English | Français   rss
Liên kết
Kỷ niệm 117 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 –19/5/2007): Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (17-05-2007 08:58)
Góp ý
Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh một Con Người”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Một câu chuyện tôi thiết tha muốn kể là bữa ăn của Bác. Một bữa ăn đạm bạc rất khó tưởng tượng với nhiều người nhưng đó chưa phải là điều làm tôi xúc động. Điều làm tôi xúc động hơn cả là trong mỗi bữa ăn, Bác thường lưu ý mọi người ăn món nào thì ăn cho hết, món nào ăn không hết, để lại thì để cho tươm tất. Ở gần Bác trong nhiều năm, tôi kể lại chuyện này để nói lên tấm lòng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng kính trọng của Người đối với những người chế biến ra bữa ăn, và sâu xa hơn là đối với những người sản xuất ra bữa ăn". (Dẫn theo: Phạm Văn Đồng- Tuyển tập văn học-NXB Văn học 1996 tr.742-743).

Cách sống "Một đời thanh bạch chẳng vàng son..." và "Nâng niu tất cả chỉ quên mình..." (Tố Hữu) của Bác Hồ, đã làm lay động thiết tha suy nghĩ, tình cảm và hành động của biết bao người. Trong bài thơ “Người chẳng có gì riêng”, nhà thơ Chế Lan Viên đã có những vần thơ mà cứ mỗi lần đọc lên, lòng ta cứ day dứt mãi không nguôi niềm thương nhớ Bác:

" Người sống thu nhỏ lại

Dấu mình đi, không làm phiền ai tất cả

Dép một đôi, áo quần vài bộ

Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài...


Người không một mảnh vườn riêng, tổ ấm riêng

Một đứa con riêng người chẳng có..."

...

Trong cuốn "Cảnh sắc và hương vị đất nước", nhà văn Nguyễn Tuân đã kể lại mẩu chuyện cảm động sau đây về Bác Hồ :"Có một buổi tối Cụ Hồ ngồi làm việc với cái máy chữ của mình. Ông cụ chỉ mổ cò hai ngón thôi nhưng rất nhanh. Bỗng Ông Cụ dừng tay lại và nói một cách bâng quơ: "Bây giờ giá có bát phở mà ăn thì thú nhỉ?!". Những người phục vụ quanh Bác hôm sau bèn làm phở và đúng giờ ấy mời Chủ Tịch xuống ăn, Cụ Hồ ngẩng nhìn họ và buột miệng : "Ờ... mấy chú này lạ nhỉ! Ăn phở thì phải ăn ngoài phố mới ngon chứ!". Chợt thấy mình nói thế không vui lòng những người phục vụ, Ông Cụ bèn chữa lại: "À thôi ta xuống ăn đi cho nóng!" (NXB Tác phẩm mới, Hà Nội 1988 tr.11).

Chuyện mới nghe qua cứ tưởng bình thường, những nghĩ lại, ta thấy biết bao ân tình sâu nặng ở bên trong. Một vị Chủ tịch nước làm việc thức khuya, đói bụng phải thèm ăn bát phở là điều rất hiếm thấy đối với nhân loại, song đây là điều có thực ở Bác Hồ chúng ta.

"Ham muốn tột bậc" của Bác Hồ là :"Nước độc lập tự do, dân no ấm học hành". Một ngày mà Tổ Quốc chưa thống nhất, đồng bào cơm ăn chưa đủ no, áo mặc chưa đủ ấm, con cháu còn thiếu trường lớp để học hành, là một ngày Bác ăn không ngon, ngủ không yên. Vì thế làm Chủ tịch nước, Người vẫn sống cuộc đời bình dị của người dân thường.

Thời thanh niên đi khắp bốn bể năm châu để tìm đường cứu nước, Bác Hồ:

" Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ Quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa..

(Chế Lan Viên)

Đến lúc cao niên trở về nước tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc ở núi rừng Pác-Bó, cùng đồng cam cộng khổ với đồng bào và chiến sĩ trong cảnh "sáng ra bờ suối tối vào hang, cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng...", Bác Hồ vẫn ung dung với "cuộc đời cách mạng thật là sang". Khi về làm Chủ tịch nước ở Thủ đô Hà Nội, Người vẫn sống cuộc đời đơn giản, tiết kiệm. Bữa ăn của Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch cũng không sướng hơn những tháng ngày gian khổ ở chiến khu Việt Bắc. Trong cặp lồng đựng cơm của Bác Hồ sau ngày người đọc Tuyên ngôn độc lập, một nhà báo đã ghi lại:

