) cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Đại học Huế tổ chức Hội thảo quốc gia về “Quản trị và mô hình tự chủ đại học theo thể chế mới của giáo dục đại học Việt Nam” nhằm mục đích:

- Tạo ra một diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong GDĐH, nhất là từ sau khi các văn bản Luật số 34/2018/QH14 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành.

- Đề xuất ý tưởng, giải pháp thực hiện tự chủ đại học tạo điều kiện cho GDĐH phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

- Kết nối các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo và nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm xây dựng một mạng lưới nghiên cứu cả chiều sâu lẫn chiều rộng lĩnh vực quản trị và tự chủ đại học trong bối cảnh GDĐH hiện nay.

2. Chủ đề hội thảo

Chủ đề 1: Những luận điểm cơ bản về quản trị và tự chủ đại học 

- Các luận điểm cơ bản về quản trị và tự chủ đại học

- Các thành tố tạo nên quản trị và tự chủ đại học

- Lộ trình quản trị và tự chủ đại học

Chủ đề 2: Quản trị và mô hình tự chủ đại học tại Việt Nam

- Quản trị và mô hình tự chủ đại học theo các văn bản Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP

- Quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học

- Thay đổi thể chế quản trị đại học, đổi mới chính sách tự chủ

- Thực trạng về quản trị đại học tại các cơ sở giáo dục đại học, các đại học vùng và đại học quốc gia

Chủ đề 3: Một số vướng mắc về quản trị và tự chủ đại học

- Tự chủ đại học gắn liền với kiểm định chất lượng (KĐCL) và cơ chế giải trình

- Bảo đảm và KĐCL là điều kiện để thực hiện tự chủ đại học

- Tự chủ trong quản lý chất lượng

- Tự chủ đại học trong thời đại chuyển đổi số

Chủ đề 4: Kinh nghiệm thực hiện quản trị và tự chủ đại học

- Kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn của Việt Nam theo các mô hình thí điểm và sau Luật số 34/2018/QH14, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP và khuyến nghị cho các cơ sở giáo dục Việt Nam

- Một số giải pháp thực hiện hiệu quả quản trị và tự chủ đại học giai đoạn 2022 - 2030

3. Hình thức, thời gian và địa điểm tổ chức

- Hình thức tổ chức: Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến.

- Thời gian dự kiến: ngày 08 tháng 6 năm 2022.

- Địa điểm: Hội trường Đại học Huế, số 03 Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Kinh phí tổ chức hội thảo

Kinh phí được hỗ trợ bởi Dự án nâng cao năng lực giáo dục đại học - VLIR-IUC (Hợp phần 1) giữa Đại học Huế và Vương quốc Bỉ giai đoạn 2019 - 2022.

Các hỗ trợ cụ thể:

- Kinh phí mời các chuyên gia và nhà khoa học có bài trình bày chất lượng được chọn lọc để báo cáo tại hội thảo.

- Kinh phí xuất bản bài báo trên Tạp chí khoa học Đại học Huế chuyên san: Khoa học Xã hội và Nhân văn đối với các bài viết được phản biện và Ban biên tập chấp nhận đăng.

- Chi phí ăn trưa tất cả thành viên tham dự.

5. Một số thông tin về hội thảo

5.1. Ngôn ngữ hội thảo

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức, khách quốc tế sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh (có phiên dịch).

5.2. Thể lệ gửi bài tham dự

- Bài viết chưa gửi đăng ở bất kỳ một ấn phẩm thông tin nào. Bài không được chọn đăng sẽ không gửi trả lại tác giả.

- Bản viết phải có tóm tắt (Abstract) và các từ khóa (Keywords) bằng tiếng Việt và bằng tiếng Anh. Tóm tắt không vượt quá 250 từ và phản ánh được nội dung cơ bản của bài viết. Tiêu đề của bài viết, tên tác giả, tên cơ quan công tác, địa chỉ cụ thể. Tóm tắt bằng tiếng Việt đặt ở đầu bài viết, bằng tiếng Anh đặt ở cuối bài báo. Từ khóa cần phải rút ra từ “Tóm tắt”, liệt kê 3-5 từ hoặc cụm từ.
- Bài viết dài tối đa 10 trang giấy khổ 19 cm × 27 cm, đánh máy vi tính trên Microsoft Word, phông chữ Unicode (phông Palatino Linotype), cỡ chữ 12, định dạng tất cả lề đều 2 cm, cách dòng 1,15; khoảng cách giữa các khổ: trước 6 pt và sau 3 pt. Các công thức toán học dùng MathType và đánh số bên phải của công thức. Hình vẽ rõ, kích thước không quá 7 cm × 14 cm với định dạng PNG, JPG, WMF. Tên hình vẽ đặt ở phía dưới, tên bảng biểu đặt ở phía trên. In đậm số hình và số bảng. Đặt tất cả đơn vị đo cách con số 1 ký tự, trừ đơn vị “độ”, “phút”, “giây” trong đo góc hình học.

- Những tài liệu tham khảo viết bằng các thứ tiếng ngoài hệ chữ La-tin được chuyển sang kí tự La-tin.

- Nguồn tài liệu trích dẫn là số thứ tự của tài liệu ở danh mục “Tài liệu tham khảo”, được đặt trong ngoặc vuông, khi cần có cả số trang. Ví dụ: [1], [10, Tr. 21–22].

- Cuối bài ghi rõ mục Thông tin tác giả gồm họ tên, học hàm, học vị, nơi công tác, địa chỉ, điện thoại, e-mail, ghi rõ tác giả liên hệ; tên người hướng dẫn (nếu bài viết được trích từ luận văn, luận án), và có chữ ký của (các) tác giả.

- Nếu sử dụng Latex phải theo quy định trên và chọn phông chữ phù hợp với phông Palatino Linotype.

5.3. Biên tập và đăng bài báo

Các bài viết sẽ được hội đồng khoa học của Hội thảo phản biện và nếu bài viết được thông qua sẽ được đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Huế, chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn do dự án VLIR - IUC Hợp phần 1, giai đoạn 2019

- 2022 hỗ trợ kính phí.

- Thời gian đăng ký và gửi tóm tắt bài viết: Trước ngày 22/4/2022.

- Thời gian gửi bài viết toàn văn: Trước ngày 16/5/2022.

- Đăng ký, gửi bản tóm tắt và toàn văn bài viết cho Ban biên tập qua địa chỉ email: nhtmy@hueuni.edu.vn.

5.4. Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp:

TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ quốc tế, Đại học Huế

ĐT: 0912 734 565; Email: nguyenxuanhuy@hueuni.edu.vn

Đại học Huế trân trọng kính mời giảng viên; nghiên cứu sinh; học viên sau đại học; giáo viên; cán bộ quản lý ở các cơ sở nghiên cứu khoa học, các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục viết bài và tham dự để Hội thảo thu được những kết quả tốt đẹp./.

Liên kết
×