Tin tức - Sự kiện
|
Tuổi trẻ Huế trong đại thắng Mùa Xuân 1975
(30-04-2020 14:26)
Góp ý
Trước diễn biến nhanh chóng tình hình chiến trường, thế và lực cách mạng miền Nam áp đảo lực lượng “Việt Nam Cộng hoà”, thời cơ mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam đang đến gần. Đầu tháng 3-1975, Thành ủy Huế họp hội nghị dưới sự chủ trì của Khu ủy Trị - Thiên - Huế, nhằm phổ biến quyết tâm của Bộ Chính trị về kế hoạch giải phóng miền Nam[*]. Ngay sau hội nghị, một số cán bộ chủ chốt trực tiếp phụ trách tuổi trẻ Huế được Thành ủy bí mật đưa vào nội thành để xúc tiến công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy khi thời cơ xuất hiện.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, tại Thừa Thiên Huế, sáng ngày 8-3-1975, Quân Giải phóng bí mật tiến công các xã vùng sâu Phú Vang[1]. Ngày 11-3-1975, Buôn Ma Thuột giải phóng và Quân Giải phóng sắp tiến công Quảng Trị. Ngày 17-3-1975, bộ phận phụ trách chỉ đạo tuổi trẻ đã về “Chín hầm”[2]. Ngày 18-3-1975, Viện Đại học Huế đóng cửa các trường đại học. Mặc dầu vậy, tại Giảng đường Karaté[3], Trường Đại học Sư phạm Huế chật ních sinh viên các trường đại học đổ về đây dự lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng do “Đoàn công tác xã hội nữ sinh viên liên khoa Đại học Huế” tổ chức. Kết thúc buổi lễ, Giảng đường Karaté vang dậy tiếng hô của sinh viên: “Tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của Hai Bà Trưng bất diệt!”. Tiếng hô đáp lại: “Bất diệt! Bất diệt! Bất diệt!”[4]. Tiếp theo, tiếng hát “Tổ quốc ơi ta đã nghe lời reo gọi” làm vang dội cả khu phố bờ Nam sông Hương. Tất cả như báo trước ngày chiến thắng cuối cùng chỉ còn gang tấc. Cũng thời điểm này, đội tự vệ sinh viên được lệnh bí mật chốt giữ căn nhà số 15 Phan Đình Phùng[5], để làm nơi chỉ đạo tuổi trẻ nổi dậy.
Ngày 19-3-1975, lực lượng “Việt Nam Cộng hoà” tháo chạy khỏi Quảng Trị[6]. Huế càng trở nên hỗn loạn. Trên các đường phố Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Duy Tân[7],... xe pháo ngỗn ngang, binh lính “Việt Nam Cộng hoà” thất trận từ Quảng Trị vào, gọi nhau tìm đường tẩu thoát,... 18 giờ ngày 19-3-1975, Thường vụ Khu ủy Trị - Thiên - Huế họp hội nghị và thống nhất đề ra quyết tâm giải phóng Huế. Hội nghị vừa kết thúc, Bí thư Khu ủy, Thiếu tướng Lê Tự Đồng, “điện ngay cho Quân đoàn II về quyết tâm trên và yêu cầu thực hiện chia cắt chiến lược,...”; mặt khác “điện ngay ra Bộ Tổng Tư lệnh quyết tâm trên và được Bộ phê chuẩn”; đồng thời “chỉ thị cho Tỉnh đội Quảng Trị và các lực lượng cánh Bắc không được dừng lại mà phải tiếp tục tấn công,...”. Ngày 20-3-1975, Khu ủy nhận được lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh: “Các nơi phải tiếp tục tấn công mạnh quân địch. Nếu trù trừ do dự sẽ là một sai lầm không thể tha thứ được”[8].
Một khó khăn trước giờ nổi dậy, lực lượng tuổi trẻ vũ khí không đầy đủ, nhưng được cấp trên chỉ đạo: “Lúc này nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là vận động quần chúng nổi dậy, vận động binh lính ngụy phản chiến, lấy súng địch đánh địch. Từng người nổi dậy, từng đường phố nổi dậy, từng phường nổi dậy và toàn thành phố nổi dậy”[9].
Ngày 21-3-1975, Quốc lộ 1 Huế - Đà Nẵng bị Quân Giải phóng cắt đứt, lực lượng “Việt Nam Cộng hoà” ở Huế lại càng thêm đảo lộn, những đoàn xe địch chất đầy binh lính từ hướng Mang Cá đổ về phía Thuận An,... Ngày 22-3-1975, bộ phận chóp bu “Việt Nam Cộng hoà” tại Huế đã chuồn vào Đà Nẵng. Trước tình thế cấp bách, nhằm mở đường cho sĩ quan, binh lính “Việt Nam Cộng hoà” trở về với nhân dân, dưới danh nghĩa Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thừa Thiên Huế, bộ phận phụ trách tuổi trẻ Huế ra lời kêu gọi sĩ quan, binh lính “Việt Nam Cộng hoà”: “Hãy nhận rõ thời cơ ngàn năm có một, quay súng lập công chuộc tội, đồng bào giải phóng đang mở rộng vòng tay chờ đón các bạn. Hỡi đồng bào Huế ... Hãy nổi dậy làm chủ phố phường và làm chủ đời mình”[10].
