English | Français   rss
Liên kết
Xóa bỏ tận gốc tệ nạn phao thi bằng thực hiện thi trắc nghiệm (26-07-2003 08:48)
Góp ý
GS-TSKH Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2003: Xóa bỏ tận gốc tệ nạn phao thi bằng thực hiện thi trắc nghiệm.

Phao thi là một tệ nạn trong giáo dục, nhưng vì sao tệ nạn này vẫn tồn tại? Trước tình trạng phao thi xuất hiện tràn lan trong kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, chiều 9-7, phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2003, GS.TSKH Trần Văn Nhung.

Phóng viên: – Thưa Thứ trưởng, cùng với hiện tượng thi hộ, thi kèm, trong kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, tình trạng phao thi xuất hiện tràn lan đang khiến dư luận rất bức xúc. Ông có thể cho biết vì sao lại có tình trạng này?

Thứ trưởng TRẦN VĂN NHUNG: – Phải nói ngay rằng, phao là tệ nạn đã có từ nhiều năm nay và xuất hiện ở mọi kỳ thi chứ không chỉ trong kỳ thi ĐH-CĐ năm 2003. Trong kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, tệ nạn này tuy giảm nhưng vẫn còn tiếp diễn.Vì sao như vậy? Theo tôi, cần xét cả hai mặt cung và cầu. Có cầu thì mới có cung. Có người cần tri thức giả là thì có kẻ cung cấp hàng giả đó cho họ. Do tính chất căng thẳng của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, tâm lý của một số thí sinh "có phao cho chắc", nên các chợ phao mới xuất hiện. Còn về phía cung, thì có thể thấy rõ, mấy năm vừa qua, sản xuất phao đã trở thành một "thứ công nghệ", và như tôi đã nói, nó là một tệ nạn trong giáo dục.

– Nhưng có một thực tế khiến nhiều người không thể hiểu được là tại sao những kẻ gây ra tệ nạn này lại không bị xử phạt?

– Đó là do hiện nay chúng ta chưa có các quy định xử phạt hành chính đối với những vi phạm trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Chính phủ về vấn đề này.

– Trong kỳ thi năm nay, ngành giáo dục đã có biện pháp gì để xóa bỏ tệ nạn này?

– Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp cố gắng tiến tới thanh toán triệt để tệ nạn này. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã ra quy định kiểm tra nghiêm ngặt và cương quyết xử lý thí sinh mang tài liệu hoặc phương tiện thông tin vào phòng thi. Tất cả mọi thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi. Cán bộ coi thi nào không thực hiện đúng nhiệm vụ hoặc có hành vi tiếp tay cho thí sinh vi phạm quy chế phòng thi cũng bị xử lý nghiêm minh và kịp thời. Ban Chỉ đạo kỳ thi cũng đã phối hợp với ngành công an và chính quyền các địa phương kiên quyết dẹp bỏ các chợ phao. Tại Hà Nội, chúng tôi đã có cam kết phối hợp với công an và UBND 4 phường được coi là "trọng điểm" của tệ nạn này là Bách khoa (quận Hai Bà Trưng), Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), Quan Hoa (Cầu Giấy) và Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng) bố trí lực lượng trực liên tục từ ngày 24-6 đến hết kỳ thi. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ này, một số cơ sở sao in đề thi đã bị phát hiện. Tuy nhiên, những kẻ sản xuất, buôn bán phao năm nay cũng rất tinh vi. Chúng không tụ tập đông như trước mà xé lẻ hoạt động tại các ngõ nhỏ và đưa về các tỉnh.

– Ông có thấy rằng, tệ nạn phao còn tồn tại cũng có liên quan đến đề thi? Bởi vì đây cũng là một cách thí sinh hy vọng mang "tủ" vào phòng thi để sử dụng?

– Điều này đúng. Chính vì như thế nên để xóa bỏ triệt để tệ nạn này, Bộ GD-ĐT đã cố gắng cải tiến cách ra đề thi để có thể phân hóa học sinh, tránh tình trạng học tủ, học vẹt. Với các môn thi được coi là dễ quay cóp như sử, địa, cũng cần phải hiểu mới làm được chứ không thể chỉ học thuộc lòng. Hướng lâu dài, chúng ta cần thực hiện phương pháp thi trắc nghiệm nhằm loại bỏ tận gốc tệ nạn phao. Thực hiện thi trắc nghiệm sẽ tránh tình trạng chép bài của nhau, tránh mang tài liệu vào phòng thi vì lúc đó tài liệu cũng bị vô hiệu hóa, có mang được vào cũng không thể có thời gian sử dụng. Ngoài ra, thi trắc nghiệm cũng đảm bảo sự khách quan, chính xác và công bằng trong khâu chấm bài. Khó mà có thể nâng hay hạ điểm cho ai được.

– Thế tại sao chúng ta vẫn chưa chưa sử dụng phương pháp thi này? Theo Thứ trưởng, khó khăn và vướng nhất ở khâu nào?

– Để thực hiện thi trắc nghiệm cần phải có một ngân hàng đề thi giàu có và phong phú. Đây là khâu khó nhất hiện nay của chúng ta. Phải có thời gian và sự chuẩn bị chu đáo. Để có ngân hàng đề thi rất cần sự đóng góp trí tuệ của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà giáo có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, sắp tới chúng ta phải có Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.

– Xin cám ơn Thứ trưởng.

Sài gòn Giải phóng 23/7/2003

Liên kết
×