English | Français   rss
Liên kết
Nhân dịp bầu cử Quốc hội Khoá XII: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Quốc hội (18-05-2007 09:11)
Góp ý
Lúc sinh thời, trong những lần đọc diễn văn tại các kỳ họp của Quốc hội và tiếp xúc với cử tri, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền đi thông điệp: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta...”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ, Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân...”. Người đại biểu nhân dân phải “hy sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung...phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân,... phải vì ích nước quên lợi nhà, vì lợi chung quên lợi riêng...những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu vào Quốc hội ...”. Đây là tư tưởng “kinh bang tế thế” sáng ngời của Bác, có giá trị nhân văn cao cả, mang ý nghĩa lí luận và thực tiễn sâu sắc, mãi mãi soi sáng đường cho Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ta đi tới hôm nay và mai sau...
<body>

Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu của nhân dân ta - người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH), nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Bác cũng là người sáng lập ra Quốc hội Việt Nam ngày nay mà tiền thân là Quốc hội khoá I, được bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 - đến nay đã trải qua XII khoá.

Ngược dòng lịch sử chúng ta nhớ lại, chỉ một ngày sau khi đọc TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 03/09/1945, Người đã ký Sắc lệnh số 14 quyết định tổ chức tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước. Tiếp đến ngày 20/09/1945, Người ký sắc lệnh số 34 thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên. Ngày 26/09/1945, Người đã ký sắc lệnh số 39 về việc thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ tổng tuyển cử gồm 9 thành viên. Ngày 17/10/1945, Bác ký Sắc lệnh số 51 qui định thể lệ tổng tuyển cử và ấn định sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử toàn quốc vào ngày 23/12/1945. Ngày 16/11/1945, chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch nêu vấn đề dân chủ bầu cử, ứng cử và đề nghị Văn phòng Chính phủ ra thông báo nói rõ, bất cứ ai cũng có quyền ứng cử, không phân biệt tôn giáo, đảng phái. Để công việc chuẩn bị bầu cử được chu đáo hơn, Hội đồng Chính phủ quyết định hoãn ngày tổng tuyển cử đến 06/01/1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27/12/1945.

Trên báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945 đã đăng bài viết: “Về ý nghĩa tổng tuyển cử" của Bác Hồ. Người đã kêu gọi nhân dân Việt Nam tích cực tham gia ngày hội tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập vào ngày 6/1/1946. Bác chỉ rõ: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do chọn lựa những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà...Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó".

Một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, chiều 5/1/1946, trước hơn hai vạn đồng bào thủ đô Hà Nội đang mít-tinh ủng hộ cuộc bầu cử, Bác Hồ đã nói: "Làm việc bây giờ là hi sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung..." Hướng về phía cử tri Bác đã căn dặn: "Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình". Hướng về phía các ứng cử viên Bác nhắn nhủ: "Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Ngày mai người ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng"...

Kết quả tổng tuyển cử là nhân dân ta đã bầu 333 đại biểu vào Quốc Hội đầu tiên của nước VNDCCH. Bác Hồ đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Sau khi thực hiện thắng lợi cuộc tổng tuyển cử, Bác Hồ chủ trương nhanh chóng triệu tập cuộc họp Quốc hội để đối phó kịp thời với tình hình mới. Sáng ngày 2/3/1946, Quốc hội khoá I đã khai mạc kì họp thứ nhất tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc và báo cáo công tác của Chính phủ liên hiệp lâm thời VNDCCH trước Quốc hội, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: "Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi tin chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế dù khó khăn đến đâu, kháng chiến cũng sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công".Cũng tại kì họp này, Bác Hồ được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Người đã giới thiệu trước Quốc hội danh sách thành phần Chính phủ mới, Đoàn cố vấn tối cao, Kháng chiến uỷ viên hội và Quốc hội đã nhất trí thông qua.