Ngày hôm sau (23-3-1975), hơn một vạn tờ in Lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thừa Thiên Huế được tuổi trẻ là cơ sở và tự vệ mật nội thành, phân phát khắp trong thành phố. Cũng ngày này, các tuyến phòng thủ bảo vệ Huế của đối phương ở cả hai phía Bắc và Nam bị Quân Giải phóng chọc thủng. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Huế, lực lượng bí mật bên trong cùng lực lượng biệt động, đặc công thành phố ở ngoài vào, đã huy động tuổi trẻ là cơ sở cách mạng và quần chúng cài sẵn tại các nhà máy điện, nước, bưu điện, đài phát thanh, đài truyền hình, bệnh viện và những cơ sở quan trọng, nhằm bảo toàn an toàn thiết bị, vật tư, tài liệu,... một khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra; một số được điều động giữ vững ba cầu An Cựu, Kho Rèn và Nam Giao; số khác được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến công cũng đã sẵn sàng,... Mờ sáng ngày 24-3-1975, nhiều tổ tự vệ trong tuổi trẻ Huế cải trang mặc quân phục quân đội Sài Gòn, mang súng AR16, xuất hiện tại một số khu vực như Bến Ngự, An Cựu, Chợ Cống, Tam Tòa, ... từng bước kiểm soát, nắm bắt tình hình để kịp thời huy động nhân dân nổi dậy làm chủ thành phố.
Thời cơ phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền đã chín muồi. Tối 24-3-1975, Thành ủy Huế phát lệnh huy động quần chúng nổi dậy. Sáng ngày 25-3-1975, “từ hai hướng Nam và Bắc Huế, các lực lượng đi đầu tiến công vào thành phố Huế. Phía Bắc, một bộ phận đi đầu của Tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương Quảng Trị, được tự vệ dẫn đường tiến vào nội thành Huế. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25-3-1975, lá cờ Giải phóng được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu. Thành phố Huế đã được giải phóng”[11]. Cũng vào sáng ngày 25-3-1975, ở cánh Nam, tự vệ mật, lực lượng võ trang tuổi trẻ Huế phối hợp với bộ đội chính quy đánh chiếm quân lỵ Phú Vang rồi dùng xe chiếm được của địch, cắm cờ Mặt trận tiến vào Huế, cùng hội quân với cánh Bắc tại Kỳ đài Phu Văn Lâu[12].
Huế hoàn toàn giải phóng, là đòn mạnh mẽ, đánh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở các tỉnh ven biển miền Trung, đẩy quân đội “Việt Nam Cộng hoà” vào thế khốn đốn, suy sụp không gì cứu vãn nổi, tạo đà[13] để quân ta tiến đến giải phóng Đà Nẵng, thần tốc đi đến Tổng tiến công và nổi dậy Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Về ý nghĩa giải phóng Huế, Điện khen của Quân ủy Trung ương viết: “Việc đánh chiếm và giải phóng thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước[14].
Với việc giải phóng Huế, “Trị Thiên Huế đã trở thành hậu phương trực tiếp của toàn miền Nam trong Xuân 1975”[15]. “Lúc bấy giờ bao khó khăn bức bách diễn ra trăm mối: An ninh chính trị, trật tự xã hội, mọi mặt sinh hoạt của nhân dân, hồi cư, bệnh tật, thiếu đói, điện nước, môi trường, bảo vệ của công, niêm khóa và bảo toàn tài sản vắng chủ, tiếp tục truy kích, trấn áp bọn phản động ... ”[16]. Cùng với đó là công tác bảo vệ an toàn các nhà máy, xí nghiệp, đưa đội ngũ bác sĩ, y tá trở lại bệnh viện, đưa sinh viên, học sinh trở lại trường,...
Giải quyết những công việc trên sẽ góp phần quan trọng để Huế trở thành hậu phương trực tiếp chi viện cho cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy đang diễn ra. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Huế, một lần nữa tuổi trẻ Huế đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc tập hợp lực lượng, sử dụng máy móc, xe cộ chiến lợi phẩm, tổ chức các đội tuyên truyền lưu động, ngày đêm có mặt trên các đường phố, công bố chủ trương, chính sách của Mặt trận và các thông báo, qui định của chính quyền cách mạng đối với vùng mới giải phóng, kêu gọi tàn quân địch ra trình diện, nộp vũ khí (riêng Quận Thành Nội, chỉ đợt đầu tiên đã có tới 4.050 người ra trình diện); kêu gọi công nhân, giáo chức, giáo viên, y bác sĩ yên tâm trở lại nhiệm sở cùng chính quyền cách mạng kiểm kê, bảo quản kho tàng, tài liệu, thiết bị an toàn.