" Ngăn trên đựng một ít rau muống luộc, ngăn dưới một quả trứng rán, với vài miếng ớt, dưới cùng là một ít cơm." Bác kiên quyết chối từ những bữa ăn "cao lương mỹ vị" mà hơn ai hết Bác cần phải dùng để có đủ sức khỏe phục vụ nhân dân, cách mạng. Để giải tỏa nỗi băn khoăn cho những đồng chí cộng sự gần gũi bên mình, Bác thường tâm sự với các đồng chí có trách nhiệm: "Ai cũng muốn không những ăn no, mặc ấm mà còn phải ăn ngon, mặc đẹp. Cả Bác và các chú cũng thế. Chúng ta làm cách mạng là để được hạnh phúc. Nhưng khi nhân dân ta còn nhiều người nghèo khổ, đói rét, bệnh tật, không được học hành, nói gì đến ăn ngon, mặc đẹp...Nếu chỉ lo thu vén cho bản thân mình được ăn ở sung sướng trong khi đất nước và nhân dân còn lầm than, thì thật đáng xấu hổ, đáng lên án..."

Những đồng chí phục vụ bên cạnh Bác lâu năm kể rằng: Người ăn uống rất thanh đạm. Bác thường thích ăn những món ăn quê hương xứ sở mà thửơ thiếu thời sống với cha mẹ ở quê nhà Bác từng chia sẻ: một ít dưa chua, nhất là nhút Thanh Chương, mấy miếng ớt, vài quả cà pháo dầm tương, nhất là tương Nam Đàn xứ Nghệ và mấy khúc cá nhỏ kho khô.

Chuyện Bác Hồ "thích phở" do đó không có gì lạ. Nhưng chi tiết Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc thức khuya, đói bụng, phải "thèm ăn bát phở" thì cảm động vô cùng. Người Việt Nam nào có lương tâm, nghe chuyện này cũng không khỏi bâng khuâng nhớ Bác...

Nhà thơ Hải Như đã xúc động kể lại trong bài thơ: "Bữa ăn sáng Bác Hồ":

" Bữa ăn sáng của Bác Hồ sao đạm bạc

Một bát cháo hoa gạo đỏ

Một khúc sắn quê nhà

Sướng chưa đều nên Bác sẻ khổ cùng ta

Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục

Ôi! Bác lánh xa mọi xa hoa của đời tục

Mà chúng ta nhiều lúc

Lại cứ mãi... sa vào"

Cho đến những năm cuối đời, bữa ăn của Bác Hồ cũng không có gì thay đổi: "Bác thường để lại đĩa thịt gà - mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ" (Việt Phương). Bác ăn cơm nắm. Bác lấy dao sẻ ra rừng miếng rồi ăn với canh và cà muối. Lúc ăn Bác không để rơi vải một hạt nào ra ngoài. Ăn xong Bác thường đứng dậy gắp dồn thức ăn còn lại vào một đĩa gọn gàng và bảo: "món này còn dùng được đừng lãng phí".

Cuộc đời 79 mùa xuân trong sáng của Bác Hồ - Người đã cống hiến hết mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân mà chẳng bao giờ mưu tính một điều gì cho riêng mình. Đến lúc sắp từ biệt thế giới này, Người đã để lại cho muôn đời lời di huấn bất hũ 79 chữ: "Về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân."

Thật không có ai trên đời này như Bác Hồ của chúng ta! Lãnh tụ vĩ đại của một dân tộc mà:

" Bữa cơm ăn vẫn quen nhút quen cà

Đến lúc chết xin dân đừng tang chế..."

( Vũ Quần Phương- Thấm trong Di chúc)

Tháng Năm về nhớ Bác, kỷ niệm lần thứ 117 năm ngày sinh của Người, trong nỗi bồi hồi "nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!" lòng chúng ta nghe vọng về "muôn vàn tình thương yêu" mà Bác Hồ đã để lại cho nhân dân ta trước lúc đi xa. Những lời căn dặn thiết tha của Người đối với "các đồng chí có trách nhiệm" năm xưa, nay vẫn còn soi sáng mỗi bước đường chúng ta đi tới ngày hôm nay. Nhất là trong hoàn cảnh đất nước ta còn nghèo, nhân dân ta nhiều nơi vẫn còn lầm than đói khổ, trong lúc đó một số bộ phận cán bộ các cấp đã tha hoá biến chất, tham ô lãng phí, đục khoét tài sản của nhà nước, bòn rút của nhân dân, chỉ biết lo thu vén cho bản thân để xây nhà cao cửa rộng, sắm sửa cuộc sống xa hoa, ăn chơi xa xỉ, mặc cho nhân dân ta thán, Đảng và Nhà nước phải "nhức đầu" thì thật là " xấu hổ và đáng lên án"!.

Nguyễn Xuân Tùng

Liên kết
×