English | Français   rss
Liên kết
Ký kết thỏa thuận hợp tác về khoa học công nghệ giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế (02-04-2008 16:25)
Góp ý
Ngày 2/4/2008, tại Đại học Huế đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về khoa học công nghệ giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế. Đồng chí Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐHH đã cùng ký bản thỏa thuận trước sự chứng kiến của đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế.
<body>

Thừa Thiên Huế không chỉ là trung tâm văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục và y tế chuyên sâu mà còn giữ vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đại học Huế luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học đáp ứng với yêu cầu đổi mới toàn diện của ngành giáo dục và các thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Một số kết quả nghiên cứu đã được tiếp tục phát triển đưa vào sản xuất thử nghiệm và có nhiều ứng dụng trong giáo dục - đào tạo. Nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh đã góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay về kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là các địa bàn khó khăn của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại học Huế nói chung và các trường thành viên nói riêng đã có đóng góp đáng kể cho địa phương trong các mặt phát triển nguồn nhân lực, hoạt động nghiên cứu - triển khai và tư vấn phản biện. Đại học Huế có thế mạnh trong cả 3 lĩnh vực được ưu tiên của quốc gia là Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu. Thông qua nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, các trường đại học thành viên Đại học Huế đã xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nổi bật có Trung tâm phẩu thuật bằng dao Gamma của Trường ĐHYD, đây là trung tâm đầu tiên của Việt Nam, hiện nay đang điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền Trung, Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ sinh học.

Từ nay đến năm 2010, tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó mục tiêu tỉ lệ nhân lực khoa học và công nghệ trên dân số năm 2010 đạt 1,8%, nhân lực có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 7,5% nhân lực khoa học và công nghệ với chuyên môn phù hợp với các hướng khoa học và công nghệ ưu tiên và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, thông qua sự hợp tác, tỉnh Thừa Thiên Huế hy vọng Đại học Huế sẽ phát huy tiềm năng về khoa học và công nghệ hiện chưa được khai thác hết. Tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn Đại học Huế sẽ góp sức cùng đội ngũ khoa học và công nghệ địa phương triển khai thành công các nhiệm vụ, đó là: bốn chương trình nghiên cứu và triển khai ưu tiên, phát triển thị trường công nghệ, phát triển tài sản sở hữu trí tuệ, xây dựng bảo tàng thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung, mạng lưới các phòng thí nghiệm, xây dựng các cơ sở dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và kinh tế xã hội, về nhân lực khoa học và công nghệ, cơ sở giữ liệu chuyên gia.

Trong khuôn khổ nội dung ký kết hợp tác, hội thảo khoa học đã thu hút nhiều đại biểu từ các sở ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế tham gia đóng góp ý kiến. Để khoa học công nghệ thực sự là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, trong tham luận của UBND TP Huế đã đưa ra một số kiến nghị như: Đại học Huế cấn đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp trên địa bàn; tăng cường chia sẻ thông tin KHCN, phổ biến, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN có giá trị vào thực tế sản xuất và đời sống. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế với tham luận Nhu cầu hợp tác khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp những năm đến. Về phía Đại học Huế, các đơn vị cũng đã trình bày những tham luận về những hoạt động nghiên cứu, khoa học công nghệ đối với sự phát triển của tỉnh nhà.

Cũng trong dịp này, Đại học Huế đã khai trương "Chợ Khoa học Công nghệ ảo" tại địa chỉ http://techmart.hueuni.edu.vn , môi trường để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu và quảng bá năng lực của mình. Đây cũng sẽ là một kênh thông tin để Đại học Huế tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, các địa phương, huy động nguồn lực, đưa ra giải pháp để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Hồng Sam

</body>
Liên kết
×