Để phát huy thắng lợi, tuổi trẻ Huế vận động nhân dân Huế tăng cường panô, áp phích. “Đặc biệt là chuẩn bị một số lớn cờ Giải phóng và cờ Tổ quốc,... hàng chục máy may tập trung về rạp chiếu phim Tân Tân[17]”, các chị em tiểu thương Đông Ba tự nguyện cung cấp các loại vải màu đỏ, màu xanh, màu vàng; rồi “hàng chục chị em thợ may thay nhau liên tục ngày đêm may cờ,...”[18]. Nhờ vậy, trong phút chốc, cờ Mặt trận và cờ Tổ quốc tung bay trên khắp cơ quan và tư gia. Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng được thành lập ở các khu phố, rồi tỏa ra các đường phố làm sạch môi trường, thu gom súng ống, đạn dược, quân trang, quân dụng,... do quân đội SG vất lại trước lúc tháo chạy.
Tại các trường học (trung học và đại học, cùng thời điểm Huế được giải phóng, lực lượng đoàn viên và cơ sở cách mạng bao gồm số thoát ly ra vùng giải phóng và số hoạt động tại chỗ[19] đã nhanh chóng tiếp quản, làm chủ trường lớp. Hội Liên hiệp Sinh viên Giải phóng Huế công khai hoạt động, trụ sở đặt tại Trường Đại học Khoa học (tiền sảnh hướng ra đường Hoàng Hoa Thám),... Các Chi đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh ở các trường đại học, trung học lần lượt ra mắt công khai trước toàn thể sinh viên, học sinh. Ngày 15-4-1975, ngành giáo dục toàn thành phố tổ chức lễ tái khai giảng năm học 1974-1975 tại trường Quốc Học. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đã về dự, càng làm cho tuổi trẻ Huế thêm tự hào về một quá khứ hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước.
Suốt 21 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Huế luôn luôn là “điểm nóng” trong phong trào đô thị miền Nam, trong đó tuổi trẻ giữ vai trò xung kích, đi đầu trong mọi phong trào, từ phong trào chống chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm năm 1963, chống chế độ quân phiệt Thiệu – Kỳ năm 1966 đến Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chống bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu năm 1971,... Và đến trận cuối cùng - Đại thắng mùa Xuân 1975, tuổi trẻ Huế đã có mặt trên mọi mặt trận chính trị, quân sự, binh vận và mọi hoạt động, kể từ khâu chuẩn bị, rồi việc trong suốt quá trình tiến công và nổi dậy và cả sau khi thành phố được giải phóng. Tuổi trẻ Huế đã tiếp nối xuất sắc truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của bao thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước và dựng nước, “xứng đáng là con em của một dân tộc anh hùng, xứng đáng là những người kế tục tinh thần anh hùng của Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu,... là những tấm gương đấu tranh của Huế bất khuất và miền Nam anh hùng”[20].