Từ cuối tháng12/1946, đáp lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, các đại biểu Quốc hội đã cùng nhân dân lên đường tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; mãi đến sau ngày hoà bình lập lại Quốc hội mới tiếp tục hoạt động trở lại. Ngày 20/3/1955, kì họp thứ tư của Quốc hội khoá I họp tại thủ đô Hà Nội. Đọc lời chào mừng trong phiên khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh : "Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, đem lại hoà bình cho đất nước". Phát biểu trong phiên bế mạc ngày 26/3/1955, Người nói: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ, Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Chính phủ chỉ có một mục đích duy nhất là hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân".

Từ đó cho đến khi Bác qua đời (9/1969), Người thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sâu sát các công tác và hoạt động Quốc hội khoá II (1960), khoá III (1964). Bác đã cùng Quốc hội lãnh đạo công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất đất nước.

Ngày 7/7/1960, thay mặt Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Chính phủ, Bác Hồ đã đọc lời chào mừng Quốc hội khoá II của nước VNDCCH. Tại kì họp này, Quốc hội khoá II theo đề nghị của Bác, đã bầu cụ Tôn Đức Thắng làm Phó Chủ tịch nước. Phát biểu trong dịp này Người đã nói : "Việc Quốc hội nhất trí bầu cụ Tôn Đức Thắng làm Phó Chủ tịch nước VNDCCH, chứng tỏ nhân dân miền Nam nhất trí với nhân dân miền Bắc, nước ta nhất định sẽ thống nhất".

Từ ngày 15/6 đến 3/7/1964, Bác Hồ dự kì họp thứ nhất Quốc hội khoá III. Trong phiên họp bầu Thủ tướng Chính phủ, Bác Hồ đã giới thiệu và đề nghị Quốc hội bầu đồng chí Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng nước VNDCCH. Phát biểu trong phiên bế mạc, Người nói: "Thay mặt các đồng chí đã được bầu vào các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, tôi xin cảm ơn Quốc hội đã tỏ lòng tín nhiệm. Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội".

Ngày 10/4/1965, phát biểu tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá III, Người nhấn mạnh: "Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước". Về lập trường của Chính phủ Việt Nam VNDCCH Người tuyên bố: "Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta. Đế quốc Mỹ phải tôn trọng hiệp nghị Giơ ne vơ, phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công vào miền Bắc. Đó là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam".

Ngày 22/04/1966, Bác Hồ dự kỳ họp thứ tư Quốc Hội khoá III. Phát biểu trong phiên họp bế mạc, Người biểu dương thành tích của quân và dân miền Bắc vừa sản xuất tốt, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 973 máy bay của Mỹ. Bác đã nêu nhiệm vụ của quân và dân miền Bắc là: "Phải ra sức bảo vệ và xây dựng miền Bắc vững mạnh, hết lòng hết sức ủng hộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn"...

...

Những lời căn dặn thiêng liêng trên đây của Hồ Chủ tịch, sau khi Người qua đời, đã trở thành "lẽ sống-niềm tin-mong ước lớn" (Tố Hữu) của nhân dân ta; thôi thúc toàn Đảng, toàn dân tiến lên phía trước, hoàn thành sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc: cả nước hoà bình, độc lập, thống nhất và tiến lên CNXH.

Chào mừng ngày bầu cử Quốc hội khóa XII, ôn lại những trang sử vẻ vang của Quốc hội gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc tư tưởng của Người về vai trò nhiệm vụ của Quốc hội và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Những tư tưởng sáng ngời của Hồ Chí Minh: "Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta";... "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ, Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân"... Và tư cách người đại biểu nhân dân là phải hy sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung...phải ra sức giữ vững nền độc lập Tổ quốc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân...phải vì lợi nước quên nhà, vì lợi chung quên lợi riêng"...; những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu vào Quốc hội; mãi mãi vẫn là tư tưởng "kinh bang tế thế" sâu sắc, có giá trị nhân văn cao cả, mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, soi sáng đường cho Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ta đi tới hôm nay và mai sau...

Nguyễn Xuân Tùng


 

</body>
Liên kết
×