_________________
[*]. Từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị họp mở rộng, mục đích thảo luận, để đi đến hạ quyết tâm chiến lược cuối cùng về kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thì được tin tỉnh Phước Long đã được giải phóng (6-1-1975), Bộ Chính trị đã đi đến hạ quyết tâm chiến lược cuối cùng về việc giải phóng miền Nam trong 2 hai năm 1975-1976. [1] Tứ Phú Đa, Vinh Hà, Vinh Phú và Vinh Thái. Thời “Việt Nam Cộng hoà”, 4 xã này thuộc quận Phú Thứ. Hiện nay, các xã này thuộc huyện Phú Vang,Thừa Thiên Huế. [2]. Căn phòng thuê của sinh viên nằm sâu phía sau ngôi nhà số 9, đường Phạm Hồng Thái, Huế, một trong những địa chỉ, anh em nội thành thường hay gặp gỡ, trao đổi công tác và thường được gọi đùa là “Chín hầm”. [3] Nay cải tạo, nâng cấp thành phòng học của trường. [4] Lê Cung (Chủ biên), Đại học Huế - 60 năm xây dựng và phát triển (1957 - 2017), Nxb. Đại nhọc Huế, Huế, 2017, tr. 177. [5] Văn phòng Sinh viên vụ, Viện Đại học Huế. [6] Gồm huyện Hải Lăng và 3 xã cực Nam huyện Triệu Phong được giải phóng. [7] Nay là đường Hùng Vương. [8] Lê Tự Đồng, Trị Thiên Huế – Xuân 1975, trong “Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế Xuân 1975”, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 45. [9]. Lê Phương Thảo, Sđd., tr. 441-442. [10]. Lê Phương Thảo, Sđd., tr. 445-446. [11] Vũ Thắng, Thừa Thiên Huế - Xuân 1975, trong “Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế Xuân 1975”, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 71. [12] Hoàng Lanh (bấy giờ là Phó Bí thư Thành ủy Huế), Huế mùa Xuân 1975 – Một vài kỷ niệm, trong “Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế Xuân 1975”, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 255. [13] Ngày 25-3-1975, tại Hà Nội, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, nhận đình tình hình đang phát triển nhảy vọt, địch đang suy sụp nhanh, thời cơ chiến lược lớn đã đến và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước khi mùa mưa bắt đầu. [14]. Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 239. [15] Lê Tự Đồng, Sđd., tr. 52. [16] Nguyễn Hữu Vấn, Mùa Xuân ra đi và mùa Xuân đoàn tụ, trong “Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế Xuân 1975”, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 363-364. [17] Nay là rạp chiếu phim Đông Ba [18] Nguyễn Thị Hoa, Giữa lòng đô thị, trong “Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế Xuân 1975”, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 391. [19] Số thoát ly ra vùng giải phóng như Trương Văn Hoàng, Trần Thức, Hoàng Xuân (ĐHSP); số hoạt động tại chỗ như Trần Hữu Dàng, Phan Quận,... (ĐHYK), Lê Viết Dũng, Bửu Nam, Lê Cung, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Thanh Văn, Nguyễn Văn Đoàn, Ngô Võ Hồng Trân,... (ĐHSP), Huỳnh Ngọc Minh, Lê Hồng Vọng, Trần Quang Hải,... (ĐHVK), Nguyễn Nhiên, Ngô Hướng, ... (ĐHLK), Lê Cát Tường, Trần Khanh,... (ĐHKH). [20]. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Tập II (1961-1964), Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1974, tr. 132.
PGS.TS. Lê Cung
Các tin mới hơn
Công bố Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế nhiệm kỳ 2019 - 2024
(23-06-2020 08:50)
Tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học Đại học Huế
(22-06-2020 08:43)
Phương án thiết kế Cổng chào Đại học Huế tại Khu quy hoạch Trường Bia
(13-06-2020 15:04)
Hơn 3500 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế
(13-06-2020 10:59)
Đại học Huế là một thiết chế không thể tách rời của tỉnh Thừa Thiên Huế
(05-06-2020 11:04)
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam thăm và làm việc với Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế
(28-05-2020 07:59)
Đảm bảo an toàn cho hơn 950 thí sinh dự thi kỳ thi cao học của Đại học Huế
(24-05-2020 07:41)
Xây dựng kế hoạch hợp tác NCKH và CGCN trong lĩnh vực Nông Lâm Ngư với tỉnh Thừa Thiên Huế
(20-05-2020 11:03)
Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên
(20-05-2020 08:32)
Ảnh hưởng của văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
(19-05-2020 08:55)
Các tin đã đăng
Các phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020 của Đại học Huế
(27-04-2020 17:46)
Đại học Huế ký kết biên bản hợp tác với KCG và KCGI, Nhật Bản
(23-04-2020 16:17)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ tình nguyện tham gia hiến máu
(16-04-2020 14:51)
Thông báo tuyển sinh lớp Cao học Quốc tế Okayama-Huế khóa 14
(15-04-2020 15:07)
Nguồn truy cập miễn phí các công bố khoa học mới nhất về COVID-19
(23-03-2020 16:39)
Đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cần 10.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin
(14-03-2020 14:59)
Đại học Huế làm việc với đoàn công tác thành phố Kyoto, Nhật Bản
(27-02-2020 16:51)
Công bố Quyết định bổ nhiệm viên chức quản lý Đại học Huế
(26-02-2020 11:30)
|
Tin tức, sự kiện nổi bật
Thông báo số 01 viết bài tham dự Hội thảo “30 năm thực hiện Nghị định 30/CP của Chính phủ, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia”
(15-08-2024 09:31)
Thông báo tuyển sinh đại học bằng hai, liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế năm 2023 đợt 3
(19-10-2023 14:46)
Thông báo Danh sách tập thể và cá nhân được đề nghị công nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng năm học 2022 - 2023
(21-08-2023 10:27)
Tin tức, sự kiện mới nhất
Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh sau đại học năm 2024
(22-01-2025 15:01)
Công đoàn Đại học Huế tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
(22-01-2025 14:37)
Đảng ủy Đại học Huế: Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
(22-01-2025 09:53)
Liên kết
|